Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 9 năm 2024


Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 9 cung cấp cho bạn đọc những thay đổi trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống các trường của Tập đoàn để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xanh hóa. Cùng với đó là các thông tin dự báo về thị trường trong những tháng tiếp theo của năm 2024.

Mở đầu Đặc san, bài viết “Tập trung cải thiện năng lực quản lý và năng lực đổi mới sáng tạo: Con đường duy nhất của các doanh nghiệp dệt may” là những chia sẻ của ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex về sự cần thiết phải cải thiện năng lực trong quản lý, điều hành của các doanh nghiệp trong ngành để có thể tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Hiện Việt Nam đã được 73 quốc gia công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là một động thái tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và việc Hoa Kỳ ngày 2/8 vừa qua vừa thông báo chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Vậy khi được công nhận là nền kinh tế thị trường thì Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích gì? Xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết “Khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường” của TS . Nguyễn Minh Phong.

Theo nhận định của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành thì bất ổn chính trị tại Bangladesh đã tạo ra những cơ hội về dịch chuyển đơn hàng đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may trong đó có Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam là có trong thời điểm từ nay tới hết năm 2024, tuy nhiên bước sang năm 2025 sóng dịch chuyển đơn hàng sẽ không còn mà trở về đúng năng lực cạnh tranh và thế mạnh sản xuất đơn hàng của mỗi quốc gia. Đây chính là nội dung bài viết “Việt Nam có đón sóng đơn hàng quý cuối năm?” Đặc san số này gửi đến độc giả.

Cũng như vậy, KNXK dệt may Việt Nam trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần làm gì để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và tăng cường vị thế của mình trên thương trường quốc tế với vai trò là nhà cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm, độ linh hoạt, thời gian giao hàng,… Khuyến nghị được phản ánh trong bài viết “Thị trường dệt may tiếp tục khởi sắc”.

Sinh viên đại học là nguồn nhân lực có chất lượng đối với các doanh nghiệp (DN) trong tương lai, chính vì vậy, việc cung cấp cho sinh viên (SV) kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đáp ứng nhu cầu của DN vừa mang tính sống còn, vừa là trách nhiệm của các trường đại học. Trong bối cảnh hiện nay, khi các DN đang phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì công tác đào tạo SV của trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng phải được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp? Quý độc giả cùng tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết “Đào tạo sinh viên dệt may có đủ kỹ năng số, kỹ năng xanh”.

Với 19 ngành đào tạo hệ cao đẳng, 10 ngành đào tạo hệ trung cấp, trường Cao đẳng công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HCT) đang bắt nhịp với nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong và ngoài ngành dệt may. Việc nâng cao chất lượng đào tạo là một nội dung trọng tâm, được tiến hành một cách thường xuyên, góp phần tạo nên thương hiệu, uy tín cho các cơ sở đào tạo, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp – xu thế tất yếu vì sự tồn tại và phát triển bền vững, đem lại lợi ích chung cho cả hai bên. Đây chính là nội dung bài viết “Nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động là đích đến đào tạo nghề” trên Đặc san số tháng 9.

Bên cạnh đó, Đặc san số tháng 9 cung cấp cho bạn đọc những bài viết về: Khi sức lao động sáng tạo được nhân đôi; Định hướng sử dụng và tiết giảm chi phí trong ngành sợi; Thị trường dệt may tiếp tục khởi sắc; Hội chợ YARN EXPO AUTUMN 2024: Chất lượng sợi ổn định- tiêu chí quan trọng kinh doanh lâu dài; Phát triển ngành dệt may dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại: Bài học từ Trung Quốc; Quản trị nguồn nhân lực trong ngành thời trang: Không đơn thuần là lấp đầy các vị trí trống; Truyện ngắn “Có một tương lai khác” của tác giả Kiều Bích Hậu …

Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: TẠI ĐÂY

Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Truyền thông: 024.38251252; Email: bantt@vinatex.com.vn.


Các tin khác