Đón đầu nguồn nhân lực dệt may trong kỷ nguyên số


Trong chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2022, một trong những nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ngành đó chính là nguồn nhân lực. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhất là giai đoạn kỷ nguyên số đang diễn ra sâu rộng, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đặt ra những thách thức mới nhằm đón đầu xu hướng. Vậy yếu tố cốt lõi nào trong đào tạo nguồn nhân lực đón kịp sự phát triển “vũ bão” của công nghệ trong sản xuất?

Mở rộng đào tạo, đón đầu xu thế

Cuộc CMCN 4.0 với trung tâm là giai đoạn kỷ nguyên số đã tạo ra nhiều thách thức đối với nguồn nhân lực của ngành dệt may khi máy móc, công nghệ ngày càng hiện đại, tự động hóa cao kéo theo số lượng người lao động sẽ giảm ở một số khâu. Tuy nhiên, thực tế sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 đã mang đến những cơ hội với việc tạo ra thêm khoảng 20% lượng công việc mới liên quan đến thiết kế, xử lý mẫu kỹ thuật cho thiết kế thời trang mới…

Với đà tăng trưởng của ngành Dệt May Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, việc tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của các DN để “đón đầu” xu thế về công nghệ, đáp ứng các yêu cầu mới về thiết bị, máy móc của các ngành có tự động hóa cao như ngành Sợi – Dệt nhuộm và một số khâu của ngành May. Bên cạnh đó, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch và phát triển ngành dệt may, đó chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, chiến lược nêu rõ, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, kỹ thuật, thiết kế và công nhân lành nghề để tạo lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập và cuộc CMCN 4.0. Hiện đại hóa từng bước và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong ngành; Xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật; đầu tư chiều sâu và mở rộng hệ thống đào tạo trong các trường đào tạo chuyên ngành dệt may và da giầy; Đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị công nghệ, chuyển giao công nghệ, hấp thụ và phát triển công nghệ; hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, trong phát triển vào đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm tới tăng cường năng lực đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo đội ngũ kỹ sư về xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành.

Năm học 2023 – 2024, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) mở rộng quy mô đào tạo với 1 ngành và 2 chuyên ngành đào tạo gồm: ngành Thương mại điện tử, chuyên ngành Logicstics và Quản lý chuỗi cung ứng (thuộc ngành Quản lý công nghiệp) và chuyên ngành Bảo trì thiết bị dệt may (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí). TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU chia sẻ, đặc điểm ngành Dệt May Việt Nam là sử dụng nhiều lao động và tỷ lệ lao động có trình độ từ Đại học trở lên ở các phân ngành Sợi – Dệt – Nhuộm – May chiếm tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 7,1%; 10,35%; 9,65% và 4,08%. Hàng năm, ngành dệt may cần khoảng 10.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên, nhưng các trường chỉ cung cấp được trên dưới 3.000 cử nhân, kỹ sư các loại – trong đó HTU chiếm khoảng 30-35% năng lực đó.

“Với định hướng ứng dụng và là trường đại học duy nhất đào tạo nguồn nhân lực khép kín cho chuỗi cung ứng dệt may, xác định trách nhiệm của mình là cơ sở đào tạo chủ lực cung cấp nhân lực cốt lõi cho ngành, chúng tôi đã thiết kế 9 ngành đào tạo phủ kín chuỗi, bao gồm: Thiết kế thời trang, Công nghệ Sợi Dệt, Công nghệ May, Quản lý công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ khí dệt may, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Kế toán, Marketing thời trang, Thương mại điện tử.

Năm học 2023-2024, chúng tôi mở thêm ngành Thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trên nền tảng số của các doanh nghiệp dệt may. Mặt khác, một số chuyên ngành chuyên sâu bổ sung thêm như: Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng và Bảo trì thiết bị dệt may… nhằm cung cấp nhân lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, cập nhật những thông tin mới nhất về xu hướng công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh để các em có thể tiếp cận với thực tế tại doanh nghiệp nhanh nhất. Đây là việc chúng tôi cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành dệt may liên quan đến cụm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”- Hiệu trưởng HTU nhấn mạnh.

Kịp thời xu hướng công nghệ, thời trang cho giảng dạy

Nhằm thực tế hóa và xây dựng nền tảng cho sinh viên trong môi trường số, đáp ứng tốc độ phát triển “vũ bão” của công nghệ, TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết, trong mỗi bài giảng, Nhà trường đều yêu cầu và kiểm duyệt gắt gao việc đưa các kiến thức thực tế, cập nhật công nghệ, xu hướng thời trang, phát triển bền vững. Mặt khác, giảng viên còn giao bài tập để sinh viên liên hệ thực tiễn trước và sau mỗi buổi học. Cập nhật xu hướng công nghệ, thời trang… là việc sinh viên phải hoàn thành các bộ sưu tập ở dạng bài tập lớn, các nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp. Việc đào tạo theo học chế tín chỉ đã biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, sinh viên phải chủ động, tích cực mới có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra của học phần và chương trình đào tạo.

“Để đáp ứng cuộc CMCN 4.0 và kỷ nguyên số hiện nay thì ngoài trang bị kiến thức, người học được trải nghiệm thực tế dựa trên các mô hình thực hoặc phần mềm ảo, cụ thể như: mô hình nhà máy dệt may thông minh, nhà máy xanh cho ngành Công nghệ may; phần mềm quản trị nguồn lực TRE cho ngành Quản lý công nghiệp; phần mềm Clo3D cho ngành Thời trang; phòng PLC cho ngành điện – điện tử… Bên cạnh các giờ học tại các giảng đường, phòng thực hành, phòng Lab thì sinh viên HTU còn được thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp hoặc đăng ký làm thêm, trải nghiệm thực tế tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của Nhà trường. Trung tâm này có quy mô khoảng 500 người làm việc, được tổ chức như doanh nghiệp may xuất khẩu quy mô vừa, với đầy đủ các phòng chức năng, gia công hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Tại trung tâm, rất nhiều công nghệ và thiết bị hiện đại được vận hành và sinh viên được thực tập như: hệ thống thiết kế mẫu, giác sơ đồ trên Gerber Accumark; thiết kế và chế tạo cữ, dưỡng bằng máy CNC; máy trải vải, cắt vải tự động; máy may lập trình khổ lớn; dây chuyền sản xuất veston cao cấp… Đây là nơi sinh viên được tiếp cận công nghệ, thiết bị mới nhất, các tiêu chuẩn quốc tế cho sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng quốc tế, tổ chức kiểm tra chất lượng độc lập để từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và sau khi tốt nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận thực tế sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp không mất công phải đào tạo lại.

Ngoài ra, Nhà trường đang triển khai nhiều đề tài NCKH từ cấp Nhà nước, đến cấp Bộ và Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các đề tài đều hướng đến việc ứng dụng các thành tựu KHCN vào thực tiễn sản xuất dệt may và sau đó là chuyển giao công nghệ cho các nhà máy. Chúng tôi đang thực hiện một số đề tài về Trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng vào lĩnh vực dệt may; Digital Lean 4.0 ứng dụng vào việc quản lý năng suất, chất lượng các nhà máy may… Đây đều là cơ sở để xây dựng tài liệu, giáo trình cũng như cập nhật xu hướng công nghệ trong giảng dạy, giúp sinh viên được trang bị đầy đủ hành trang sau khi ra trường”- Lãnh đạo HTU cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển- Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM (HCT) nhận định, CMCN 4.0 làm cho toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc nếu muốn tồn tại và phát triển và HCT cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Để đáp ứng yêu cầu của các nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng, hàng năm, nhà trường đều tổ chức nghiên cứu yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ các vị trí việc làm doanh nghiệp cần tuyển dụng để điều chỉnh, cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy phù hợp với những yêu cầu doanh nghiệp đặt ra. Trong đó, bao gồm cả các kiến thức mới liên quan đến quy trình sản xuất “xanh”.

Với các yêu cầu đào tạo về kỹ thuật, nhà trường đã triển khai đầu tư máy móc, thiết bị dạy học sát với thực tế công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Tổ chức giảng dạy các phần mềm ứng dụng trong thiết kế, quản lý sản xuất đang được triển khai tại các doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp cận nhanh nhất với thực tế sản xuất; Kết hợp chặt chẽ với DN trong việc hướng dẫn thực tập, thực hành. Ngoài ra, trường còn thường xuyên lấy ý kiến của doanh nghiệp về chương trình đào tạo, năng lực của người học sau khi ra trường để kịp thời điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, mời giám đốc điều hành của 2 doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may tham gia Hội đồng trường để cùng nhà trường định hướng chiến lược phát triển trong nhiệm kỳ 2023 – 2028. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên đều bắt buộc phải dành ít nhất 2 tuần đi thực tế tại doanh nghiệp nhằm nắm bắt yêu cầu, quy trình sản xuất tại DN. Điều này sẽ giúp các giảng viên có cơ sở cập nhật tài liệu giảng dạy, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, và chắc chắn đây là điều kiện tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong kỷ nguyên số và CMCN 4.0.

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ phụ trách khối nhân sự nhận định, các DN luôn có nhu cầu nhân sự ở tất cả các khâu, nhất là các công việc đòi hỏi về yêu cầu kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, với cuộc CMCN trong kỷ nguyên số, các công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, quy trình sản xuất vì vậy cũng sẽ thay đổi. Do đó, các ứng viên phải biết chấp nhận thay đổi, sẵn sàng thử thách và thử nghiệm những cái mới, không chỉ trong môi trường đào tạo mà còn trong môi trường doanh nghiệp, sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu tìm tòi, tích hợp công nghệ và sử dụng công nghệ thành thạo tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng bên cạnh các kỹ năng về ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học. Thực tế tại Hòa Thọ, chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng tại các trường và cơ sở đào tạo đúng chuyên ngành khi có nhu cầu tuyển dụng. Hầu hết các ứng viên đều phải đào tạo lại để phù hợp với hoạt động SXKD của từng đơn vị trong hệ thống. Điều này sẽ giúp các em có thể hoàn thiện kiến thức để áp dụng ngay trong thực tiễn.

Bài: Nam Cao


Các tin khác