Doanh nghiệp “xoay sở” tìm giải pháp tăng năng suất lao động


Trong bối cảnh lương tối thiểu tháng theo vùng của doanh nghiệp (DN) tăng 6% kể từ ngày 1/7, các DN có thêm áp lực khi chi phí liên quan đến tiền lương, bảo hiểm tăng lên. Để giải bài toán này, các DN trong ngành dệt may đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian giúp tối ưu hóa lợi nhuận.

Triển khai đồng loạt giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất

Theo Nghị định 73 của Chính phủ, từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng một tháng, cùng với đó theo Nghị định 74, lương tối thiểu tháng theo vùng của doanh nghiệp tăng 6%, tùy theo khu vực thì mức tăng lương đối với người lao động dao động từ 200.000 – 280.000 đồng. Cụ thể, vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Cùng với đó, lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP nhận định, thực tế hiện nay các đơn vị trong hệ thống May Hưng Yên đều đang chi trả lương trên mức lương tối thiểu tháng theo vùng. Việc tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí tiền lương đóng bảo hiểm, phí công đoàn,… với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại công ty Mẹ, chúng tôi ước tính chi phí này sẽ tăng khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, tức là khoảng 2 triệu đồng/người lao động/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, May Hưng Yên đã phải tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng của năm 2023. Có nghĩa là chúng tôi đã phải tăng thu nhập cho người lao động để giữ chân, ổn định sản xuất. Với doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành May, các chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm tăng, trong khi đơn hàng giảm đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không thể tăng lợi nhuận khi thị trường liên tục biến động.

Đồng tình với ông Nguyễn Xuân Dương, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. HCM (Agtex) thông tin, hầu hết các DN trong khu vực TP. Hồ Chí Minh hiện nay đều đang trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng, do đó người lao động được hưởng từ chính sách này không đáng kể. Với doanh nghiệp, khi thị trường còn nhiều khó khăn, nên khi tăng lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp phải “gánh” thêm một khoản chi phí nữa, tạo nên áp lực mới cho DN. Việc tăng lương tối thiểu vùng còn có thể gây ra hiệu ứng “domino”, tức là giá cả có thể tăng theo khi lương tăng, dẫn tới người lao động ít nhiều không được hưởng lợi.

Ông Lương Văn Thư – Tổng Giám đốc CTCP Tổng Công ty May Đáp Cầu chia sẻ, với việc tăng lương tối thiểu theo vùng của doanh nghiệp lên 6%, thì ngoài việc tăng lương cho người lao động, các chi phí đóng bảo hiểm, công đoàn phí cũng sẽ được điều chỉnh, gây ra không ít áp lực cho doanh nghiệp. Để bù đắp chi phí này trong khi đơn giá gia công chưa có nhiều cải thiện, May Đáp Cầu phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung tìm các giải pháp để tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu suất. Một số giải pháp Tổng Công ty đang triển khai là ứng dụng công nghệ, đổi mới trang thiết bị tự động và bán tự động, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp để tạo năng suất, cắt giảm các chi phí không cần thiết. Cùng với đó, các phòng, ban, xí nghiệp và tổ chức Công đoàn cũng tuyên truyền, động viên khích lệ người lao động vượt khó cùng doanh nghiệp, phát động các phong trào thi đua để tăng năng suất, có phần thưởng khích lệ đối với những sáng tạo làm lợi cho doanh nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả cho bản thân người lao động và doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên nhận định, để “giải” được bài toán về tối ưu hóa lợi nhuận trong khi doanh thu không thể tăng, thì con đường duy nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian và ký kết hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng. “Với các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, về nhân lực, thì có thể tăng năng suất lao động thông qua kỹ thuật, nếu thực hiện tốt có thể tăng được 5 – 7% năng suất. Ngoài ra, còn có thể tăng năng suất thông qua công nghệ như đầu tư thêm các máy móc tự động như máy trần, máy vắt sổ… ví dụ như số tua vòng quay của máy hiện đã có thể tăng lên 3.000 vòng/phút so với 1.000 – 2.000 vòng/phút trước đây, hay máy vắt sổ hiện đã có thể lên được 9.000 vòng/phút. Ngoài ra, đổi mới về mặt quản lý áp dụng công nghệ số cũng có thể giảm lao động gián tiếp, lao động tại kho, giảm được thời gian phân phối khâu đầu cuối. Theo đó, khi đã có đủ tiềm lực về công nghệ, có phần mềm quản trị tốt, thì các DN ngành May có thể ký kết đơn hàng trực tiếp với đối tác Mỹ, Châu Âu… thay vì thông qua bên trung gian Hồng Kông, Hàn Quốc Đài Loan như trước đây”- Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Đối với các DN vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực mạnh về tài chính, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ, ngoài việc cải tiến trong công tác quản trị, hợp lý hóa tổ chức sản xuất để tăng năng suất và giảm chi phí, thì nhiều DN đang chú trọng tới khích lệ, động viên các ý kiến, ý tưởng nâng cao năng suất, cải tiến quy trình làm lợi cho DN. Cùng với đó, xây dựng mối liên kết giữa các DN, có sự chia sẻ về đơn hàng, xây dựng các nhà máy vệ tinh để trao đổi thông tin kịp thời về thị trường khi tình hình liên tục biến động.

Chưa kịp “mừng” đã vội “lo”?

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng 5/2024 và tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí năm học 2023-2024, cùng với đó giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn, dịch vụ, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng… cũng có sự điều chỉnh tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Trước thực tế chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng trên mức 4%, cùng với việc tăng lương từ 1/7, một số chi phí về y tế, tiền điện, học phí bậc Đại học… dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2024.  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế nhận định, nhóm các mặt hàng về dịch vụ y tế, giáo dục, điện… là các nhóm hàng do Nhà nước quản lý, cần phải tính toán mức tăng phù hợp, có thời gian giãn cách, không tạo ra những cú sốc về giá, cùng với đó không nên dồn việc điều chỉnh giá vào dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, điều này sẽ gây ra lạm phát kỳ vọng lớn.

Chị Lê Thị Thiệp – Công nhân Nhà máy Sợi Đồng Văn, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội bày tỏ, từ ngày 01/3/2024, toàn bộ người lao động trong nhà máy chúng tôi đã được tăng lương khoán, đây là nguyện vọng của không ít lao động sau nhiều năm gắn bó cùng nhà máy. Cùng với chồng cùng làm tại nhà máy, hai vợ chồng chúng tôi có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống và chăm lo cho các con.

Là người nội trợ chính, khi có thông tin tăng lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp từ 1/7, cảm nhận rõ ràng nhất của tôi là có một số mặt hàng tăng giá nhẹ. Nhưng lo lắng của tôi là tới đây, ngoài tiền lương tăng thì một số chi phí về y tế, giá điện cũng sẽ tăng, nếu trùng với dịp cuối năm sẽ gây ra không ít khó khăn cho những người lao động như chúng tôi. Lương tăng, sinh hoạt phí tăng, đây cũng là nỗi trăn trở của công nhân lao động khi trò chuyện trong giờ nghỉ giữa ca. Chúng tôi mong rằng, Nhà nước sẽ tính toán thật kỹ các phương án, để người lao động chưa kịp mừng vì tăng lương, lại lo khi điện tăng, chi phí y tế khám chữa bệnh tăng, kéo theo rất nhiều các khoản chi phí khác “té nước theo mưa”, khiến người lao động phải quay cuồng trong bão giá.

Cùng nỗi trăn trở với chị Thiệp, chị Trương Ánh Son – Tổng Công ty May Việt Thắng – CTCP bộc bạch, tại TP. Hồ Chí Minh, giá cả nhiều mặt hàng liên tục biến động, tôi nhận thấy hầu hết giá cả các mặt hàng đều có xu hướng tăng. Nếu lao động độc thân phải ở trọ thì có thể đủ trang trải còn đối với những cặp vợ chồng có 1-2 con đang tuổi đi học, sẽ gặp nhiều gặp khó khăn trong chi tiêu hàng tháng. Hơn hết, khi chính sách tiền lương khu vực được tăng, người lao động chúng tôi rất phấn khởi, cùng với các thiết chế đãi ngộ của Công đoàn với mô hình cửa hàng tiện ích có ưu đãi, ít nhiều người lao động cũng an tâm. Nhưng hơn hết, các chi phí sinh hoạt, chi phí y tế, điện… cùng đồng loạt tăng, thì những người lao động tại các thành phố lớn sẽ gặp không ít khó khăn khi các chi phí cố định về tiền phòng trọ, điện nước… đều không thể tiết kiệm. Hơn hết, chúng tôi mong rằng DN có thể thấu hiểu được những khó khăn của NLĐ, để thu nhập của NLĐ có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản hàng tháng và có một phần tích lũy ổn định cuộc sống.

Bài: Nam Vũ


Các tin khác