Dệt May Việt Nam và những dịch chuyển khó dự báo


Thế giới đã có vaccine phòng Covid-19, thế nhưng việc đến tháng 6/2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát vẫn chỉ là một khả năng. Biến chủng mới của virus nguy hiểm và tinh vi này vẫn khiến con người phải đau đầu. Trong tình hình luôn biến đổi đó, cùng với thị trường mang tính chất tạm thời hoạt động, thì ngành Dệt May Việt Nam trong năm 2021 có đạt mục tiêu như kỳ vọng?

Chúng ta cùng trò chuyện với ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DMVN (Vinatex) về diễn tiến của thị trường dệt may thế giới và năng lực đáp ứng của DMVN trong năm 2021.

Thưa ông, trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may có gì khác biệt so với năm 2020?

Trong tháng 1/2021, tăng trưởng xuất khẩu của DMVN tăng tới 10% so với năm 2020. Điều này có một yếu tố ngẫu nhiên là kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2, trong khi đó Tết năm trước lại rơi vào tháng 1, nên mới có sự tăng trưởng khá cao như vậy. Trong tháng 2/2021, tăng trưởng không được cao như tháng 1, do đó trung bình mức tăng trưởng trong hai tháng đầu năm 2021 so với hai tháng đầu năm 2020 đạt 7%. Điều đáng chú ý trong tăng trưởng này, đó là lượng xuất khẩu vào Mỹ tăng tới 8%, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 41% trong tổng lượng xuất khẩu của DMVN (trước kia, xuất khẩu của DMVN vào Mỹ thường chiếm tỷ lệ từ 48-50%). Và đây là lần đầu tiên, Trung Quốc vươn lên thành thị trường lớn thứ 2, ngang với EU trong tỷ trọng xuất khẩu của DMVN, cả hai thị trường này đều cùng chiếm 10%. Như vậy, trong hai tháng qua, lượng xuất khẩu của DMVN sang Trung Quốc đã tăng trưởng tới 50% (sợi tăng 81%, may tăng 15%). Cũng là lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng hàng may mặc của Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng cao nhất trong các thị trường chính của chúng ta.

Vậy theo ông, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 7% trong hai tháng đầu năm, thì liệu DMVN có đạt mục tiêu xuất khẩu bằng với năm 2019 – thời điểm trước khi có đại dịch xảy ra?

Tôi cho rằng mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 bằng với năm 2019 vẫn có khả năng cao. Với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu thì trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu-đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10%, và DMVN có thể quay trở lại mức KNXK của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường. Chúng ta cũng hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và NTD ở các quốc gia sau hơn 1 năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân. Cùng với đó là chương trình hỗ trợ rất lớn của Mỹ cho các DN và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD.

Qua một năm chịu đựng đại dịch và lệnh đóng cửa, nay thế giới đã hoạt động trở lại theo cách thức mới, thì xu thế tiêu dùng các mặt hàng may mặc thay đổi thế nào? Ông có dự đoán gì về sự lựa chọn của người tiêu dùng?

Qua đại dịch, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được. Có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản.

Các hợp đồng có tiềm năng lấp đầy năng lực sản xuất của DMVN, nhưng liệu các DN có phải đối mặt với thách thức nào, thưa ông?

Các doanh nghiệp DMVN phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt ngặt nghèo hơn cho những đơn vị kinh doanh mảng Dệt và May. Kể từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm Dệt, May rất căng thẳng. Hiện nay những đơn vị làm Dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá sợi đã tăng 25%. Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường thì DN ngành Dệt còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn.

Ngoài ra, từng DN cũng có những thách thức từ rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Cho dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020 khi thế giới đóng cửa hoàn toàn, nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Bởi ngoài việc không sản xuất, không có thu nhập, DN sẽ vẫn phải trả một phần lương cơ bản cho NLĐ và có nguy cơ chịu phạt các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài, trong khi không được hưởng các chính sách hỗ trợ chung như khi toàn xã hội bị đóng cửa (ví dụ chính sách giãn nợ, giảm thuế, phí, vv…)

Vậy Tập đoàn DMVN có giải pháp nào để phục hồi lượng xuất khẩu của mình trong năm 2021?

Vinatex có điểm mạnh là Tập đoàn gồm những DN lớn, có uy tín với thị trường lâu năm, do đó khi thị trường phục hồi thì các DN trong Vinatex có thuận lợi trong việc tiếp cận trở lại các đơn hàng. Nhưng có một đặc điểm là, một số khách hàng truyền thống của chúng tôi gặp khó khăn, không vượt qua được trong năm 2020, nhất là thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa. Họ chính là những khách hàng của các DN lớn trong Tập đoàn, nên chúng tôi chấp nhận vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Còn một thách thức nữa cho Tập đoàn, đó là chúng tôi có quy mô lớn hơn, chế độ chính sách cho NLĐ cũng tốt hơn nên về giá có thể không cạnh tranh như các DN vừa và nhỏ. Các DN của Tập đoàn phải tiếp tục xử lý nan đề này.

Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã bắt kịp nhu cầu thị trường, nhất là ngành sợi, đã tăng trưởng tới 41%. Các DN của chúng tôi đang neo vào con số này, phát huy thế mạnh của ngành SX sợi trong Tập đoàn để phục hồi không chỉ KNXK mà còn phục hồi về hiệu quả trong con đường đi dài tiếp theo khi kinh tế thế giới phục hồi tốt trong năm 2022, 2023. Chúng tôi hoàn toàn tự tin bước vào năm 2021 với những tiền đề về sự chuẩn bị khách hàng, đổi mới quản trị đã thực hiện từ năm 2020. Trong thời gian còn lại của năm 2021, chúng tôi cố gắng phấn đấu cải thiện hiệu quả, nhưng có thể còn chưa quay trở lại được với mức KNXK như năm 2019. Vinatex phấn đấu tăng 30%-35% so với năm 2020 do thị trường vẫn trong tình trạng giá mua – bán ở mức thấp.

Xin cảm ơn ông!

Bài: Kiều Mai (Thực hiện)


Các tin khác