Dệt kim Đông Xuân tổ chức “Lễ tôn vinh người lao động” nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập


Chiều ngày 13/04 tại Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Dệt kim Đông Xuân) đã tổ chức “Lễ tôn vinh người lao động” nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập công ty (13/4/1959 – 13/4/2019).

Toàn cảnh buổi Lễ

Tới dự buổi lễ có ông Lê Tiến Trường – TV HĐQT, TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Phạm Văn Tân – Phó TGĐ Tập đoàn, cùng đại diện các Ban chức năng của Tập đoàn; Ông Lê Nho Thướng – UV BCH TLĐLĐVN, Chủ tịch CĐDMVN; Ông SEIJI KIKUCHI – Đại diện Công ty CP Công nghiệp Katakura tại Việt Nam; Ông Trần Việt – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Dệt kim Đông Xuân, cùng đại diện cơ quan điều hành, các phòng ban chức năng và NLĐ đang công tác tại công ty; Liên đoàn Lao động huyện Khoái Châu, UBND xã Tân Dân; cùng nhiều cán bộ hưu trí chức danh, NLĐ đã công tác tại Dệt kim Đông Xuân.

Ông Trần Việt – CT HĐQT, TGĐ Dệt kim Đông Xuân phát biểu khai mạc buổi Lễ

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, ông Trần Việt – CT. HĐQT, TGĐ Dệt kim Đông Xuân cho biết, nhớ lại những kỷ niệm của mùa xuân 60 năm trước Bác Hồ về thăm các dây chuyền, nhà máy của Dệt kim Đông Xuân, và lời căn dặn của Bác tới toàn thể CBCNV và NLĐ của Dệt kim Đông Xuân phải chăm lo sản xuất, hăng say lao động để sản xuất ra nhiều sản phẩm tốt nhất, giá thành rẻ nhất để phục cho nhân dân, đất nước. 60 năm đã qua, ghi nhớ lời dạy của Bác, toàn thể Ban lãnh đạo và NLĐ của Dệt kim Đông Xuân đã viết tiếp thêm những trang sử cho công ty. Từ những ngày đầu vừa phải sản xuất, khôi phục nhà xưởng, lại xây dựng trận địa pháo, phối hợp với Cơ khí Mai Động bắn rơi máy bay F111 của Mỹ. Trong lịch sử 60 năm, NLĐ của Dệt kim Đông Xuân đã trải qua muôn vàn khó khăn thử thách trong SXKD, để vượt qua những chu kỳ đầu tư sản xuất kinh doanh, chuyển đổi địa điểm từ Ngô Thì Nhậm về phố Minh Khai, mặc dù không có bất cứ khoản hỗ trợ nào của Nhà nước cho DN. Bằng nội lực của mình, Ban lãnh đạo công ty đã có những quyết định sáng suốt, dùng những khoản vốn vay để đưa Dệt kim Đông Xuân dần trở thành cánh chim đầu đàn của công nghiệp Thủ đô.

Ông Lê Tiến Trường – TV HĐQT, TGĐ Vinatex trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Vũ Phạm Hùng

Thay mặt Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Phạm Văn Tân – Phó TGĐ Tập đoàn trao kỷ niệm chương và cảm ơn những đóng góp của ông SEIJI KIKUCHI cho Dệt kim Đông Xuân và Tập đoàn Dệt May

Tại buổi Lễ, ông Vũ Phạm Hùng – Phó TGĐ Dệt kim Đông Xuân đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp của mình vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Vinatex cũng tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam” cho ông SEIJI KIKUCHI – Đại diện Công ty CP Công nghiệp Katakura tại Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường đánh giá cao những kết quả trong 60 năm xây dựng và phát triển của Dệt kim Đông Xuân

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Tiến Trường – TV. HĐQT, TGĐ Vinatex cho biết, Dệt kim Đông Xuân là công trình nhà máy công nghiệp dệt đầu tiên của miền Bắc, là cơ sở duy nhất được đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động cách đây 60 năm. Do đó, lịch sử của Dệt kim Đông Xuân gắn liền với lịch sử của ngành Dệt May Xã hội Chủ nghĩa. Từ năm 1959 đến ngày giải phóng, cùng với Dệt Nam Định, Dệt 8-3, Dệt Vĩnh Phú, Dệt kim Đông Xuân là những đơn vị duy nhất của nền công nghiệp nhẹ miền Bắc vừa chiến đấu, vừa tham gia sản xuất, phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Suốt quá trình phát triển, các thế hệ của Dệt kim Đông Xuân luôn anh dũng trong chiến đấu, xuất sắc trong quá trình sản xuất, hoàn thành mọi nhiệm vụ của Bộ Công nghiệp nhẹ (sau này là Bộ Công Thương) và Tập đoàn Dệt May Việt Nam giao phó.

Đánh giá cao quá trình xây dựng và phát triển của Dệt kim Đông Xuân, ông Lê Tiến Trường chỉ đạo, trong quá trình hội nhập và mở cửa, sự cạnh tranh của các DN trong ngành Dệt May ngày càng lớn, nhất là đối với các DN có quy mô Nhà nước trước đây với các DN FDI và các DN tư nhân. Do đó, nhiệm vụ của Ban lãnh đạo Công ty đó là: tăng năng suất, chất lượng, tìm kiếm đối tác, sản xuất và cạnh tranh hiệu quả. Đặc biệt, các DN FDI có nguồn vốn dồi dào, công nghệ và thị trường chủ lực, do đó để cạnh tranh không thể sử dụng tay chân để đua với máy móc, mà phải sử dụng trí tuệ, những sáng kiến mới, thậm chí là mở rộng sản phẩm và thị trường đúng hướng thì DN mới có thể vượt lên, nhất là Dệt kim Đông Xuân lại là đơn vị đầu tiên của Vinatex có ký kết hợp tác, xuất khẩu với đối tác nước ngoài.

Có thể nói, trong chặng đường phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, dấu ấn mở đầu của Dệt kim Đông Xuân không phải chỉ trong sản xuất, mà còn là hợp tác, mở ra cơ hội mới để mở cửa thị trường. Với 2 lần đi đầu trong quá trình phát triển của Tập đoàn, chiến tích này đòi hỏi Đông Xuân phải làm sao để tiếp tục khẳng định những dấu ấn như những thế hệ đi trước đã làm được.

Ông Trần Việt đón nhận món quà từ Katakura do ông SEIJI KIKICHI trao tặng

Phúc đáp lại tình cảm của Vinatex và Dệt kim Đông Xuân, thay mặt cho Katakura, ông SEIJI KIKUCHI đã gửi món quà nhỏ đến từ đất nước Nhật Bản cho Dệt kim Đông Xuân. Ông cho biết, gắn bó với Đông Xuân 20 năm, ông coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Cuối năm 2019, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam, cũng như tròn 71 tuổi. Do đó, mong mỏi lớn nhất của ông đó chính là có thể tiếp tục sang Việt Nam làm việc, và truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu của mình cho các thế hệ kỹ sư, NLĐ của Dệt kim Đông Xuân.

Bài và ảnh: Quang Nam


Các tin khác