Để Nghị quyết 43 của Quốc hội đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất


Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng khi chúng ta đang thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, lại xảy ra xung đột giữa Nga và Ucraine với một loạt các đòn trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga, cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang làm kinh tế thế giới thêm rối ren trước nguy cơ lạm phát cao, tác động tiêu cực đến nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất để phục hồi sản xuất

Một trong những nguy cơ hiện hữu là giá dầu thô đáng có xu hướng tăng cao. Theo finance.yahoo.com/news ngày 03/03/2022, giá dầu thô Brent đã đạt gần 120 đô-la Mỹ/thùng, cao nhất trong 10 năm trở lại đây (tính từ tháng 3/2012), còn một số định chế tài chính quốc tế khác dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng trong năm 2022 và 150 USD/thùng trong năm 2023. Trong nước, ngày 01/03, giá xăng RON 95 là 26.830 đồng/lít, dầu diesel 21.310 đồng/lít, cũng đạt mức cao cao kỷ lục. Giá xăng dầu tăng đang đẩy chi phí logistics, nguyên vật liệu lên cao làm gia tăng áp lực lạm phát khi các chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng, khiến kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo báo cáo của Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi Chủ tịch Quốc hội tới thăm và chúc Tết Tập đoàn Dệt May Việt Nam đầu Xuân Nhâm Dần, chi phí logistics hiện đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may và cắt giảm chi phí logistics là một trong 5 kiến nghị mà Vinatex gửi tới Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan. Hơn thế nữa, mới đây, Chủ tịch Vinatex còn cho tôi biết là giá nguyên liệu cũng tăng cao, không chỉ là các sản phẩm hóa dầu mà ngay cả các sản phẩm có vẻ như không liên quan tới dầu mỏ như sợi bông cũng tăng giá mạnh, ảnh hưởng rất nhiều đến ngành dệt may. Nguy cơ bất ổn về kinh tế có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn, chủ yếu mua sắm những hàng hóa thiết yếu hay chỉ mua sắm vừa đủ dùng, chứ không có tâm lý mua hàng thoải mái như trước đây, nhất là đối với các sản phẩm thời trang.

Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhằm mục tiêu sớm phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua tại phiên họp bất thường tháng 1 vừa qua lại càng có ý nghĩa quan trọng. Các chính sách được Quốc hội thiết kế có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu sẽ góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng nhằm đạt múc tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm trong cả giai đoạn 2021 – 2025.

Những chính sách về tài khóa như việc miễn, giảm thuế, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cả cho y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm hay tăng cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, vay mua, thuê mua nhà ở xã hội,.. đang được tích cực triển khai.

Các chính sách tiền tệ đang được điều hành đồng bộ, linh hoạt để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay sản xuất khoảng 0,5% – 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các DN dệt may đặc biệt kỳ vọng vào gói hỗ trợ lãi suất để phục hồi sản xuất cũng như gói hỗ trợ 3 tháng tiền nhà và tiền hỗ trợ cho lao động ngành dệt may quay lại thị trường lao động.

Khẩn trương tháo gỡ ách tắc cho doanh nghiệp và người lao động

Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định những nội dung lớn, những cơ chế, chính sách đặc thù về tài khóa, tiền tệ thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế 2 năm 2022 – 2023. Cho nên, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may mong muốn các Bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết hơn, cụ thể hơn để có thể triển khai thực hiện Chương trình một cách đầy đủ, đồng bộ nhất cũng như chủ động, phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt hơn giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương nhằm đạt được hiệu quả toàn diện đối với cả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy vậy, phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy đã có những chậm trễ nhất định trong thực hiện các cơ chế, chính sách này và doanh nghiệp và người lao động đang sốt ruột chờ đợi những hành động cụ thể, những hỗ trợ thiết thực, trực tiếp, công khai, minh bạch của các bộ, ngành, địa phương. Có thể quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải lấy ý kiến nhiều bên liên quan, nhưng doanh nghiệp thì không thể chờ được và quan trọng hơn thế chính là niềm tin vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần kịp thời điểm, đúng đối tượng.

Với tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình ở Ukraine, nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất và bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường phân tích, dự báo và chủ động trong điều hành, phù hợp với tình hình mới, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta tin tưởng rằng, khi Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 và các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn chi tiết thi hành các chính sách này đi vào cuộc sống một cách thực chất, sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực đối với người dân và cộng đồng doanh  nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế – xã hội đặc biệt quan trọng này./.

Bài TS Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội


Các tin khác