Dệt May Việt Nam – Linh hoạt dịch chuyển trước những biến đổi khó lường


Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tổ chức họp báo về Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 vào chiều ngày 01/12/2020, tại Hà Nội. Theo đó, Đại hội sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2020 tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến sức mua giảm mạnh do thu nhập giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao nay bị “thay đổi 180 độ” khi sức tiêu thụ giảm tới 80% – ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết trong buổi họp báo.

Một thách thức nữa đặt ra cho các DN DMVN, đó là thiết bị công nghệ hiện có buộc phải thay đổi để phù hợp với sản xuất dòng sản phẩm mới như quần áo mặc ở nhà, đồ thể thao, đồ bảo hộ lao động, khẩu trang. Điều đó đồng nghĩa doanh nghiệp phải đào tạo lại cho công nhân. Định hướng của Vitas đối với các thành viên là tập trung các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình hoặc trung bình thấp. Riêng các sản phẩm veston và sơ mi cao cấp đều được điều chỉnh giảm sản lượng bởi nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng này tạm thời giảm mạnh. Phương thức thanh toán cũng thay đổi từ thư tín dụng sang chuyển tiền bằng điện (TT) trả chậm từ 01 đến 04 tháng. Đây là thách thức lớn đối với DN khi họ vẫn phải vay ngân hàng để duy trì hoạt động sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm: “Kim ngạch xuất khẩu của DMVN trong năm 2020 dự kiến đạt 35,3 tỷ USD, giảm trên 9% so với năm  2019. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam cũng có những thay đổi. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,80% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang Châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%. Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp dệt may, da giày mới đây. Vitas sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo ổn định đời sống người lao động.”

Về tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành DMVN, ông Vũ Đức Giang đánh giá, RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho DMVN. Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho DN Việt Nam. Ngành DMVN kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở Trung Quốc, khi quốc gia này bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN, Nhật Bản; trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong ngành dệt may dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực.

Trong những năm qua Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương…

Vitas sẽ tổ chức Đại hội Dệt May Việt Nam lần thứ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 vào ngày 12/12, tại Hà Nội để đánh giá lại các kết quả hoạt động của ngành và Vitas trong năm 2020 nói riêng và nhiệm kỳ V (2016-2020) nói chung. Đồng thời, Đại hội cũng sẽ tập trung thảo luận các giải pháp cần thiết để phát triển ngành Dệt May trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 2035.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 11/12/2020 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề “Ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam 1 năm sau COVID-19 và phát triển bền vững”, đánh giá những thách thức và đối sách mà ngành Dệt May và Da Giày phải đối mặt trong năm 2020. Cũng tại Hội thảo, Vitas sẽ công bố Báo cáo nghiên cứu toàn diện tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may, da giày Việt Nam.

 

 

 

 

 


Các tin khác