Đại hội đồng cổ đông thường niên May Hưng Yên, May Đáp Cầu và May 10


Ngày 15 và 16/4/2022, Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP, CTCP Tổng Công ty May Đáp Cầu, Tổng Công ty May 10 – CTCP đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 để thông báo kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2021, phương hướng SXKD và đầu tư năm 2022 để Đại hội thông qua.

*Theo đó, sáng 15/4 tại Hưng Yên, Tổng Công May Hưng Yên – CTCP (May Hưng Yên) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông May Hưng Yên năm 2022

Tới dự Đại hội có ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cùng lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, các đơn vị thành viên và các cổ đông của Tổng Công ty.

Bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc TCT May Hưng Yên đã trình bày báo cáo kết quả SXKD của Tổng công ty năm 2021; phương hướng, các chỉ tiêu và giải pháp trong năm 2022. Năm 2021, May Hưng Yên trải qua 4 tháng đầu năm sản xuất không thuận lợi, các đơn hàng có đơn giá thấp, giá gia công giảm tới 20 – 40%. Chi phí logisitc tăng cao trong khi tỷ giá USD/đồng giảm 3% khiến doanh thu của Tổng Công ty giảm tương ứng khoảng 15 tỷ. Vượt qua những khó khăn, năm 2021 May Hưng Yên cán đích doanh thu đạt 708,7 tỷ đồng bằng 122% so kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế 84,1 tỷ đồng bằng 117% so với kế hoạch; Thu nhập bình quân đạt 10,2 triệu/người/tháng; Chia cổ tức 35% bằng tiền mặt.

Bà Phạm Thị Phương Hoa – TGĐ May Hưng Yên trình bày kết quả SXKD của Tổng công ty năm 2021; phương hướng, các chỉ tiêu và giải pháp trong năm 2022

Với một năm “vượt khó” thành công, năm 2022 May Hưng Yên đặt kế hoạch tổng doanh thu bán hàng ước 750 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 80 tỷ đồng; thu nhập bình quân của NLĐ đạt trên 10 triệu/người/ tháng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng Công ty, năm 2022 dự báo thị trường ngành May sẽ khó lường, đơn hàng Quý IV năm 2022 sẽ không dồi dào như các năm trước. Do đó, để đạt được kế hoạch đề ra, Tổng Công ty đặt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó dành 190 tỷ để đầu tư, bao gồm đổi mới thiết bị công nghệ; xây dựng lại nhà kho 5 tầng và nhà xưởng mới; đồng thời xin UBND tỉnh Hưng Yên quỹ đất để xây dưng chung cư cho NLĐ với chi phí đầu tư khoảng 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, May Hưng Yên đặt mục tiêu ổn định, nâng cao đời sống mọi mặt cho NLĐ với nhiều chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ mới, tiếp nhận con CBNV vào nhà trẻ, phụ cấp 50% mức học phí và tiền ăn cho con CBNV không gửi tại trường mầm non của công ty…

100% cổ đông thông qua bầu bổ sung ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT Vinatex là thành viên HĐQT

Lãnh đạo Hiệp hội, Tập đoàn chụp ảnh cùng HĐQT và cơ quan điều hành May Hưng Yên

Đại hội cũng nghe ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2021; Phương hướng SXKD và đầu tư năm 2022 tại Công ty mẹ. Đồng thời biểu quyết thông qua phương án phân chia lợi nhuận; Phương hướng SXKD và đầu tư năm 2022; Tăng vốn điều lệ 20% cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển. Sau khi tăng vốn điều lệ mới của May Hưng Yên dự kiến sẽ là 195,1 tỷ đồng; Phê duyệt, quyết toán thù lao HĐQT, BKS, thư ký và khen thưởng CBNV; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Thời gian chi trả cổ tức; Bầu bổ sung ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT Vinatex thay bà Phạm Nguyên Hạnh – Nguyên Phó TGĐ Vinatex trở thành người đại diện quản lý vốn của Vinatex tại May Hưng Yên. Tất cả các nội dung này đều được 100% cổ đông tại Đại hội thông qua.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại Đại hội

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trải qua năm đại dịch 2021, đa số các DN đều gặp khó khăn. Đặc biệt, các công ty may sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân là do, ngành May không phù hợp tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” bởi lượng lao động quá lớn. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp may ở phía Bắc có sản lượng, doanh thu suy giảm đáng kể. Thế nhưng, May Hưng Yên lại xuất sắc vượt qua tất cả những khó khăn đó để có một năm SXKD thắng lợi.

Có được những kết quả này là do HĐQT và CQĐH May Hưng Yên đã có những đối sách kịp thời và đúng đắn. Đơn vị đã dành nguồn lực lớn để đầu tư và giữ chân người lao động. Đảm bảo các chế độ lương thưởng, thu nhập của công nhân so với các năm trước. Tăng cường các phúc lợi như thu xếp nhà ở, xây dựng trường mầm non, hỗ trợ tiền nhà cho CN trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty Mẹ đạt hơn 10 triệu đồng, ở nhóm thu nhập cao trong Tập đoàn. Bên cạnh đó, tập trung dồn mọi nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 ngay từ tháng 6 năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tương đối ổn định giúp May Hưng Yên bù đắp được doanh thu 6 tháng đầu năm giảm do giá gia công giảm và lợi nhuận đầu năm chỉ ở điểm hoà vốn.

*Sáng 16/4 tại Bắc Ninh, Công ty CP Tổng Công ty May Đáp Cầu đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của May Đáp Cầu

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Song Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cùng lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn; Được sự ủy quyền của Chủ tịch HĐQT, ông Lương Văn Thư – Tổng Giám đốc May Đáp Cầu chủ trì Hội nghị.

Ông Lương Văn Thư – Tổng Giám đốc May Đáp Cầu báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2021, mục tiêu và giải pháp chủ yếu năm 2022

Hội nghị đã nghe ông Lương Văn Thư báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2021, mục tiêu và giải pháp chủ yếu năm 2022. Theo đó, năm 2021 công ty gặp nhiều điều kiện bất lợi không lường trước, đặc biệt là đơn vị nằm trong đợt dịch bùng phát đầu tiên trên cả nước (Bắc Ninh và Bắc Giang), 2 tháng phải ngừng sản xuất (tháng 5+6), nhưng bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cơ quan điều hành và sự nỗ lực của tập thể CBNV – NLĐ, May Đáp Cầu đã đạt được những kết quả vượt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 477,3 tỷ đồng (năm 2020 đạt 411,78 tỷ đồng); Lợi nhuận đạt 21,4 tỷ đồng (năm 2020 15,1 tỷ đồng); Thu nhập bình quân của NLĐ đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng; Chia cổ tức 15% (2020 là 10%).

Trên cơ sở của năm 2021, năm 2022 May Đáp Cầu đặt ra các mục tiêu, cụ thể: Doanh thu toàn hệ thống 750 tỷ; Lợi nhuận 22,5 tỷ trở lên; Chia cổ tức 20%; Thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng… Để đạt được những kết quả đó, Tổng Công ty sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng suất thông qua việc đầu tư, nâng cấp thiết bị hiện đại, cũng như đầu tư mới nhà xưởng và nhà máy mới tại Bắc Giang có công suất từ 1.500 – 2.000 lao động; Tinh gọn bộ máy nâng cao năng lực quản lý điều hành, làm tốt công tác kế hoạch, đánh giá thị trường, khách hàng. Bên cạnh đó, lấy công tác đào tạo nguồn nhân lực làm nòng cốt, Tổng Công ty đặt ra mục tiêu đào tạo đồng bộ cho CB quản lý, CB chuyên môn và CB kỹ thuật trong toàn công ty. Đồng thời, tuyển dụng và bổ sung nguồn lao động nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất.

Đại hội cũng nghe báo cáo của Hội đồng Quản trị, Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kiểm toán, phân chia lợi nhuận, mức chia cổ tức, sử dụng các quỹ năm 2021; Dự kiến kế hoạch phân phối lợi nhuận, mức chia cổ tức năm 2022; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Tổng hợp mức chi thù lao HĐQT, BKS, lương thưởng Ban điều hành năm 2021 để Đại hội thông qua. 100% cổ đông có mặt tại Đại hội đã biểu quyết và thông qua các kế hoạch nêu trên.

Ông Nguyễn Song Hải – Phó TGĐ Vinatex phát biểu tại Đại hội

Ông Nguyễn Song Hải – Phó TGĐ Vinatex cho biết, May Đáp Cầu đã vượt qua đợt dịch đầu tiên của năm 2021 khi phải ngừng SXKD hơn 1 tháng để có được kết quả SXKD ấn tượng, đạt các chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông năm 2021 giao. Bên cạnh đó, vượt qua đại dịch May Đáp Cầu vẫn giữ được NLĐ với biến động chỉ khoảng 5%, thể hiện được những nỗ lực vượt khó của Cơ quan điều hành trong công tác chăm lo cho NLĐ. Với kết quả như báo cáo của Tổng Giám đốc, May Đáp Cầu là một trong những đơn vị nằm trong top có tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tốt trong ngành may mặt hàng dệt kim tại khu vực phía Bắc của Tập đoàn, tương đương với một số đơn vị lớn trong Tập đoàn.

Ghi nhận những đóng góp của HĐQT, Cơ quan điều hành Tổng Công ty, Phó TGĐ Vinatex cho biết, trong thời gian tới những khó khăn của năm 2021 vẫn hiện hữu, cùng với đó là chiến tranh Nga – Ukraina; chính sách Zero Covid của Trung Quốc… khiến nguồn cung vải bị ảnh hưởng và gián đoạn, trong khi giá các đơn hàng đang có xu hướng giảm tới 25- 30%, tình trạng đơn hàng các tháng cuối năm có xu hướng chững lại, cạnh tranh giữa các đơn vị ngành May ngày càng khốc liệt hơn… Do đó HĐQT và cơ quan điều hành cần có các chiến lược, tìm kiếm giải pháp để hoàn thành kế hoạch của năm 2022.

*Sáng 16/4/2022, Tổng Công ty May 10-CTCP (May 10) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Tham dự đại hội có ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT May 10; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10; các các đồng chí trong HĐQT, Cơ quan điều hành May 10 và 43 cổ đông đại diện cho phần vốn của các tổ chức, cá nhân của May 10.

Ông Thân Đức Việt Tổng Giám đốc May 10 đã báo cáo tổng kết hoạt động SXKD năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022

Tại Đại hội, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 đã báo cáo tổng kết hoạt động SXKD năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 đến các cổ đông. Theo đó, năm 2021, đại dịch Covid – 19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của May 10. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng Veston đã giảm 54% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid – 19). Bên cạnh đó, chi phí Logistic, cước vận chuyển liên tục tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng, sự cạnh tranh về lao động ngày càng gay gắt đã làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, sự nỗ lực của Cơ quan điều hành và tập thể CBNV-NLĐ, Tổng Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu với tổng doanh thu đạt 3.517 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 91,57 tỷ đồng tăng 12,5% so với cùng kỳ, chia cổ tức 10%, thu nhập bình quân NLĐ đạt 8,36 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, mặc dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch Covid- 19 và cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, nhưng với khẩu hiệu hành động Đột phá – Thực chất – Hiệu quả HĐQT May 10 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể:

  • Doanh thu : 3.800 tỷ đồng
  • Lợi nhuận trước thuế: 120 tỷ đồng
  • Tỷ lệ cổ tức: 15 %
  • Thu nhập bình quân NLĐ: 8,5 triệu đồng/người/tháng.
  • Lao động bình quân: 7.500 người

 

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đánh giá cao những nỗ lực của May 10 trong năm 2021

Phát biểu tại Đại hội, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của May 10 trong năm 2021 để hoàn thành các kế hoạch đề ra. Trong đó, May 10 đã làm tốt công tác ổn định lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, chung tay với nhà nước đẩy lùi dịch bệnh, đồng hành và hỗ trợ người dân phòng chống dịch. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn May 10 vẫn có những hướng đi phù hợp để duy trì hoạt động SXKD và mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh thì May 10 vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp hơn so với mặt bằng của các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn và lợi nhuận, doanh thu trên tổng tài sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Về chi phí mặc dù vẫn ở trong mặt bằng chung nhưng có 2 chi phí đang cao đó là về bán hàng chiếm 14,7% và chi phí quản lý chiếm 17,6% trên doanh thu. Ngoài ra, May 10 vẫn chưa xây dựng được chiến lược phát triển trong dài hạn.

“Trong thời gian tới, May 10 cần xây dựng chiến lược dài hạn trong đó cần định vị rõ sản phẩm chiến lược, qui hoạch lại các đơn vị theo dòng vị trí, sản phẩm. Tăng cường đầu tư về công nghệ và nguồn nhân lực đảm bảo cho định hướng phát triển mặt hàng FOB cho thị trường Mỹ, EU, Úc. Tận dụng tốt các ưu đãi từ những hiệp định thương mại đã ký kết để mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Đặc biệt quan tâm đến các rào cản về trách nhiệm xã hội, môi trường đối với thị trường EU và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đối với thị trường Mỹ. Các dự án đầu tư trong giai đoạn tới cần quan tâm tới công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao, công nghệ xanh, tiết giảm nhiên liệu. Tăng cường công tác quản trị đặc biệt là quản trị số để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Quản trị chặt chẽ chi phí ngoài sản xuất để đưa chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp trên doanh thu hàng năm bền vững từ 5% – 7%. Việc tăng lượng hàng tồn kho và nợ phải thu cần đi liền với việc tăng hiệu quả SXKD tránh rủi ro về mặt tài chính. Rà soát lại cơ cấu mặt hàng CM, FOB để cải thiện biên lợi nhuận của năm 2022…” – Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc May 10 đã tiếp thu ý kiến và giải trình với cổ đông lớn Vinatex về những điểm còn tồn tại. Theo đó, trong thời gian tới May 10 sẽ sớm hoàn thành xây dựng chiến lược dài hạn và từng bước tiết giảm các chi phí về bán hàng, quản lý.

Cũng tại Đại hội, các cổ đông đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua Báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị; Báo cáo Ban kiểm soát; Báo cáo tài chính năm 2021; Tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021; Tờ trình về mức thù lao và kinh phí hoạt động HĐQT, Ban Kiểm soát; Tờ trình về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh Tổng Công ty; Nghị quyết đại hội.

Nhóm PV


Các tin khác