Đại hội đồng cổ đông năm 2022 Vinatex Phú Hưng, Sợi Phú Bài và Dệt May Huế


Trong 2 ngày 21 -22/4/2022 tại Thừa Thiên – Huế, Công ty CP Vinatex Phú Hưng, Công ty CP Sợi Phú Bài, Công ty CP Dệt May Huế đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 để thông báo tới cổ đông hoạt động SXKD năm 2021, kế hoạch năm 2022 và một số nội dung quan trọng để Đại hội thông qua.

*Công ty CP Vinatex Phú Hưng

Ngày 21/4, Công ty CP Vinatex Phú Hưng (Vinatex Phú Hưng) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại Đại hội, thay mặt HĐQT, bà Nguyễn Thị Tố Trang – TV HĐQT, Giám đốc Vinatex Phú Hưng đã báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2021; Chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022, giải pháp thực hiện và định hướng chiến lược lâu dài của Vinatex Phú Hưng.

Năm 2021, Vinatex Phú Hưng đã kịp đưa Nhà Máy Sợi 2 đi vào hoạt động, nâng tổng công suất của công ty đạt hơn 4,4 vạn cọc sợi. Cùng với công tác thị trường được đảm bảo, chất lượng mặt hàng ổn định được đối tác đánh giá cao, năm 2021 có thể coi là năm Vinatex Phú Hưng có mức tăng trưởng ấn tượng, đưa đơn vị từ một công ty có quy mô nhỏ trở thành công ty có quy mô trung bình trong ngành Sợi cả nước.

Theo đó, tổng doanh thu năm 2021 của công ty đạt 497,7 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 50,3 tỷ đồng bằng 236% so với Nghị quyết của ĐHĐCĐ năm 2021. Tỷ lệ chia cổ tức 50% bằng 500% so với 2021 (30% bằng cổ phiếu, 20% bằng tiền mặt). Với việc đưa vào vận hành Nhà máy Sợi số 2 vào nửa cuối năm 2021 nâng gấp đôi năng lực sản xuất, Vinatex Phú Hưng đặt mục tiêu cho năm 2022 tổng doanh thu ước đạt 941 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 60 tỷ đồng; Tỷ lệ chia cổ tức 30%.

Theo Lãnh đạo Công ty, năm 2022 tình hình ngành Sợi sẽ có nhiều khó khăn, thử thách khi giá nguyên phụ liệu đầu vào ngày một leo thang trong khi giá bán sợi thành phẩm đang có dấu hiệu chững lại. Do đó Vinatex Phú Hưng đặt ra mục tiêu lợi nhuận ước đạt 60 tỷ, cùng với 30% cổ tức trong đó 10% là tiền mặt và 20% là cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Mục tiêu trong thời gian tới, Vinatex Phú Hưng sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng quy mô đến năm 2027 từ 8-10 vạn cọc sợi (bao gồm 2 nhà máy hiện hữu) bằng cách mở rộng sản xuất thêm Nhà máy Sợi 3 cũng như thành lập công ty cổ phần do Vinatex Phú Hưng nắm quyền chi phối.

Tại Đại hội, ông Trần Hữu Phong – Chủ tịch HĐQT Vinatex Phú Hưng đã báo cáo về hoạt động của HĐQT năm 2021, kế hoạch hoạt động năm 2022. Cùng với đó đưa ra một số nội dung trình Đại hội thông qua: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, phương án phân chia lợi nhuận năm 2021; Phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 (30% cổ phần phát hành/số lượng cổ phần hiện hữu) để tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ lên 91 tỷ đồng; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Tờ trình mức chi trả lương, thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS; Tờ trình thay đổi chức danh thành TGĐ, Phó TGĐ và bổ sung chức danh Giám đốc điều hành; Miễn nhiệm và Trần Thị Thu Hằng – TV BKS và bầu bổ sung bà Phạm Thị Vân Hà giữ chức vụ TV BKS công ty… Kết quả 100% cổ đông có mặt tại Đại hội, tương ứng với 100% cổ đông có phần biểu quyết đã thông qua các nội dung trên.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao những kết quả mà Vinatex Phú Hưng đã đạt được trong thời gian qua, nhất là việc Vinatex Phú Hưng tiền thân là 1 chi nhánh của Tập đoàn đã có bước phát triển “nhảy vọt” để trở thành một công ty có quy mô trung bình trong ngành. Tin tưởng vào kế hoạch phát triển của Vinatex Phú Hưng trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam bày tỏ mong muốn đơn vị sẽ là một trong những nòng cốt của Tập đoàn cùng với Sợi Phú Bài và Dệt May Huế trở thành kênh đầu tư có hiệu quả của Vinatex với vai trò là cổ đông chi phối của công ty.

*Công ty Cổ phần Dệt May Huế

Sáng 22/4, Công ty Cổ phần Dệt May Huế (DM Huế) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex thay mặt cho Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam tới dự Đại hội.

Toàn cảnh buổi Đại hội

Thay mặt HĐQT, ông Nguyễn Văn Phong – TV HĐQT, TGĐ DM Huế đã trình bày về hoạt động SXKD năm 2021, các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Cũng là một trong những đơn vị nằm tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, năm 2021 được coi là một năm vô cùng khó khăn và nhiều thử thách với DM Huế. Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo sâu sát của Vinatex, cùng sự linh hoạt và sáng tạo trong công tác điều hành, quản lý, sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể CBNV-NLĐ toàn công ty, năm 2021 DM Huế đã “cán đích” với những kết quả khả quan, hoàn thành toàn diện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch, đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho NLĐ.

Theo đó, tổng doanh thu của DM Huế năm 2021 đạt 1.884,5 tỷ đồng, bằng 132,3% so với Nghị quyết ĐHĐCĐ 2021; Lợi nhuận trước thuế 141 tỷ đồng bằng 568% so với Kế hoạch ĐHĐCĐ 2021 đã giao; Thu nhập bình quân của NLĐ đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng; Chia cổ tức 60% (15% bằng tiền mặt và 45% bằng cổ phiếu). Để đạt được kết quả nêu trên, ngoài thuận lợi chung về thị trường ngành Sợi, DM Huế cũng đã tích cực đầu tư chiều sâu để thay thế các thiết bị cũ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với mô hình chuỗi khép kín từ Sợi – Dệt kim – May, DM Huế là một trong những đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại khu vực miền Trung có thể đáp ứng các yêu cầu, quy tắc xuất xứ của khách hàng nước ngoài, cũng như thực hiện và triển khai các đơn hàng FOB cho ngành May. Năm 2022, DM Huế đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.860 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng; Chia cổ tức 30%.

Với kế hoạch đã đề ra, năm 2022 DM Huế đặt ra nhiều dự án trong công tác đầu tư. Trong đó ngoài nhiệm vụ thay thế, nâng cấp các thiết bị đã cũ theo như kế hoạch, công ty còn triển khai xây dựng nhà máy mới theo hướng sản xuất xanh, sử dụng năng lượng sạch và tỷ lệ tự động hóa cao. Trong đó, đầu tư dự án nhà máy may 3 tầng tại trụ sở thay thế 2 nhà máy may cũ; đầu tư kho nguyên liệu May 4 và hồ chỉ thị sinh học môi trường tại Nhà máy May 4 (KCN Phú Đa); Đầu tư ngành Sợi tại KCN Phú Bài với quy mô 8 vạn cọc sợi; Đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng mức đầu tư dự toán là 20 tỷ đồng…

Đại hội cũng đã thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 45% bằng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 105 tỷ đồng lên 152,25 tỷ đồng; Đồng thời thông qua báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021 và định hướng chiến lược năm 2022; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Tờ trình mức chi trả lương, thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS… Kết quả 100% cổ đông tán thành tại Hội nghị, tương ứng với 91,2 % tổng số cổ đông có phần biểu quyết của công ty thông qua.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao những kết quả đã đạt được của DM Huế trong năm 2021. Thông qua báo cáo về kết quả SXKD, DM Huế là một trong những đơn vị top đầu của Tập đoàn về mức tăng trưởng, trở thành đơn vị quan trọng trong hệ thống của Vinatex.

Chia sẻ, định hướng về mục tiêu chiến lược “một điểm đến” về ngành hàng dệt kim của Vinatex, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, DM Huế sẽ là một “mắt xích” quan trọng tại khu vực miền Trung của Tập đoàn với chuỗi cung ứng hoàn chỉnh công ty đang có. Tuy nhiên, lãnh đạo Vinatex cho biết DM Huế cần có những chiến lược, tầm nhìn đến 2030 đưa DM Huế là nhà sản xuất xanh tiêu chuẩn quốc tế cũng như trở thành một trung tâm sản xuất mặt hàng dệt kim tại khu vực Thừa Thiên – Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Để đạt được điều này, ông Lê Tiến Trường “đặt hàng” DM Huế về công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như đầu tư thiết bị hiện đại, duy trì quản trị tinh gọn và nguồn tài chính đa dạng.

*Công ty CP Sợi Phú Bài

Chiều 22/4, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài (Sợi Phú Bài) cũng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Sợi Phú Bài chủ trì Đại hội.

Vượt qua những khó khăn bởi dịch bệnh, giá bán sợi thành phẩm liên tục biến động và diễn biến khó lường; tình trạng khan hiếm container rỗng ngày một trầm trọng ở nhiều quốc gia làm phát sinh chi phí vận tải lớn, Sợi Phú Bài đã có một năm 2021 với những kết quả SXKD nổi bật. Trong đó phải kể đến việc đưa Nhà máy Sợi 3 – Nhà máy sợi 2 tầng có quy mô hơn 3 vạn cọc sợi, hiện đại bậc nhất thế giới vào nửa cuối năm 2021 đã góp phần làm nên một bức tranh tăng trưởng ấn tượng. Thay mặt cho HĐQT, bà Trần Thị Kim Chi – TV HĐQT, TGĐ Sợi Phú Bài cho biết, tổng doanh thu năm 2021 của công ty đạt 1.151,68 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch ĐHĐCĐ 2021; Lợi nhuận trước thuế 106,78 tỷ đồng bằng 1.017% so với kế hoạch; Thu nhập bình quân NLĐ đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng; Chia cổ tức 30% (20% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu). Năm 2022, Sợi Phú Bài đặt mục tiêu tổng doanh là 1.400 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng; Chia cổ tức 30%.

Đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2021 với 100% phiếu tán thành, tương ứng 100% tổng số cổ đông có quyền biểu quyết. Theo đó, ngoài 20% bằng tiền mặt, Sợi Phú Bài còn chia 10% bằng cổ phiếu (950 nghìn cổ phiếu) cho các cổ đông. Đồng thời chào bán thêm 4,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu. Dự kiến sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ, công ty sẽ có vốn điều lệ 150 tỷ đồng (tăng từ 95 tỷ đồng) tương ứng với 15 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, 100% cổ đông cũng đã biểu quyết thông qua báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2021 và định hướng mục tiêu năm 2022; Lựa chọn đơn vị kiểm toán; Tờ trình mức chi trả lương, thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS; Chủ trương đầu tư Dự án nhà máy kéo sợi mới 5 vạn cọc của công ty bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn thành lập 1 công ty cổ phần do Sợi Phú Bài nắm quyền chi phối (góp vốn từ 51 – 75%)…

Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông cũng đã bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022 – 2027. Với sự đồng thuận và tín nhiệm cao, ông Cao Hữu Hiếu, ông Trương Văn Hiền, bà Trần Thị Kim Chi, ông Trần Đình Hiệp, bà Lê Thị Quê Hương đã trúng cử vào HĐQT Sợi Phú Bài; Bà Phạm Thị Vân Hà, bà Nguyễn Ngọc Mai Chi và ông Võ Hoàng Phụng đã trúng cử vào BKS công ty nhiệm kỳ mới.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Sợi Phú Bài nằm trong top những đơn vị có mức độ tăng trưởng, ổn định trong SXKD dẫn đầu Tập đoàn, thể hiện qua việc vốn chủ sở hữu tăng từ 95 tỷ đồng lên hơn 233 tỷ đồng, tương đương 245.7%. Trong đó, vốn góp cũng tăng từ 50 lên 95 tỷ đồng (190%); Tỷ lệ người lao động/cọc sợi giảm dần qua các năm, điều này cho thấy Sợi Phú Bài đã có những cải tiến hợp lý, tăng hiệu quả sự dụng nguồn lực con người cũng như tiết giảm chi phí.

Trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, với vai trò là Tổng Giám đốc Tập đoàn kiêm Chủ tịch HĐQT Sợi Phú Bài, ông Cao Hữu Hiếu đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng và cán mốc 5.000 tỷ đồng vào năm 2030. Đồng thời, nâng quy mô vốn điều lệ đạt 500 tỷ đồng vào năm 2030.  Bên cạnh đó, đầu tư và ứng dụng các thiết bị hiện đại, nâng cao và chuyên biệt hóa các sản phẩm chủ lực, đưa Sợi Phú Bài trở thành đơn vị sản xuất xanh, công nghệ hàng đầu thế giới với quy mô 15 vạn cọc vào năm 2027 và 20 vạn cọc vào năm 2030.

Quang Nam


Các tin khác