Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối: Xây dựng mô hình “kiểu mẫu” về khu công nghiệp dệt may


Là khu công nghiệp (KCN) định hướng dành cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ, KCN Dệt May Phố Nối đang từng bước hoàn thiện hạ tầng, xây dựng mô hình “kiểu mẫu” về khu vực dành riêng cho dệt may, từng bước nhân rộng mô hình trên cả nước, hướng tới phát triển ngành công nghiệp dệt may xanh và thân thiện với môi trường.

Nâng cao năng lực vận hành

Được thành lập theo quyết định số 413/QĐ-TTg ngày 10/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ, KCN Dệt May Phố Nối do Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối (Vinatex ID) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là chủ đầu tư, quản lý và vận hành kinh doanh.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, KCN Dệt May Phố Nối là khu công nghiệp định hướng dành cho các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ có quy mô diện tích 121,82 ha với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong những năm qua, Vinatex ID đã và đang không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm mang đến những dịch vụ tốt nhất cho các DN trong KCN như: hạ tầng kỹ thuật hiện đại, giao thông đồng bộ, cảnh quan xanh mát, nguồn điện trung thế 22KV ổn định, hệ thống cung cấp nước sạch với công suất lớn 17.000 m3/ngày đêm, đảm bảo nguồn nước cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh và hệ thống xử lý nước thải được chú trọng để đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn về môi trường.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, nhờ vào vị trí “đắc địa” trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (tỉnh Hưng Yên) sát cạnh trục QL5, KCN Dệt May Phố Nối đã thu hút nhiều DN lớn trong ngành Dệt May lựa chọn và vào đầu tư phát triển như: Dệt và Nhuộm Hưng Yên, Coats Phong Phú, Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Hanosimex, Dệt nhuộm Jasan, Dệt may Leehing Việt Nam…

Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, Vinatex ID đã và đang khẳng định trở thành một trong những cụm công nghiệp dành cho ngành Dệt May hiệu quả với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các DN có ngành dệt nhuộm với hệ thống cung cấp nước và hệ thống xử lý nước thải được đầu tư theo công nghệ và máy móc nhập khẩu từ Châu Âu.

Ông Tạ Hữu Doanh – Tổng Giám đốc Vinatex ID cho biết, theo định hướng của Hội đồng quản trị, ngay trong thời gian tới Vinatex ID sẽ “bắt tay” ngay vào việc nâng công suất của hệ thống xử lý nước thải bởi các DN dệt nhuộm trong KCN ngày một nâng cao công suất phục vụ cho thị trường vải, đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ các Hiệp định FTAs mà Việt Nam đang được hưởng ưu đãi về thuế suất. Nhiều DN trong KCN đã tăng gấp đôi công suất vải thành phẩm, do đó việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Vinatex ID sẽ thực hiện ngay trong đầu năm 2023, giúp các DN có thể nâng thêm công suất xử lý hoàn tất vải, phục vụ tốt nhất cho thị trường Dệt may.

Bên cạnh nâng cao công suất của hệ thống xử lý nước thải, Vinatex ID cũng sẽ cải tạo và nâng cấp các tiện ích nội khu, hướng đến xây dựng môi trường xanh, sạch, hiện đại và đồng bộ nhằm xây dựng KCN Dệt May Phố Nối trở thành địa chỉ “xanh” thu hút đầu tư của các DN trong lĩnh vực dệt may và phụ trợ. Bởi theo lý giải của lãnh đạo Vinatex ID, việc xây dựng KCN “xanh hóa” cũng là một trong những tiêu chí giúp các DN đáp ứng các yêu cầu của khách hàng với xu hướng xanh hóa và dệt may tuần hoàn, bền vững ngày càng trở nên cấp thiết…

Khu công nghiệp “vì người lao động”

Trong chiến lược phát triển KCN Dệt May Phố Nối, Vinatex ID cũng dành nguồn lực nhằm thực hiện công tác an sinh xã hội và chăm lo cho NLĐ. Song song với việc nâng cấp hạ tầng, tiện ích nội khu, Vinatex ID còn triển khai đầu tư khu dịch vụ đa năng, tổ hợp tiện ích, sân thể thao với diện tích 5 ha và khu nhà ở cho công nhân với diện tích khoảng 6,24 ha, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 – 6.000 lao động và chuyên gia.

Tổng Giám đốc Vinatex ID cho biết, việc đầu tư khu nhà ở xã hội không chỉ là chính sách an sinh xã hội của Vinatex ID dành cho NLĐ mà còn là mô hình để Vinatex ID nói riêng cũng như Vinatex nói chung triển khai các khu công nghiệp dệt may trên toàn quốc. Với việc có khu nhà ở xã hội cho NLĐ, KCN Dệt May Phố Nối sẽ thu hút các nhà đầu tư cũng như các DN nằm trong KCN có điều kiện bố trí chỗ sinh hoạt cho NLĐ từ các tỉnh lân cận, các tỉnh vùng sâu vùng xa. Đây là một trong những định hướng “chiến lược” để Vinatex ID có thể nhân rộng mô hình KCN chuyên biệt cho ngành dệt may tại nhiều địa phương trong thời gian tới.

Lãnh đạo Vinatex ID bày tỏ, cùng với việc nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước thải, Vinatex ID sẽ nghiên cứu triển khai chương trình đầu tư tái sử dụng lại nguồn nước sau khi xử lý, hướng tới mô hình sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm nước tối đa cho các DN dệt nhuộm trong KCN. Đây là mô hình “xanh hóa” mà KCN Dệt May Phố Nối định hướng phát triển bền vững. Cùng với chiến lược của Vinatex là “Nhà cung ứng giải pháp thời trang Xanh trọn gói cho khách hàng” thì việc cung ứng hạ tầng Xanh cũng là một trong những “mảnh ghép” hoàn thiện trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là KCN được xây dựng “kiểu mẫu” xanh từ hạ tầng, cho tới các dịch vụ, tiện ích cho NLĐ. Mô hình này cũng sẽ giúp các địa phương ghi nhận những nỗ lực của ngành dệt may trong việc xanh hóa, giảm thiểu ô nhiễm từ ngành dệt nhuộm. Vinatex ID quyết tâm cùng với Vinatex mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn chuyên biệt có sản xuất dệt nhuộm, nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn trên cả nước từ chính mô hình của KCN Dệt May Phố Nối.

Bài: Quang Nam


Các tin khác