Cơ hội thay đổi toàn Ngành Dệt May đang tới?


“Nếu Covid-19 không xảy ra, ngành Dệt May sẽ vẫn có doanh thu nhưng có thể tạo ra sức ỳ, cứ chấp nhận mãi kiếp gia công. Do đó, sự đình đốn này lại là cơ hội khiến Ngành thức tỉnh, vươn lên nấc thang mới, tạo ra cơ hội thay đổi toàn Ngành, chủ động hơn trong cuộc chơi toàn cầu…” – Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu ý kiến trong Hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi trong ngành Dệt May” do Vitas tổ chức ngày 25/6/2020 tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas phát biểu tại Hội thảo

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả doanh nghiệp, trong đó có DN Dệt May chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Ngành Dệt May cũng đang dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn chuẩn bị cho phục hồi.  Tuy nhiên, do DMVN xuất khẩu là chính, nên khi thế giới còn chưa kiểm soát được đại dịch Covid-19, thì chúng ta không thể “một mình một sân chơi”.

Vậy làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng trước những khủng hoảng trong tương lai. Hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi trong ngành Dệt May” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức nhằm phân tích vai trò của liên kết chuỗi kinh doanh trong ngành, nêu bật lên những cơ hội và thách thức, đồng thời đưa ra những giải pháp tăng cường liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cũng như toàn ngành, đề xuất các kiến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Đại diện Bộ Công Thương và các Doanh nghiệp tham dự Hội thảo

Nếu như năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39 tỷ USD, thì 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ và dự kiến KNXK cả năm của Ngành có thể chỉ đạt 32 tỷ USD. Trước thách thức duy trì và phát triển ổn định trong khủng hoảng, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là xu hướng của các nhà mua hàng lớn tại Mỹ và các nước châu Âu: chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, thay vì đặt hàng theo phương thức gia công để rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm mới.

Các đại biểu dự Hội thảo thăm Công ty CP Dệt Bảo Minh

Trong gần 40 tỷ USD xuất khẩu của toàn Ngành, thì có tới 60% giá trị là nguồn NPL nhập khẩu, bởi vậy giá trị thặng dư không đạt được như kỳ vọng. Để phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành Dệt May. Riêng với Hiệp định EVFTA (chính thức có hiệu lực từ mùng 01/8 tới), để được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu vải sẽ phải được sản xuất trong nước. Như vậy, việc tạo liên kết chuỗi giá trị dệt may, nắm giữ các khâu trong phân khúc sản xuất nguyên phụ liệu sẽ là chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng may mặc.

“Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra một điều, rằng ngành DMVN đang phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài, đó là các bên trung gian, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu. Cuộc chơi này chúng ta tham gia, nhưng chưa thể nắm hoàn toàn trong tay. Để xoay chuyển cục diện, không còn cách nào khác là chúng ta cần liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín. Hiệp hội DMVN cam kết là “người se duyên” cho các DN trong các khu vực Sợi – Dệt – Nhuộm – May liên kết với nhau. Như một bó đũa, chúng ta sẽ không thể bị bẻ gãy, và nhất quyết không bỏ lỡ cơ hội.” – Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.

 


Các tin khác