Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Ngành Dệt May luôn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành Dệt May luôn có vị trí quan trọng trong việc phục hồi kinh tế năm 2022. Đồng thời, với một ngành thâm dụng lao động như Dệt May, Chính phủ và các địa phương cần có nhiều cơ chế hơn nữa để giúp các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất. Đồng thời, với thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi, năm 2022 ngành Dệt May sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc.

 

Thưa bà, bà nhìn nhận thế nào về nền kinh tế năm 2021 vừa qua, cũng như chính sách điều hành của Chính phủ?

Có thể nói, năm 2021 nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có. Chúng ta cũng đã từng gặp những lần gặp khủng hoảng như: khủng hoảng trước những năm đổi mới, khủng hoảng khu vực cuối những năm 90, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008… Nhưng lần này mức độ khủng hoảng còn “kinh khủng” hơn rất nhiều khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đánh sâu vào những đầu tàu kinh tế của Việt Nam, cũng như những ngành chủ chốt về xuất khẩu. Đó là những cú đánh hết sức nặng nề, kéo theo Quý 3/2021 Việt Nam có mức tăng trưởng âm 6,17% – điều chưa từng có trong tiền lệ kể từ khi đất nước đổi mới. Điều này đã ảnh hưởng tới bức tranh và mức tăng trưởng cho cả năm 2021. Mặc dù Quý 4/2021 một số ngành đã có những phục hồi nhưng đến nay chưa có ngành nào khôi phục lại được 100% công suất, thậm chí có những đơn vị chỉ mới khôi phục được 30-50% công suất. Do đó, tôi đánh giá đây là một năm vô cùng khó khăn của nền kinh tế.

Đối với việc điều hành của Chính phủ, khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ tập trung vào công tác chống dịch là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên những giải pháp về phòng chống dịch như giãn cách xã hội quá lâu đã tạo ra những vấn đề lớn cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Những người bị ảnh hưởng của dịch chỉ một phần, nhưng những người bị ảnh hưởng tới sinh kế lại còn lớn hơn rất nhiều. Điều này, vô hình chung đã góp phần thêm vào việc tăng trưởng âm trong Quý 3. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã nhanh chóng nhìn nhận và ra Nghị quyết 128. Đây là cách sửa đổi rất cơ bản trong việc phòng chống Covid-19 theo tinh thần sống chung linh hoạt và thích ứng với dịch bệnh, đồng thời giữ được tăng trưởng của kinh tế như nhiệm vụ đã được đề ra.

Năm 2021 chúng ta chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế, cũng như dòng vốn FDI, nhất là khu vực phía Nam. Vậy theo bà, chúng ta phải làm thế nào để khôi phục kinh tế trong bối cảnh bình thường mới của năm 2022?

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã bàn rất nhiều, đồng thời cuối kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã đưa ra và phê chuẩn tất cả các gói hỗ trợ cho việc phục hồi kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này là vô cùng quan trọng và cần thiết để các ngành, các lĩnh vực và các doanh nghiệp phục hồi dần, cũng như xây dựng đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội đã đưa ra rất nhiều về việc phục hồi và tạo lập, xây dựng các nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc phục hồi kinh tế đã là một nhiệm vụ lớn và nặng nề. Nhưng tôi cho rằng, dường như chúng ta mới chỉ bàn đến số tiền mà các chính sách cụ thể lại chưa được bàn thấu đáo. Tôi mong rằng, Nhà nước cần phải lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, có những giải pháp cụ thể và thấu đáo hơn. Ví dụ như lĩnh vực ưu tiên để phục hồi kinh tế, hay những khu vực, doanh nghiệp đã quá yếu kém thì không nhất thiết phải phục hồi. Chúng ta nên dành nguồn lực kinh tế đó cho những ngành cần hơn để phát triển cho nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, cũng như giúp ích được cho người dân và doanh nghiệp. 

Hiện nay các chính sách của các địa phương chưa đồng nhất, vẫn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, vậy theo bà chúng ta phải làm như thế nào để có sự thống nhất, xuyên suốt trong các chỉ đạo của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế?

Tôi cho rằng điều đầu tiên là cần phải có những quy định nghiêm ngặt, minh bạch hơn về việc phân công, phân cấp, phân trách nhiệm, phân quyền cho các địa phương.

Khi phân cấp, phân quyền như vậy thì cần phải phân rõ trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là không được làm những việc Chính phủ không cho phép. Tôi ví dụ rằng việc giãn cách xã hội quá lâu hay đặt ra thêm những quy định vô lý, siết chặt hơn gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, do đó cần phải có giới hạn quyền cho các địa phương. Đồng thời phân rõ trách nhiệm, kể cả trách nhiệm không thi hành những chỉ đạo của Chính phủ theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”, điều này cần phải được xử lý và có chế tài nghiêm khắc với các địa phương.

Ngay cả đối với các Bộ – Ngành, phải có những chế tài khi đưa ra các quy định “vô lý”, đồng thời các cơ đơn vị cấp trên có quyền tước bỏ ngay những quy định phi lý khi các Bộ – Ngành ban hành. Đã có rất nhiều quy định để thời gian rất lâu mới được sửa đổi, điều này gây không ít khó khăn tới doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề với dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May năm 2021 vẫn cán mốc đạt khoảng 38-39 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2020. Vậy theo bà, thành công của ngành Dệt May phải chăng do chúng ta đã có những chính sách linh hoạt hay do nội tại từ các doanh nghiệp?

Tôi cho rằng ở đây có 2 yếu tố. Thứ nhất, nó đã thể hiện sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Có lẽ đây là một ngành bị cạnh tranh vô cùng gay gắt, chiến đấu để thích nghi với các quy định cao hơn của các Hiệp định FTAs thế hệ mới. Đồng thời, đây cũng là ngành bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19. Điều này, một phần gây ra không ít khó khăn, nhưng cũng đã giúp cho các DN dệt may “thức tỉnh” sớm, biết được những thách thức mới đặt ra để tìm cách vượt qua. Từ những điều đó, các DN đã vững vàng hơn và bản lĩnh hơn. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 do biến chủng Delta xảy ra và diễn biến quá nhanh, quá rộng đồng thời các biện pháp giãn cách xã hội quá mức cần thiết đã tạo ra cú sock đối với các DN, nhưng tôi cho rằng các DN dệt may đã có sẵn nội lực và có thể vượt qua.

Đối với chính sách điều hành của Chính phủ, ngành Dệt May luôn có vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Không chỉ là một ngành đóng góp rất lớn cho xuất khẩu, mà ngay cả số lượng các DN dệt may trong nước (không tính DN FDI) cũng đã rất lớn. Đây cũng là ngành thu hút và tạo ra việc làm cho đông đảo lao động, được đầu tư tại nhiều địa phương, cho nên công tác điều hành của Chính phủ cũng đã đưa ra được các chính sách để giúp cho các DN trong ngành bớt khó khăn và phục hồi sớm nhất.

Với một ngành thâm dụng lao động như Dệt May, theo bà vai trò của ngành thể hiện như nào khi chúng ta bắt tay vào phục hồi kinh tế?

Tôi nghĩ rằng đây cũng là một trong những việc ngành Dệt May cần phải phục hồi sớm, bởi trong việc phục hồi kinh tế thì việc phục hồi công ăn việc làm cho người lao động là mục tiêu hàng đầu. Hiện nay, một số khu vực, trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động do làn sóng di dân và người lao động bỏ việc về quê. Nhiều lao động vẫn chưa sẵn sàng trở lại làm việc, mặc dù đã có những chính sách ưu đãi. Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động đang bị “chấn động” về tâm lý, điều này khiến đông đảo người lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc, cũng như chờ đợi khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, đời sống được cải thiện hơn khi chi phí sinh hoạt tại khu vực như TP. HCM, Bình Dương… hiện đang rất đắt đỏ. Trong điều kiện đó, chúng ta cần phải tổ chức, xây dựng thêm môi trường làm việc tốt hơn thì mới có thể thu hút được lao động quay trở lại, vì vậy vai trò của ngành Dệt May trong việc khôi phục kinh tế là vô cùng lớn.

Trước đó, tôi đã có nhiều lần bày tỏ với báo chí rằng Nhà nước nên có chính sách tốt hơn đối với các DN sử dụng nhiều lao động. Đó là việc chúng ta cần có những nơi ở cho NLĐ nhập cư, hay điều kiện lao động sống tốt hơn cho công nhân tại địa phương. Có thể là ưu đãi về đất đai hay nguồn vốn… để các DN có thể xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Tôi thiên về việc để cho các DN tự chủ trong việc xây dựng hơn là để chính quyền địa phương thực hiện. Bởi trong ngành thì các DN sẽ hiểu rõ hơn cơ cấu lao động, nhu cầu của người lao động, đồng thời việc DN tự chủ động sẽ có chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý và thời gian sử dụng lâu hơn.

Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà đánh giá thế nào về ngành Dệt May của chúng ta trong những năm qua và kỳ vọng của bà đối với ngành trong năm 2022?

Tôi rất kỳ vọng trong năm 2022 ngành Dệt May có thể phục hồi sớm. So với những ngành khác thì ngành Dệt May, cùng với ngành Da giày là một trong những ngành xuất hàng hàng tiêu dùng chúng ta có thế mạnh, cũng như có được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện thị trường thế giới, nhất là những thị trường xuất khẩu chính của dệt may đang trên đà phục hồi về sức tiêu dùng. Do đó, với tổng cầu cao ở thị trường bên ngoài cộng với nội lực sẵn có của các doanh nghiệp và các chính sách hợp lý của Chính phủ sẽ tạo ra sức bật cho ngành trong năm 2022, thậm chí là “thắng” lớn so với năm 2021.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Quang Nam (thực hiện)


Các tin khác