Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc Tết Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Sáng 08/2, đồng chí Vương Đình Huệ – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và chúc Tết Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Cùng đi theo đoàn có Đ/c Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Đ/c Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đ/c Nguyễn Phú Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Đ/c Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các Ủy Ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương…
Toàn cảnh sự kiện
Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; đồng chí Lê Nho Thướng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các đồng chí trong HĐQT, cơ quan điều hành, lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn và cán bộ, công nhân ưu tú đại diện cho hơn 150 nghìn người lao động của Tập đoàn tại gần 70 điểm cầu ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD năm 2021
Đ/c Lê Tiến Trường Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex báo cáo kết quả SXKD năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex năm 2022
Báo cáo kết quả SXKD năm 2021, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh, trong năm 2021 tổng cầu dệt may thế giới đã có cải thiện so với năm 2020 với mức tăng 3,1% đạt 740 tỷ USD. Các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới đều có mức tăng trưởng cao trong đó Trung Quốc đạt 235 tỷ USD tăng 12%, Ấn Độ tăng trưởng 40% lên 42 tỷ USD, Việt Nam tăng trưởng 15% đạt 40,45 tỷ USD vượt qua thời điểm trước đại dịch năm 2019 khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ với với 16,6 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc với 4,5 tỷ USD, Châu Âu đạt 4,1 tỷ USD, Hàn Quốc và Nhật Bản đạt khoảng 3,5 – 3,7 tỷ USD.
Đối với kết quả SXKD năm 2021 của Vinatex thì đây là năm đầu tiên lợi nhuận hợp nhất đạt mức lịch sử 1.446 tỷ gấp 2,5 lần năm 2020 và gấp 1,9 lần năm 2019 là năm trước đại dịch. Tốc độ tăng trưởng này thể hiện chất lượng của quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị tốt cho quá trình thay đổi giá trị gia tăng, cơ cấu mặt hàng và tỷ lệ nguồn nguyên liệu chủ động được ở trong nước của Vinatex. Đặc biệt, trong năm 2021 Vinatex đã chủ động được các mặt hàng ít bị ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp của thị trường. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Vinatex đã tập trung đầu tư cho nguồn nguyên liệu trong đó đặc biệt là ngành Sợi với số lượng cọc sợi được đầu tư mới là trên 650 nghìn cọc.
Điểm nhấn trong năm 2021 của Vinatex là: Đảm bảo việc làm cho hơn 150.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng, bằng mức thu nhập năm 2020 nhưng số giờ làm việc chỉ bằng 85% của năm 2020. Bảo toàn được lực lượng trong đại dịch nên ngày đầu tiên đi làm trở lại sau giãn cách số lượng lao động đã đạt khoảng 90% và sau 2 tuần thì khoảng 95% lao động đã quay trở lại làm việc. Tận dụng được cơ hội rất tốt của thị trường nên những mặt hàng, sản phẩm mới đưa ra ít bị áp lực cạnh tranh, tạo ra biên lợi nhuận tốt hơn. Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất bằng việc đưa vào hoạt động 6 vạn cọc sợi tại Huế và 2 nhà máy may tại Nghi Lộc, Nghệ An với qui mô 1.500 lao động. Trong hai năm 2020, 2021 Vinatex đã tập trung vào chuyển đổi số cho các đơn vị trực thuộc.
Theo đ/c Lê Tiến Trường, Vinatex và các đơn vị thành viên ưu tiên đảm bảo thu nhập, đời sống cho NLĐ mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh
Thành tựu này có được từ 4 bài học lớn của năm 2021 đó là: Tập trung và thống nhất ý chí, chia sẻ khó khăn với NLĐ trong toàn Tập đoàn và tổ chức Công đoàn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động này. Sáng tạo cụ thể trong cách thức phòng dịch ở từng đơn vị. Lựa chọn mục tiêu ưu tiên, khách hàng ưu tiên, sản phẩm ưu tiên theo nhiều kịch bản chi tiết. Sức mạnh từ niềm tin của NLĐ với lãnh đạo các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp với Tập đoàn và ngược lại.
Năm 2022, thế giới dự báo ngành dệt may sẽ có cải thiện 2,7% tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, GDP toàn cầu tăng khoảng 4,1%, thương mại tăng khoảng 7% và lạm phát khoảng 3%. Trên cơ sở này, ngành Dệt May Việt Nam đưa ra mục tiêu cho năm 2022 đạt khoảng 43 tỷ USD. Riêng đối với Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, trong đó tập trung vào tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn phải đạt từ 20 -25%.
Để phát triển bền vững trong năm 2022, Vinatex đề ra 4 nhóm giải pháp chính, trong đó tập trung đẩy mạnh giải pháp chuyển đổi số. Tiếp tục hình thành các năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, phấn đấu đạt 2 vạn 20 nghìn tấn hàng dệt kim trọn gói trong năm 2022 đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong các chuỗi qui mô lớn của thế giới. Liên kết Sợi – Dệt – May để tăng giá trị gia tăng, linh hoạt trong mô hình kinh doanh. Củng cố năng lực sản xuất, liên tục cập nhật các mô hình mới, hiện đại, đầu tư chiều sâu, tự động hóa để giảm lao động và đầu tư theo hướng sản xuất xanh, sạch. Xây dựng chiến lược tài chính dài hạn cho chu kỳ mới của đầu tư chiều sâu, công nghệ để tạo ra một ngành dệt may tự động hóa theo 4.0 mới. Xây dựng cơ chế linh hoạt về công tác nhân sự trong các ban kinh doanh, tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo để bổ sung kiến thức phù hợp cho phát triển trong bối cảnh mới.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường đã gửi một số kiến nghị đến Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đó là:
Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành rất quan tâm đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu.
Sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh và đối với doanh nghiệp dệt may có hỗ trợ 3 tháng tiền nhà và tiền hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động.
Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.
Cắt giảm chi phí logistic vì hiện nay chi phí logistic đang chiếm tới 9,3% giá thành sản phẩm dệt may.
Cần linh hoạt số giờ làm thêm hàng tháng vì sản xuất hàng dệt may mang tính thời vụ không dàn đều ở các tháng.
Tiếp tục tiếp tục dệt ước mơ, khát vọng, hoài bão, niềm tin
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và chúc mừng những kết quả, thành tích ấn tượng Vinatex đã đạt được trong năm 2021.
Đ/c Vương Đình Huệ Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả SXKD của Vinatex với lợi nhuận đạt gần 1.500 tỷ là thành tích diệu kỳ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, năm 2021 đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nhưng với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may thì bị tác động nhiều nhất. Tuy nhiên, ngành Dệt May Việt Nam đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức đạt kim ngạch xuất khẩu 40,45 tỷ USD, vượt qua mức cao nhất trước đại dịch, duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành Dệt May Việt Nam còn được người mua hàng đánh giá là điểm đến mua hàng tốt nhất trong số 27 quốc gia và vũng lãnh thổ được đánh giá năm 2021.
Trong thành tích chung của ngành Dệt May Việt Nam, Vinatex vẫn phát huy được vai trò đầu tầu, hạt nhân với kết quả tốt nhất trong 26 năm qua với mức tăng trưởng gấp 2,5 lần so với năm 2020 và lợi nhuận hợp nhất có bước nhảy vọt đạt gần 1.500 tỷ. Trong điều kiện vô vàn khó khăn, khắc nghiệt Vinatex không chỉ đảm bảo được việc làm cho hơn 150.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng mà còn tận dụng được cơ hội nâng cao hiệu quả SXKD. Bên cạnh đó, Vinatex đã chuyển đổi số thành công bước đầu và mở rộng thêm được năng lực sản xuất. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Vinatex đã quan tâm chăm lo cho NLĐ với mức thưởng tết trung bình từ 1,5-3 tháng lương (khoảng 14 – 15 triệu đồng). Vượt qua khó khăn đi lên là minh chứng rõ nhất của sự đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Tết cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, kinh tế thới giới phục hồi nhưng không đồng đều, rủi ro bất ổn tài chính, nợ công, lạm phát còn tiềm ẩn và sự phục hồi kinh tế trong nước chưa được như kỳ vọng…
Vì vậy, Vinatex cần tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm, những bài học quý từ thực tiễn đặt ra trong 2 năm qua để nắm bắt các cơ hội, xu hướng trong thay đổi chuỗi cung ứng.
Tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa cả về thị trường và chuỗi giá trị sản phẩm, về quản trị sản xuất, nhân sự và tài chính. Đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tiên phong trong đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới và xây dựng mô hình kinh doanh sạch, sản xuất xanh và bền vững. Ngoài thị trường xuất khẩu cần quan tâm đến thị trường nội địa với 100 triệu dân đang có nhu cầu lớn và ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Chú trọng xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam để từng bước vươn lên thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu dệt may. Vinatex là đầu tàu, hạt nhân trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may Việt Nam.
Để làm tốt các chỉ tiêu trên trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay từ những ngày đầu năm 2022 Vinatex cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Sớm xây dựng và triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 theo Nghị quyết của Quốc hội và chương trình phòng chống dịch giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả. Tiếp tục rà soát và phủ kín Vắc xin cho NLĐ của Tập đoàn và động viên người thân của họ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về tiêm phòng để NLĐ yên tâm làm việc. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 theo phương châm sản xuất thì phải an toàn, an toàn để sản xuất, tuyệt đối không được lơ là chủ quan.
Tích cực chủ động để tận dụng mọi cơ hội từ các giải pháp tài chính, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa 15 và Nghị quyết 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Sớm khôi phục những thiếu hụt về lao động và tổ chức cơ cấu lại sản xuất để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao nhất các đơn hàng ngay từ đầu năm.
Tiếp tục củng cố xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tập hợp đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững. Thúc đẩy bảo vệ để công nhân, NLĐ được thụ hưởng những thành quả xứng đáng với những đóng góp của mình cho Tập đoàn và cho đất nước.
“Các kiến nghị của Vinatex đều rất xác đáng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan kịp thời và quyết liệt triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giúp cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói riêng sớm khôi phục sản xuất. Tiếp tục tạo môi trường SXKD thuận lợi nhất và có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động các thiết chế về y tế, giáo dục, văn hóa. Về việc điều chỉnh linh hoạt giờ làm thêm trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội sẽ quyết định theo thẩm quyền. Tôi rất mong muốn, Vinatex và các đơn vị thành viên tiếp tục dệt nên những ước mơ, khát vọng, hoài bão, niềm tin vào chính mình và tương lai, tiền đồ của đất nước, khi đó chắc chắn sẽ dệt nên những thành công, kỳ tích mới” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo và CBNV Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Thay mặt lãnh đạo Vinatex, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương nơi có các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm mới, Vinatex rất vinh dự được đồng chí Chủ tịch Quốc hội đến thăm, chúc Tết và ghi nhận những thành quả mà Tập đoàn đã đóng góp cho bức tranh kinh tế xã hội chung của Việt Nam cũng như trong ổn định việc làm, an sinh xã hội cho một lực lượng lớn NLĐ.
Lãnh đạo Tập đoàn tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, gợi ý, định hướng, giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra để thực hiện tốt các chiến lược trong giai đoạn tới, giúp Vinatex phát triển bền vững trong tương lai, thực sự là hạt nhân của ngành Dệt May Việt Nam trong mục tiêu trở thành đơn vị sản xuất dệt may hàng đầu khu vực và thế giới. Những gợi mở của Chủ tịch Quốc hội cũng là cơ sở để Vinatex thực hiện thành công chiến lược “Một điểm đến cung ứng trọn gói về dệt may, thời trang cho khách hàng doanh nghiệp”; đảm bảo Tập đoàn cùng với ngành Dệt May Việt Nam trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong GDP của Việt Nam, mang lại thu nhập tốt hơn, ổn định hơn cho NLĐ. Vinatex mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, sự chỉ đạo, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương.
Nhóm PV