Chiến lược hợp tác – nâng cao nội lực và phát triển bền vững


Trước thềm năm mới 2023, PV Đặc san Dệt May & Thời trang Việt Nam đã có những trao đổi cùng với các đối tác, khách hàng của Vinatex xung quanh cơ hội đầu tư, xây dựng mối quan hệ hài hòa, lợi ích, hợp tác cùng phát triển.

*Ông K. Kim – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hansae: “Hợp tác tạo lợi thế dẫn đầu trong chiếm lĩnh thị trường dệt may “Tái chế – Recycle”

Trên tinh thần là đối tác chiến lược, Hansae và Hanosimex đã luôn duy trì mối quan hệ gắn bó bền chặt trong lĩnh vực dệt may. Từ những bước đi đầu tiên cùng nhau từ năm 2014 với nhà máy Hanosimex Đồng Văn sau đó là hai nhà máy Hanosimex Nghi Lộc và Hanosimex Nam Đàn tại tỉnh Nghệ An tới nay mối quan hệ hợp tác đó vẫn không ngừng phát triển.

Hanosimex là đối tác sản xuất các sản phẩm may mặc quan trọng của Hansae, hệ thống quản lý các cấp đều hiểu rất rõ yêu cầu của Hansae và phía khách hàng, đồng thời Hanosimex cũng luôn duy trì tốt hệ thống nhà máy, quản lý chất lượng và khả năng cạnh tranh về giá. Hansae luôn trân quý và cảm ơn tinh thần làm việc hết mình của Hanosimex.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành dệt may, Hansae đã xác định thị trường mục tiêu là các khách hàng tại Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản để từ đó thiết lập các chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.

Nhận thấy việc sử dụng vải tái chế nhằm bảo vệ môi trường đang và sẽ trở thành xu thế mới nên trong năm 2022, Hansae đã chủ động vạch ra chiến lược mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực vải tái chế tại Việt Nam.

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này thì Hansae phải giải được bài toán về điểm yếu của mình đó là chuỗi cung ứng khép kín vải tại Việt Nam. Và không ai khác chính Vinatex là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam chuyên sản xuất sợi, nhuộm vải và dệt kim mà Hansae muốn hướng tới trên con đường hợp tác cùng khai thác và kết hợp giữa thế mạnh kinh doanh của Hansae với thế mạnh sản xuất của tập đoàn Vinatex để tạo ra lợi thế dẫn đầu trong việc chiếm lĩnh thị trường dệt may “Tái chế – Recycle”.

Năm 2022, Hansae đã từng bước đảm bảo khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả của sản phẩm bằng việc mua sợi CVC của Hanosimex và trực tiếp sản xuất vải tại Việt Nam. Lượng sợi mà phía Hansae cần dự kiến sẽ tăng đều theo các năm và có thể lên đến 5.000.000 USD/ năm.

Từ năm 2023, trên cơ sở sợi bông tái chế do Hansae trực tiếp nhập khẩu và sản xuất, Vinatex sẽ đảm nhận các công đoạn sản xuất từ kéo sợi Ring và sợi Open End cho đến công đoạn nhuộm và dệt, đó chính là chuỗi cung ứng khép kín.

Hiện tại Hansae đã ký một hợp đồng vải trị giá khoảng 2.000.000 USD với phía EU Primark và đang hy vọng con số này có thể lên tới 10.000.000 USD trong năm 2023. Và dần dần khi quy mô sản xuất tăng lên có thể thúc đẩy mở rộng thêm cả thị trường Mỹ và Nhật Bản thì tổng giá trị xuất khẩu dự kiến có thể lên tới 100.000.000 USD.

Đó mới chỉ là dự kiến tăng trưởng của mảng dệt kim, nếu trong tương lai dự án hợp tác với Vinatex Nam Định mở rộng sang vải dệt thoi tái chế và sản xuất chăn ga gối đệm/ khăn tắm thành công thì tổng thể quy mô kinh doanh dự kiến sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Khó khăn khi bắt đầu là điều không thể tránh khỏi nhưng nếu cả hai bên cùng quyết tâm giữ vững tinh thần hợp tác như khi ký kết Biên bản ghi nhớ thì điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực và có thể biến mối quan hệ hợp tác đôi bên thành một mô hình kinh doanh tốt, bền vững.

*Ông Ku Myung Soo- Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần TCE Vina Denim: “Vinatex mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để TCE Vina Denim có thể tăng tỉ trọng mặt hàng sợi”

Là một nhà sản xuất vải denim lớn hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, với lịch sử hình thành phát triển từ năm 1956 tại Hàn Quốc, đến nay Công ty không ngừng nỗ lực đổi mới trong sản xuất kinh doanh, phát triển những mặt hàng mới thích ứng với thị trường và theo xu thế chung của ngành công nghiệp dệt may, nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của những khách hàng và những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Từ những sản phẩm truyền thống có nguồn gốc nguyên liệu là bông tự nhiên, polyester, rayon, tencel, nylon, polyurethan… hiện tại công ty đã và đang làm những sản phẩm thân thiện và gần gũi với thiên nhiên hơn như sản phẩm từ bông hữu cơ, polyester, rayon, tencel tái chế, sản phẩm từ xơ chuối, từ xơ dứa với mục đích hướng tới các sản phẩm bền vững thân thiện với môi trường và bảo vệ trái đất.

Các công ty cung cấp sợi được Công ty cổ phần TCE Vina denim lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí như: Chất lượng sản phẩm cao, thời gian giao hàng nhanh, các dịch vụ sau bán hàng tốt nhằm thỏa mãn những yêu cầu khách hàng của TCE Vina Denim.

Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và mở rộng nhà cung cấp, Công ty cổ phần TCE Vina Denim bắt đầu hợp tác sản xuất với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dệt 8-3 từ giữa năm 2019 đến nay. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty đã tăng sản lượng đơn hàng và duy trì ổn định lượng hàng hóa mua bán giữa hai bên lên tới 300 tấn/ tháng chiếm tỉ trọng 15% trong số các nhà cung cấp sợi cho TCE Vina Denim. Khoảng cách địa lý giữa hai công ty chỉ mất thời gian vận chuyển giao hàng tầm 1 giờ 30 phút là một điểm thuận lợi cho hai bên khắc phục và xử lý mọi vấn đề nảy sinh trong quá trình mua bán và sản xuất.

Công ty cổ phần TCE Vina Denim là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cùng với lợi thế Việt Nam là một trong những nước thuộc khối Asean có nền công nghiệp trong lĩnh vực dệt may phát triển nhất trong khu vực và có vị trí vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm dệt may trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn cung các sản phẩm vải cho các nhà máy may tại Việt Nam nên đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sản phẩm vải denim của công ty cổ phần TCE Vina Denim đang sản xuất tại Việt Nam phần nào tạo cơ hội chủ động cho các doanh nghiệp Việt Nam không phải nhập khẩu vải Denim. Mặt khác, công ty chúng tôi cũng đã tận dụng nắm bắt cơ hội như nguồn cung cấp sợi trong nước ổn định, nhiều nhà cung ứng, giá thành cạnh tranh, việc mua các sản phẩm sợi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dệt 8-3 đã rút ngắn thời gian sản xuất và thời gian giao hàng cho các khách hàng TCE Vina Denim, dễ dàng chứng minh nguồn gốc sản xuất, xuất xứ sản phẩm sợi từ Việt Nam khi các sản phẩm cuối cùng của TCE Vina Denim được bán ra thị trường nước ngoài như châu Mỹ, châu Âu khi khách hàng yêu cầu. Việc hợp tác kinh doanh mua bán sản xuất kinh doanh giữa hai công ty đang hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, cùng lớn mạnh giúp cho công ty Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu vải và cạnh tranh với các thị trường các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ vv…

Các sản phẩm sợi mà Công ty cổ phần TCE Vina Denim sử dụng rất đa dạng, phong phú số lượng đơn hàng nhiều, một số sản phẩm sợi hiện tại thị trường Việt Nam chưa thể cung ứng được. Công ty rất mong muốn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dệt 8-3 cũng như các công ty sợi trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm để TCE Vina Denim có thể tăng tỉ trọng lượng hàng các sản phẩm sợi từ Tập đoàn. Qua đó hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng cơ hội cạnh tranh giữa các công ty trong Tập đoàn với các công ty khác và nâng cao mức cạnh tranh của Công ty cổ phẩn TCE Vina Denim với các đối thủ khác trong và ngoài nước.

Nhìn lại thời gian năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất dệt may, cả hai bên đã hỗ trợ cho nhau rất nhiều để có thể duy trì hoạt động sản xuất. Hiện tại, với tình hình kinh tế chung trên thế giới và trong lĩnh vực dệt may đang có rất nhiều khó khăn về đơn hàng, với tiềm lực to lớn và thế mạnh của các bên, Công ty cổ phẩn TCE Vina Denim mong muốn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt 8-3 và các doanh nghiệp thuộc Vinatex nắm bắt cơ hội để nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mới để đón đầu thị trường cũng như có thể cung ứng cho TCE Vina Denim và khi thị trường hồi phục sẽ tạo cơ hội cạnh tranh với các các đối thủ khác…

Chúng tôi chân thành cảm ơn và hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để ngày một phát triển hơn nữa.

*Ông GeoffWynn, chuyên gia của Tập đoàn Lenzing: “Sẵn sàng hợp tác với Vinatex trong cung ứng nguyên liệu”

Lenzing đánh giá cao sản phẩm vải chống cháy của Vinatex đang sản xuất. Sản phẩm vải chống cháy của Vinatex đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu mà Lenzing đã thực nghiệm trên thế giới. Lenzing có khả năng cung ứng Xơ, Sợi cho Vinatex để sản xuất vải chống cháy. Lenzing cũng có nhiều loại vải cho các lĩnh vực như vải phục vụ cho ngành điện, vải làm trong ngành khai thác mỏ, vải trong khai thác dầu khí…

Được biết, Vinatex hợp tác với Tập đoàn Kova nghiên cứu đưa Nano vào trong sản phẩm này. Như vậy Vinatex đã có một đối tác trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và một đối tác về cung ứng đầu vào, nhằm thực hiện mục tiêu giới thiệu sản phẩm vải chống cháy mang giá trị nhân văn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, góp phần vào chiến lược xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Về phía Lenzing sẵn sàng hợp tác với Vinatex nhằm cung ứng nguyên liệu để Vinatex sản xuất vải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng từ xơ, sợi, vải…

*Ông Ju1lio Ce1zar Busato – Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bông Brazil: “Mong muốn sẽ trở thành đối tác tin cậy của Vinatex”

Với mong muốn quảng bá và tăng thị phần của sản phẩm bông Brazil tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã gặp gỡ làm việc với các đối tác, khách hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong đó có Vinatex nhằm chia sẻ thông tin giúp cho các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam hiểu rõ hơn về sản phẩm bông Brazil.

Bông Brazil bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2017, với số lượng 86 nghìn tấn, đến năm 2019 tăng lên 270 nghìn tấn và năm 2021 đạt 400 nghìn tấn. Hiện nay thị phần bông của Brazil tại Việt Nam chiếm 25%. Năm 2022, Kim ngạch XNK xơ bông của Brazil vào Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, nhập khẩu bông của Việt Nam từ Brazil đạt gần 211 nghìn tấn, trị giá gần 568 triệu USD. Trong tổng số trên 1,2 triệu tấn bông, trị giá gần 3,39 tỷ USD lượng bông nhập khẩu từ các thị trường vào Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18% lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam, xếp thứ ba sau Mỹ và Úc. Chất lượng sản phẩm bông Brazil được đánh giá tốt chỉ sau bông Mỹ. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng bông Brazil như: Tổng Công ty CP Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội, Dệt 8-3, Thiên Nam, Bông Thiên Hà, Đông Khánh…

Năng lực sản xuất sợi của Việt Nam đạt 10,2 triệu cọc sợi. Lượng bông nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng qua các năm, đạt 1,6 triệu tấn bông, dự báo đến năm 2025 đạt 2,5 triệu tấn. Ngành Dệt May Việt Nam trong đó có ngành kéo sợi là ngành năng động và có tiềm năng cả về tăng trưởng và mở rộng sản xuất. Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ trở thành đối tác tin cậy của Vinatex, qua đó sẽ giúp cho ngành bông của Brazil chiếm lĩnh tốt hơn tại thị trường Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Dệt May Việt Nam.

*Ông Gerald Steiner – Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Rieter: “Nâng tầm hợp tác chiến lược cùng Vinatex”

Tình hình thị trường dệt may thế giới chưa có nhiều khởi sắc trong những tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao trên các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như: Mỹ, EU… Những yếu tố trên đã kéo tụt sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Dệt May Việt Nam, nhất là đối với ngành cung cấp nguyên phụ liệu như ngành Sợi.

Trong những năm qua, Tập đoàn Rieter luôn là đơn vị uy tín cung cấp các thiết bị sản xuất sợi được nhiều DN trong hệ thống của Vinatex lựa chọn và trở thành đối tác lâu dài. Nhiều DN của Vinatex còn có những mô hình nhà máy sợi thông minh, hiện đại hóa cao với dây chuyền sản xuất đồng bộ do Rieter cung cấp như: máy sợi con, máy đánh ống, máy xe… Trong thời gian tới, Rieter mong muốn tiếp tục được hợp tác với Vinatex và các đơn vị thành viên trong các dự án mở rộng, nâng cấp và đầu tư mới trong ngành Sợi, tầm nhìn tới năm 2030 sẽ là đối tác chiến lược của Vinatex và các đơn vị thành viên. Điều này dựa trên lợi thế sẵn có của Rieter với việc cung ứng những công nghệ kéo sợi hàng đầu hiện nay. Ngoài ra, Rieter cũng sẽ cân nhắc hợp tác với Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) trong việc mở một trung tâm LAB tại khu vực miền Bắc, đây là nơi Rieter giới thiệu các công nghệ kéo sợi mới, xây dựng trung tâm bảo hành và các chế độ hậu mãi của Tập đoàn tại khu vực miền Bắc. Tôi cho rằng, Việt Nam trong thời gian qua đang nổi lên là một trong những địa chỉ thu hút FDI hàng đầu khu vực, điều này sẽ xây dựng được niềm tin đối với khách hàng đối với Rieter. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giúp các sinh viên của HTU tiếp cận với các công nghệ, nâng cao kỹ năng bên cạnh kiến thức được trang bị trong ngành kéo sợi.

Dự báo, năm 2023 thị trường dệt may sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Do đó, thời điểm này cũng là lúc chúng tôi tập trung đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lại hệ thống đồng thời có thể sẽ tham gia một số triển lãm của ngành Dệt May tại Việt Nam, gần đây nhất sẽ là Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị và Nguyên phụ liệu năm 2023 tổ chức TP. Hồ Chí Minh (SaigonTex & SaigonFarbic 2023) do Vinatex đồng tổ chức. Tại đây, Rieter sẽ trình diễn những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành kéo sợi với công nghệ đến từ Châu Âu.

*Ông Enrico Venturini Degli Esposti – Chủ tịch Hiệp hội DN Dệt May vừa và nhỏ Châu Âu (TEXGLOBAL): “Mong muốn mở ra cơ hội kinh doanh tiềm năng với Vinatex”

Mục tiêu chung của TEXGLOBAL là hỗ trợ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Dệt May vừa và nhỏ tại Châu Âu bằng cách nâng cao nâng cao năng lực đổi mới của từng DN trong hệ sinh thái toàn cầu. Trong chiến lược quốc tế hóa, TEXGLOBAL lựa chọn Mexico, Hoa Kỳ, Việt Nam là 3 quốc gia tới thăm quan và ký kết các biên bản ghi nhớ.

Là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hàng may mặc, dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp gần 16% vào tổng GDP với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức hai con số. Do đó, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới, trọng điểm và có nhiều cơ hội thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các DN dệt may EU và Việt Nam.

Do tình hình địa chính trị trên thế giới, chi phí sản xuất các mặt hàng dệt may của Trung Quốc không còn rẻ, trong khi Việt Nam là nước láng giềng có tốc độ phát triển nhanh, điều này hứa hẹn tương lai Việt Nam không chỉ là nhà cung cấp các sản phẩm dệt may tốt mà còn là thị trường tiêu thụ các sản phẩm dệt may của EU.

Với Vinatex, sau khi tìm hiểu mô hình hoạt động của Tập đoàn, chúng tôi nhận thấy Vinatex và các đơn vị thành viên đều là những đối tác lớn của một số DN dệt may tại Pháp và Ý. Tập đoàn cũng đóng vai trò lớn, là đơn vị hạt nhân của ngành Dệt May với việc tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, uy tín về ngành được nhiều quốc gia và DN trên thế giới tham dự. Ngoài ra, Vinatex cũng là một Tập đoàn lớn, hầu hết các DN dệt may lớn nhất tại Việt Nam đều có vốn đóng góp của Vinatex. Cùng với đó, Vinatex còn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với các tổ chức như: Vitas, Agtex… Vì vậy, TEXGLOBAL mong muốn có thể hợp tác nhằm mở ra cơ hội kinh doanh giữa TEXGLOBAL với Vinatex và các đơn vị thành viên trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa TEXGLOBAL và Vinatex còn giúp các đơn vị trong hệ thống của 2 bên có thể trao đổi, chia sẻ thêm các thông tin về chuỗi cung cứng, cập nhật thông tin thị trường trong ngành Dệt May tại EU và Việt Nam. Hơn hết, TEXGLOBAL nhận thấy ngành Dệt kim của Vinatex đang có tốc độ phát triển nhanh, điều này có thể tạo ra được những cơ hội cho cả 2 bên, các DN của TEXGLOBAL có thể cung cấp các loại sợi chất lượng cao, nhưng cũng có thể là khách hàng mua lại các sản phẩm vải dệt kim đã qua xử lý hoàn tất. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội thiết lập mối quan hệ giữa Vinatex và các DN của TEXGLOBAL.

Ông Juanjose Suarez – Tổng Giám đốc Kinh doanh tại Việt Nam, Tập đoàn Archroma: “Cùng Vinatex xây dựng ngành dệt nhuộm thân thiện với môi trường”

Là một trong những đơn vị cung cấp thuốc nhuộm và hóa chất nhuộm cho các DN dệt nhuộm lớn nhất trên thế giới, tại Việt Nam, Archroma đang cung cấp các sản phẩm này cho nhiều đơn vị trong hệ thống của Vinatex như: TCT CP Dệt May Nam Định (Natexco); Hanosimex; Dệt kim Đông Xuân (Doximex); Dệt gia dụng Phong Phú; Quốc tế Phong Phú… Đây là sự hợp tác chiến lược, lâu dài trên tinh cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của cả hai bên, xây dựng ngành dệt nhuộm ngày càng thân thiện với môi trường và có tính bền vững. Với Vinatex, một Tập đoàn với nhiều các công ty con khác nhau, điều này mang cho Archroma nhiều cơ hội trong việc chia sẻ thông tin thị trường, trao đổi kiến ​​thức kỹ thuật và danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng.

Định hướng của Archroma là hướng tới một ngành công nghiệp dệt nhuộm bền vững, do đó chúng tôi đã và đang cung cấp các giải pháp kỹ thuật trong việc thiết kế và cung cấp hóa chất và thuốc nhuộm, tăng khả năng nhuộm đúng ngay từ đầu (RFT), giảm mức tiêu thụ hóa chất, nước và năng lượng. Những hệ thống này được Archroma tích hợp và phát triển dựa trên sự kết hợp giữa các thành phần được lựa chọn cẩn thận, an toàn như: Bluesign, ZDHC, Cradle-to-Cradle, Angel Ecolabel… đáp ứng các quy định nghiêm ngặt nhất của các thị trường dệt may xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh đó, Archroma cũng cung cấp các mẫu màu pantone trong các hệ thống nhằm giúp các đơn vị sẵn sàng triển khai ngay vào sản xuất khi có yêu cầu nhờ vào các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật sẵn có.

Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của ngành Dệt May thế giới, đặc biệt là sản xuất các mặt hàng thời trang, đây cũng là nhà cung cấp chính của các thương hiệu, nhà bán lẻ trên thế giới và đang trở thành một nhân tố thiết yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với Archroma, chúng tôi đã và đang định vị trong mối quan hệ giữa các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu dựa trên các sản phẩm chất lượng, có tính bền vững. Điều này sẽ được Archroma tiếp tục củng cố và đưa ra nhiều giải pháp tốt hơn trong mối quan hệ chiến lược giữa Archroma và các đơn vị thành viên của Vinatex. Với các yêu cầu về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nguyên phụ liệu trên các sản phẩm may mặc ngày càng khắt khe hơn, Archroma đã áp dụng thành công chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thuốc nhuộm và hóa chất nhuộm, điều này giúp các DN sản xuất vải trở nên minh bạch, đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng và đối tác.

Thời gian qua, Archroma đã mua lại Huntsman Textile Efects từ Tập đoàn Huntsman, đây là đơn vị có vị thế vững mạnh về mảng thuốc nhuộm, trong khi đó Archroma nổi tiếng về mảng hóa chất dệt tại Trung Quốc, Châu Âu và Châu Mỹ. Khi kết hợp cùng nhau sẽ cung cấp một danh mục đồng nhất gồm các loại thuốc nhuộm và hóa chất, với nhiều tính năng về đổi mới sáng tạo và bền vững cho mọi nhu cầu trong ngành dệt may từ khâu sợi đến khâu hoàn tất. Sự bổ sung này sẽ mang lại cho các thương hiệu thời trang và ngành dệt may toàn cầu những sản phẩm cao cấp mà nhiều khách hàng mong muốn.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Các tin khác