Chắt chiu chất Việt trong từng thiết kế thời trang
Thời trang không chỉ là một bộ quần áo đẹp mà chúng ta khoác lên người. Thời trang, sâu sắc hơn, là một câu chuyện kể, gần gũi và thân quen. Với tâm tình này, nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn đã chắt chiu chất liệu cuộc sống vào những câu chuyện thời trang của mình qua các bộ sưu tập gây nhiều dấu ấn.
Nhà thiết kế đã cho ra đời nhiều bộ sưu tập gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước như “Lúng liếng”, “Viên mãn”, “Gió mùa về”, “Cọc cạch”, “Mộng mị”, “Tình tang”, “Mỵ Châu” và gần đây nhất là “Ới a ơi à”. Chỉ tên của bộ sưu tập cũng đã dẫn dắt người xem đến với những câu chuyện mang nhịp đập của thời gian, dân gian và chất truyền thống Việt chất chứa trong một không gian đương đại, hội nhập.
Thuy Design House ra đời cũng bởi nhà thiết kế muốn có cơ hội để kể câu chuyện về Việt Nam qua thời trang; để những đau đáu về giá trị truyền thống Việt được hiện thực hóa vào thời trang. Vì thế, dù không được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế thời trang nhưng hoạt động sáng tạo của Thủy được xây dựng từ nhiều lớp lang kiến thức và trải nghiệm về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây.
Thuỷ tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng tiến sĩ tại Học viện Nghệ thuật Thị giác và Kiến trúc Quốc gia (Ukraine) ở Kiev. Năm 2019, với những hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật thị giác và kinh doanh, Thuỷ được vinh danh là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Niềm đam mê giao thoa giữa hội họa và thời trang, với Thuỷ, hội hoạ và thời trang có nhiều điểm tương đồng – màu sắc và hình khối được thể hiện qua không gian không giới hạn. Thủy định vị hướng đi của mình, một con đường không thỏa hiệp với đám đông hay chạy theo các xu hướng thời trang. Trên hành trình của mình, chị lặng lẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về những ký ức, những kỷ niệm, về tình mẫu tử, quê hương, đời sống tâm linh và thiên nhiên, về phố phường Hà Nội hay đơn giản, là một bức tranh hàng Trống đang bị mai một bởi thời gian…
Ở Thuỷ luôn thấy một sự nhất quán, đồng điệu trong việc hướng tới văn hoá truyền thống Việt Nam khi các bộ sưu tập của chị thường lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương và áo dài – biểu tượng của văn hoá Việt – hay các phụ kiện cổ truyền khác.
Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng với Nhà thiết kế Thủy Nguyễn để nghe những câu chuyện về thời trang đương đại mà chị vẫn đang đau đáu theo đuổi mỗi ngày.
*Thời trang hiện đại mang đậm chất Việt và phong cách hội họa dường như là nét riêng làm nên “thương hiệu” nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Chị định vị thế nào khi chọn lối đi riêng này?
– Đối với tôi, chất Việt đã và đang len lỏi trong mọi câu chuyện đời sống nói chung, chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực thời trang. Chất Việt Nam ấy đã được khởi lên từ bên trong bản thân mỗi chúng ta, trong những thực hành, trong mọi câu chuyện của đời sống. Trang phục truyền thống hay hiện đại, thực ra trong cái này có cái kia, có chăng tại một thời điểm thì có yếu tố nổi trội hơn. Theo dòng lịch sử, trang phục truyền thống luôn có sự biến chuyển để phù hợp với thực tiễn cuộc sống mới, đa dạng, phong phú nhưng không đánh mất những giá trị riêng của dân tộc. Sự phát triển của các kiểu mẫu qua các thời kỳ hay các tích truyện dân gian, sự kiện lịch sử đều được tôi chọn lọc, chắt chiu đưa vào từng thiết kế của mình. Tôi mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc Việt, đó cũng là cách định vị chúng ta trong thế giới hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
*Thế còn sự đồng điệu giữa hội hoạ và thời trang mang lại cho chị cảm xúc thế nào để kể những câu chuyện về thời trang qua các bộ sưu tập mang âm hưởng dân gian đương đại.
– Sự đồng điệu giữa hội hoạ và thời trang đã được đan xen, gắn kết từ rất lâu và nuôi dưỡng lẫn nhau như một trạng thái cộng sinh. Nghệ thuật luôn được xem như một lĩnh vực chứa đựng lịch sử, văn hoá, con người… và thời trang cũng không phải ngoại lệ. Sự đồng điệu thể hiện rất rõ ở khía cạnh vật lý, cùng là bảng màu, cùng là hình, cùng là khối và còn ở khía cạnh khi cùng tạo nên câu chuyện của tác giả và người thưởng lãm. Có chăng, sự khác nhau nằm ở không gian thể hiện, hội hoạ là hai chiều và thời trang là ba chiều và ở mục đích sử dụng mà thôi.
*Với cách nhìn thời trang không phải chỉ là trang phục mà là một câu chuyện, chị gửi gắm thế nào qua các bộ sưu tập?
– Nghệ thuật ăn mặc là thứ có khả năng “kể” những điều mà chúng ta muốn truyền tải đến thế giới. Chỉ qua bộ trang phục, chúng ta có thể đoán được phần nào tính cách, cá tính hay cách mà muốn người đối diện nhận diện được mình – tôi muốn nói gì, tôi đến từ đâu… Và những thiết kế thuần Việt như chiếc áo dài, áo bà ba…, hay các phom dáng biến tấu chính là câu chữ giúp Thuỷ cấu thành câu chuyện mà mình muốn kể với thế giới. Chứ thời trang, trang phục không chỉ đơn thuần là mảnh vải khoác lên người.
Ở bộ sưu tập “Lúng liếng”, tôi muốn đưa sức sống đương đại vào các thực hành của mình. Khi bóc tách từng thiết kế và bộ sưu tập, người xem sẽ thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đong đầy chất thơ nhưng vẫn rất năng động, sáng tạo.
Hay như ở triển lãm “Mộng bình thường”, qua không gian “Đôi vầng nhật nguyệt”, tôi muốn kể về sự song hành của những điều tương phản trong cuộc sống, dù là tốt hay xấu, sáng hay tối, trắng hay đen…
*Chị làm thế nào để thu hút sự quan tâm của giới trẻ với xu hướng thời trang đương đại mang màu sắc dân gian?
– Có nhà thiết kế khiến bạn hứng thú vì cách họ truyền tải những thông điệp mang tính ý niệm, cũng có nhà thiết kế lại kết nối với bạn nhờ những bộ trang phục chú trọng vào tính ứng dụng cao. Tất cả đều là cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân.
Khi chúng ta nhìn một bộ sưu tập và nhà thiết kế trong một bối cảnh rộng hơn, không chỉ trên sàn diễn và cửa hàng, thì mọi thứ trở nên thú vị và thử thách hơn rất nhiều. Bối cảnh có thể là chặng đường sự nghiệp của nhà thiết kế hay bối cảnh của ngành thời trang trong xã hội, văn hoá đương đại. Dân gian là yếu tố lịch sử mà mình đã có sẵn trong dòng máu, trong gia đình, đôi khi vì hiện đại che khuất khiến chúng ta lãng quên. Việc của tôi chỉ là vén tấm màn ngăn cách giữa “cũ” và “mới”, để các bạn trẻ thì không thấy mình già nua, thế hệ sau không thấy mình bị vượt quá giới hạn. Có chăng, tôi chỉ là người “đánh thức” tình yêu của các bạn trẻ với thời trang và dân gian.
*Góc nhìn của chị về thời trang xanh, tuần hoàn trong xu hướng tất yếu hiện nay?
– Tái chế không chỉ là việc của thời trang, mà đó là việc của toàn xã hội, của cả một thời đại văn minh ngày nay, và thời trang cũng không đứng ngoài. Mục đích của tái chế là giảm thiểu tác hại của hoạt động sản xuất với môi trường. Có nhiều chất liệu có nguồn gốc gần gũi với môi trường như: lanh, đũi, tơ tằm… nhưng lại không “thân thiện” với hoạt động sáng tạo: khó xử lý, chi phí cao, tính ứng dụng kém… Và có những chất liệu nhân tạo, tốn nhiều nguyên liệu để tạo thành, nhưng bù lại rất dễ chế tác. Tôi luôn phải cân đo giữa thoả sức sáng tạo và gìn giữ môi trường. Và sức ép phải kết hợp các yếu tố với nhau có tổ chức, đạt được hiệu quả thẩm mỹ, ứng dụng nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững đã trở thành động lực làm việc cho tôi và Thuy Design House.
*Những dự định mới về thời trang và nghệ thuật đương đại của Thuy Design House?
– Hiện tại, Thuy Design House đang thực hiện bộ sưu tập mới, vẫn là những cảm hứng đậm nét Việt Nam, đợi tới thời điểm thích hợp sẽ giới thiệu với khán giả. Bên cạnh đó, tại lĩnh vực nghệ thuật, Thuỷ cũng đang từng bước chuẩn bị cho những dự án “vượt biển lớn”. Qua cách “kể chuyện” của thời trang và nghệ thuật, tôi mong muốn có thể khơi gợi nhiều hơn tình yêu dân tộc ở các bạn trẻ Việt, từ đó có thêm nhiều câu chuyện, chất liệu dân gian được kể hơn.
* Trân trọng cảm ơn Nhà thiết kế và chúc cho những kế hoạch của Thủy Nguyễn tiếp tục gặt hái nhiều thành công!
Bài: Giang Nguyễn (thực hiện)