Cách lựa chọn trang phục ảnh hưởng đến độ hấp dẫn của bạn như thế nào?


Nhiều nghiên cứu về tâm lý chỉ ra rằng những lựa chọn trang phục có khả năng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của người mặc với những người xung quanh.

Cách lựa chọn trang phục có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, ấn tượng mà cá nhân đem lại cho người xung quanh và cách người khác cư xử với bạn. Nhiều cuộc khảo sát tâm lý đã đưa ra kết quả đáng ngạc nhiên, cho thấy tác động thực sự của việc lựa chọn quần áo đến cách mà con người cảm nhận, đánh giá lẫn nhau. Các nghiên cứu còn tiết lộ phong cách thời trang có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút người khác trong các buổi hẹn hò.

VÌ SAO VIỆC LỰA CHỌN TRANG PHỤC CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG?

Những bộ trang phục ban sơ không có khả năng ảnh hưởng đến việc “phô diễn” tính cách cá nhân của từng người như ngày nay. Nhờ các tiến bộ về nhận thức và khoa học kỹ thuật qua nhiều thế kỷ, những chọn lựa về thời trang với khả năng bổ trợ cho diện mạo của con người ngày càng trở nên quan trọng.

(Ảnh: @heyhegia)

Trong những nền văn minh sơ khởi, mục đích chính của quần áo là giữ cho con người ấm áp và khô ráo. Ngày nay, khoa học kỹ thuật đảm nhận trách nhiệm này, làm giảm sự phụ thuộc của con người vào quần áo để duy trì sự tồn tại. Quần áo đã phát triển từ một tài sản thiết yếu đến một dấu hiệu của xã hội: chúng ảnh hưởng đến cách con người nhìn nhận bản thân. Trang phục giúp con người biểu hiện bản thân theo hình ảnh mà mình mong muốn, đồng thời làm nổi bật tính cách của mỗi người.

(Ảnh: @prettylittlefawn)

Trong nhiều xã hội, việc lựa chọn trang phục giúp thể hiện sự giàu có và sở thích cá nhân. Nhà kinh tế Georgie Taylor đã chứng minh điều này một cách sinh động với Chỉ số Gấu quần (Hemline Index). Taylor nhận thấy, khi một quốc gia bước vào thời kỳ suy thoái, xã hội bắt đầu thích ứng với thói quen chi tiêu hà khắc, phụ nữ thường thể hiện sự ưu tiên đối với các trang phục dài. Ngược lại, trong giai đoạn thịnh vượng, độ dài gấu váy thường có xu hướng trở nên ngắn hơn.

Khả năng sáng tạo và lựa chọn trang phục cũng giúp ích cho con người trong việc tách biệt bản thân với đám đông và thể hiện tính cách cá nhân. Ngược lại, con người cũng có thể sử dụng các loại đồng phục như một phương tiện để hòa nhập và che giấu cá tính của mình.

LỰA CHỌN TRANG PHỤC GIÚP GÂY ẤN TƯỢNG VỚI NGƯỜI KHÁC?

Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh những người mặc trang phục có màu khác nhau và sau đó, yêu cầu nhóm người tham gia đánh giá mức độ hấp dẫn của họ. Kết quả cho thấy, màu sắc trang phục ảnh hưởng đến cách mà nam giới đánh giá sức hấp dẫn của cả hai phái. Phụ nữ cũng dựa trên những màu sắc này đánh giá sức hấp dẫn của nam giới. Điều thú vị là màu của quần áo không ảnh hưởng đến sự phán xét của nữ giới với nhau (theo nghiên cứu của Roberts và cộng sự vào năm 2000).

Các nghiên cứu cũng chỉ ra màu sắc có thể đem lại nhiều ưu thế hơn cho người mặc. Roberts và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng những người tham gia có xu hướng đánh giá mức độ hấp dẫn của người mặc trang phục màu đỏ cao hơn so với các loại màu sắc khác.

(Ảnh: @themakatka)

Nghiên cứu của Guéguen và Jacob vào năm 2010 cũng đưa ra phát hiện tương tự. Khi các nhân viên nữ mặc áo thun có màu sắc khác nhau làm việc trong một nhà hàng, nam giới có khuynh hướng để lại tiền thưởng cao hơn cho những người mặc áo đỏ. Tuy vậy, màu sắc trang phục không ảnh hưởng đến những vị khách nữ.

Màu sắc không phải là yếu tố duy nhất được sử dụng trong việc đánh giá một con người dựa trên yếu tố trang phục. Vào năm 1986, Timothy Brown và các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Tâm lý học tại Đại học Old Dominion đã xem xét ảnh hưởng của quần áo lên sự phán xét của sinh viên đại học về sức hấp dẫn và sự nam tính hay nữ tính của các giới.

(Ảnh: @fengwanstheorem)

Brown nhận thấy rằng, đối với cả hai giới, bên cạnh phong cách ăn mặc, những cử chỉ, dáng điệu hay cách di chuyển đều có ảnh hưởng đến vẻ nam tính hay nữ tính của họ trong cảm nhận của người khác. Thực chất, chúng đều có liên quan đến sự phán xét của con người về mức độ hấp dẫn hay thu hút của những người xung quanh. Đặc biệt ở nam giới, quần áo bó sát khiến các nhận thức về sự nam tính tăng cao hơn các loại quần áo rộng thùng thình.

(Ảnh: @lovinyoyo)

Các nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra, lựa chọn trang phục phải tuân theo các giá trị văn hóa của xã hội của từng đối tượng. Ví dụ như tùy thuộc vào từng quốc gia, mỗi màu sắc sẽ có cách lý giải khác nhau và nhận được các phản hồi khác nhau. Việc lựa chọn trang phục cũng hiếm khi là yếu tố quyết định duy nhất về cách mọi người được nhìn nhận, đơn cử như ngôn ngữ cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của người khác theo nghiên cứu của Timothy Brown đưa ra.

(Ảnh: @savislook)

Hoàng Hân (tổng hợp)


Các tin khác