Bản tin pháp luật Tháng 11/2021 (Số 130)


Bản tin pháp luật Tháng 11/2021 (Số 130)

  1. NGHỊ ĐỊNH:
  2. Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Theo đó, quy định về Giấy chứng nhận (GCN) bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:

– Doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm.

– GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:

+  Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

+  Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);

+ Địa chỉ tài sản được bảo hiểm;

+ Tài sản được bảo hiểm;

+ Số tiền bảo hiểm;

+ Mức khấu trừ bảo hiểm;

+ Thời hạn bảo hiểm;

+ Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm;

+ Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm; (Nội dung mới bổ sung)

+ Ngày, tháng, năm cấp GCN bảo hiểm.

– Trường hợp cấp GCN bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;

GCN bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung như trên.

Như vậy, thay vì áp dụng mẫu GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế GCN này.

Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/12/2021.

  1. Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP

Theo đó, bổ sung 02 mặt hàng hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% gồm

– Quả và hạt có dầu để làm giống có Mã hàng là 9805.00.00 vào Danh mục nhóm hàng từ 98.01 đến 98.48 và nhóm hàng 98.50, 98.51, 98.52 tại điểm 1 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020.

Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 1207.30.00, 1207.40.90, 1207.50.00, 1207.60.00, 1207.70.00, 1207.91.00, 1207.99.40, 1207.99.50, 1207.99.90.

– Engine ECU, loại sử dụng cho xe có động cơ có Mã hàng 9849.46.00 vào Danh mục nhóm hàng 98.49 tại điểm 2 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020.

Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 8537.10.99.

Đồng thời, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2020:

– Phụ lục I – Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế;

– Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.

            Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2021.

  1. Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh sổ xố; quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập

Theo đó, quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm (thay vì 01 năm như hiện hành tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Bên cạnh đó, bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định.

Mức phạt đối với hành vi nêu trên là từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Mức phạt vừa nêu cũng được áp dụng đối với các hành vi sau đây:

– Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

– Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

– Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

– Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế.

Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. (Nội dung mới so với hiện hành).

Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

  1. THÔNG TƯ:
  2. Thông tư số 14/2021/TT-BCT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại

Theo đó, quy định biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp như sau:

– Xem xét lợi ích kinh tế – xã hội:

+ Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp: Nếu dựa trên các thông tin sẵn có trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra kết luận rõ ràng rằng việc áp dụng biện pháp không phù hợp với lợi ích kinh tế – xã hội.

+ Khi đánh giá lợi ích kinh tế – xã hội, dựa trên các thông tin có liên quan được cung cấp, Cơ quan điều tra: Sẽ xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội có liên quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, tiêu dùng hàng hóa bị điều tra.

– Quy tắc thuế suất thấp hơn:

+ Thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp không được cao hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp.

+ Căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ xem xét áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thấp hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021.

  1. Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

Theo đó, giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ là 10 triệu đồng; chứng quyền có bảo đảm là 5 triệu đồng. Đối với giá dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ là 0,15% trên tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp, loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa 150 triệu đồng/01 cuộc bán đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ và tối thiểu là 20 triệu đồng/01 cuộc đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ.

Bên cạnh đó, mức giá dịch vụ quản lý giao dịch vay và cho vay chứng khoán là 0,027% giá trị khoản vay tại ngày xác lập hợp đồng vay đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có bảo đảm, tối thiểu 500.000 đồng đối với vay hỗ trợ thanh toán,…

Ngoài ra, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán thu bằng đồng Việt Nam; đối với trái phiếu Chính phủ ngoại tệ, giá dịch vụ được tính toán trên cơ sở quy định từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo bình quân các mức tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong tháng có phát sinh dịch vụ liên quan đến trái phiếu Chính phủ ngoại tệ.

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kề từ ngày 01/01/2022.

  1. 4. Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất

Theo đó, hồ sơ dự sơ tuyển của nhà đầu tư được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau: Có bản gốc hồ sơ dự sơ tuyển; Có đơn dự sơ tuyển được đại diện hợp pháp của nhà đầu tư ký tên, đóng dấu; Trường hợp liên danh, có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu; Nhà đầu tư không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự sơ tuyển với tư cách là nhà đầu tư độc lập hoặc thành viên liên danh; Nhà đầu tư không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định về đầu tư PPP;…

Cụ thể, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án như sau: Năng lực về tài chính chiếm tỷ trọng 50 – 60% tổng số điểm; Kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 40 – 50% tổng số điểm. Các dự án, gói thầu nhà đầu tư thực hiện phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo hợp đồng đã ký kết mới được xem xét, đánh giá.

Ngoài ra, danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, danh mục dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày danh mục dự án được phê duyệt hoặc kể từ ngày yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được phê duyệt.

            Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

III. QUYẾT ĐỊNH:

  1. Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Đại dịch Covid-19

Theo đó, sẽ hỗ trợ cho NLĐ làm việc theo HĐLĐ phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau:

– Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19;

– Do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19;

Hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng;

Hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ;

Hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19.

(Trước đó, tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ là NLĐ làm việc tại cơ sở tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (06/11/2021).

 

           


Các tin khác