Bản tin pháp luật Tháng 02/2022 (Số 133)
Bản tin pháp luật Tháng 02/2022 (Số 133)
- NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Theo đó,
* Giảm thuế GTGT
– Giảm thuế GTGT cho các hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
– Mức giảm 2% đối phương pháp khấu trừ hoặc 20% theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.
– Thời gian thực hiện bắt đầu từ 01/02 đến hết 31/12/2022.
* Các khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho phòng, chống dịch Covid-19 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ 2022
– DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
– Nếu công ty mẹ nhận ủng hộ, tài trợ của đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thì hoạt động ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và đơn vị thành viên đều được tính vào chi phí trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tương ứng.
– Chỉ được hưởng chính sách này nếu các khoản ủng hộ, tài trợ được chuyển cho các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022.
- THÔNG TƯ:
- Thông tư số 07/2022/TT-BTC ngày 09/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Theo đó,
– “Nợ và tài sản loại trừ” là các khoản nợ, tài sản không tính vào giá trị DN, ĐVSNCL chuyển đổi sở hữu, được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong quyết định công bố giá trị DN, ĐVSNCL thuộc đối tượng bàn giao về Cty Mua bán nợ theo quy định về chuyển đổi sở hữu DN, ĐVSNCL (K2.Đ3)
– Một trong những đối tượng áp dụng của Thông tư này là: DN, tổ chức đang giữ hộ tài sản, nợ loại trừ không tính vào giá trị DN khi chuyển đổi sở hữu DN theo quy định pháp luật.
– Nguyên tắc bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản (Điều 4):
+ Phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ (đối với nợ), có hiện vật (đối với tài sản);
+ Được thực hiện căn cứ vào quyết định công bố giá trị DN, ĐVSNCL của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
+ Phải lập biên bản bàn giao theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, có xác nhận của các bên (cơ quan đại diện chủ sở hữu; DN, ĐVSNCL, Cty Mua bán nợ).
+ DN, ĐVSNCL thực hiện xử lý tài chính đối với nợ và tài sản loại trừ theo quy định của pháp luật đối với từng hình thức chuyển đổi sở hữu.
– Nội dung bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản (Điều 5): DN, ĐVSNCL tiến hành phân loại các khoản nợ, phân loại tài sản.
– Trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận thực hiện theo Điều 6.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2022 và thay thế Thông tư số 55/2019/TT-BTC.
- Thông tư số 08/2022/TT-BTC ngày 09/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư
Theo đó, các dự án có sử dụng đất, dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật sẽ có các nguồn chi, thu sau:
– Các khoản chi bao gồm:
+ Chi lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
+ Chi đáng giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
+ Chi thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
+ Chi giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư về kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
=> Định mức các khoản chi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).
Việc quản lý chi trong lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, dự án phải tổ chức đầu thầu theo quy định pháp luật thực hiện theo quy định tại Chương III của Thông tư này.
– Các khoản thu bao gồm: Thu từ tiền bán hồ sơ mời thầu và các khoản thu khác (nếu có) sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế được bên mời thầu nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/03/2022 và thay thế phần quy định về chi phí lựa chọn nhà đầu tư theo Thông tư số 88/2018/TT-BTC.
- Thông tư số 09/2022/TT-BTC ngày 14/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 153/2014/TT-BTC ngày 20/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Theo đó, nội dung chính của Thông tư này là sửa đổi điều kiện xem xét, thẩm tra, chấp thuận khoản vay nước ngoài, đơn cử như:
– Dự án sử dụng khoản vay nước ngoài phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp (Hiện hành, dự án đầu tư nằm trong kế hoạch đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
– Cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phê duyệt chủ trương khoản vay nước ngoài (Hiện hành, chủ sở hữu đã phê duyệt chủ trương vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả).
– Bên cho vay đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cung cấp khoản vay nước ngoài (Hiện hành, có phương án tài chính đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài đã được Chủ sở hữu thẩm định, phê duyệt).
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2022.
- Thông tư số 10/2022/TT-BTC ngày 14/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước
Theo đó, tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước là việc doanh nghiệp thu thập, phân loại, tổng hợp và trình bày thông tin tài chính nhằm minh họa ảnh hưởng của sự kiện hoặc giao dịch trọng yếu đối với thông tin tài chính chưa điều chỉnh của doanh nghiệp nếu giả định sự kiện đã xảy ra hoặc giao dịch đã được thực hiện tại thời điểm lựa chọn.
Việc tổng hợp thông tin này bao gồm các bước sau:
– Xác định nguồn thông tin tài chính chưa điều chỉnh được sử dụng để tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước;
– Ghi nhận các điều chỉnh theo quy ước vào thông tin tài chính chưa điều chỉnh cho mục đích trình bày thông tin tài chính theo quy ước. Các điều chỉnh theo quy ước bao gồm:
+ Các điều chỉnh đối với thông tin tài chính chưa điều chỉnh để minh họa cho ảnh hưởng của sự kiện hoặc giao dịch trọng yếu nếu giả định sự kiện đã xảy ra hoặc giao dịch đã được thực hiện tại một ngày trước đó được chọn cho mục đích minh họa;
+ Các điều chỉnh đối với thông tin tài chính chưa điều chỉnh mà cần thiết cho việc tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước trên cơ sở nhất quán với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng của đơn vị báo cáo và với chính sách kế toán phù hợp với khuôn khổ đó.
– Trình bày kết quả thông tin tài chính theo quy ước và những thuyết minh kèm theo.
Các quy định của Thông tư này chỉ áp dụng đối với DN phải lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính quy ước theo quy định tại Điều 31, 35, 113, 114, 115, 116 của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên các doanh nghiệp khác có thể vận dụng nếu có nhu cầu).
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2022.
- Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Theo đó,
– Sau khi có quyết định về việc đấu giá phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của DN có tài sản đấu giá và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản trong thời hạn ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn về việc lựa chọn tổ chức đấu giá với đầy đủ tiêu chí quy định tại Điều 3 và hướng dẫn tại Phụ lục 1 Thông tư này.
– DN có tài sản đấu giá tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá hoặc hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá và tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá.
– DN có tài sản đấu giá căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá để chấm điểm theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục I Thông tư này. Tổ chức đấu giá được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất. Trường hợp có từ 2 tổ chức có tổng số điểm bằng nhau thì DN có tài sản đấu giá tự quyết định.
(Các trường hợp người ĐDPL, đấu giá viên của tổ chức đấu giá có vi phạm thì xử lý theo quy định tại khoản 4,5,6,7,8 Điều 5 Thông tư này).
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả lựa chọn, DN có tài sản đấu giá thông báo công khai kết quả lựa chọn trên trang thông tin điện tử của mình (nếu có) và Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư này.
(Hủy kết quả đấu giá thực hiện theo quy định tại khoản 2,3,4 Điều 6 Thông tư này).
– DN có tài sản đấu ra có quyền từ chối đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư này.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/03/2022.
- Thông tư số 02/2022/TT-BYT ngày 18/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-COV-2
Theo đó, mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:
– Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (Hiện hành, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm).
– Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (Hiện hành, mức thanh toán tối đa không quá 186.600 đồng/xét nghiệm).
– Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
+ Trường hợp mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng xét nghiệm (Hiện hành, mức thanh toán tối đa không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
+ Trường hợp gộp mẫu: Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại cột 2 mục IV Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/02/2022 và thay thế Thông tư số 16/2021/TT-BYT.
- Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
Theo đó, nội dung của Thông tư gồm 04 chương: Chương 1 quy định chung, Chương 2 cách xác định xuất xứ hàng hoá, Chương 3 chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hoá và Chương 4 điều khoản thi hành.
Về cơ bản thì nội dung về xuất xứ hàng hoá của RCEP không có nhiều khác biệt so với Hiệp định ATIGA và các Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên. Chính vì vậy, nội dung Thông tư này cũng không có nhiều khác biệt so với các quy định trước đây:
Hàng hoá có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ RCEP khi có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp theo quy định của Thông tư này.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2022.
III. NGHỊ QUYẾT:
- Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình
Theo đó, mục tiêu chính là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng một số biện pháp hỗ trợ thực hiện chủ yếu trong năm 2022, 2023 hoặc có thể kéo dài hơn.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
– Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh:
+ Mở cửa theo lộ trình một số ngành dịch vụ;
+ Điều chỉnh hướng dẫn về đi lại, di chuyển của NLĐ, lưu thông hàng hoá, sản xuất an toàn, liên tục;
+ Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao năng lực y tế dự phòng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.
– Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm:
+ Hỗ trợ 3 tháng tiền nhà cho NLĐ có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ. Thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
+ Cho vay ưu đãi để duy trì việc làm, mở rộng việc làm với tổng 10.000 tỷ đồng. Cho vay để thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà xã hội với tổng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng.
+ Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến với tổng nguồn vốn là 3.000 tỷ đồng.
+ Tiếp tục tái cấp vốn để NH chính sách xã hội vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
+ Xây dựng, cải tạo, mở rộng, hiện đại hoá cơ sở đào tạo, dạy nghề.
– Hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh:
+ Áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (cụ thể theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP).
+ Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 với DN, đơn vị được NN cho thuê đất trực tiếp phải ngừng SXKD do ảnh hưởng Covid-19.
+ Gia hạn thời hạn tiền thuế TNDN, TNCN, GTGT, TTĐB, tiền thuê đất trong năm 2022.
+ Hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm (2022, 2023) cho các khoản vay qua NHTM đối với khoản vay cho DN có khả năng trả nợ, phục hồi trong các ngành công nghiệp, chế biến-chế tạo.
+ Phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5%-1% trong năm 2022, 2023.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (30/01/2022). Hiện tại đã có Nghị định 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết này.