Bản tin Pháp luật tháng 01/2020 (số 109)


NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Theo đó, Chính phủ bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công:

  • Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt;
  • Chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt;
  • Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR);
  • Các tác động kinh tế – xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên);
  • Các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Nghị định 01/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nghị định số 07/2020/NĐ-CP ngày 05/01/2020 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Asean- Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019-2022.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (AHKFTA) phải đáp ứng đủ 04 điều kiện là: Thuộc trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc; hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu; hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có C/O mẫu AHK theo quy định.

Trong đó, hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu được hiểu là hàng hóa được chuyển giữa 02 nước thành viên hoặc trung gian qua nhiều nước thành viên hoặc qua 01 nước không là thành viên. Đối với trường hợp hàng hóa trung gian qua nhiều nước thành viên hoặc qua 01 nước không là thành viên thì phải đáp ứng các điều kiện: Hàng hóa quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lý hoặc yêu cầu vận tải; không tham gia giao dịch thương mại, không tiêu thụ tại đó; không qua giai đoạn gia công, chế biến nào khác.

Nghị định 07/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/02/2020.

 THÔNG TƯ

Thông tư số 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

So với Thông tư 06/2016/TT-BXD thì Thông tư 09 đã hướng dẫn chi tiết về “chi phí gián tiếp“ trong thành phần “chi phí xây dựng” của nội dung dự toán xây dựng.

Thay đổi này là phù hợp với quy định mới về thành phần các loại chi phí trong nội dung dự toán xây dựng tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019.

Cụ thể, chi phí gián tiếp trong thành phần “chi phí xây dựng” sẽ bao gồm:

  • Chi phí chung: Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp; chi phí quản lý, điều hành sản xuất tại công trường; chi phí bảo hiểm cho NLĐ do người sử dụng lao động nộp;
  • Chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công;
  • Chi phí một số công việc không xác định được khối lượng từ thiết kế;
  • Chi phí gián tiếp khác.

Thông tư 09/2019/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2020 và thay thế Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016.

Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây Dựng ban hành định mức xây dựng.

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 10/2019/TT-BXD là các loại định mức sau đây:

  • Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình;
  • Định mức dự toán xây dựng công trình;
  • Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình;
  • Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ;
  • Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
  • Định mức sử dụng vật liệu xây dựng.

Những định mức này được áp dụng vào việc xác định chi phí đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thông tư 10/2019/TT-BXD có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.

Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây Dựng hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Theo đó, chi phí tư vấn được xác định dựa trên cơ sở mức tỷ lệ phần trăm tương ứng với quy mô chi phí xây dựng, quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và thiết bị. Đối với trường hợp lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì chi phí lập hồ sơ này được bổ sung vào chi phí tư vấn và xác định bằng lập dự toán nhưng tối đa bằng 15% chi phí tư vấn xác định theo định mức đã quy định.

Trong trường hợp, thuê cá nhân, tổ chức tư vấn thực hiện một số yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình thì chi phí này được xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung, công việc thực hiện. Đối với trường hợp thuê tổ chức tư vấn trong nước phối hợp với chuyên gia tư vấn nước ngoài thì chi phí thuê tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí nhưng tối đa là 02 lần mức chi phí theo quy định của pháp luật.

Thông tư 16/2019/TT-BXD hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

Thông tư số 18/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây Dựng ban hành định mức xây dựng.

Theo đó, quy đổi vốn đầu tư xây dựng là quy đổi các khoản mục chi phí gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

Cần chú ý, quy đổi vốn đầu tư xây dựng phải phản ánh đủ các chi phí đầu tư đã thực hiện của dự án đầu tư xây dựng về thời điểm quy đổi. Trường hợp giá trị sau khi quy đổi nhỏ hơn giá trị đầu tư đã thực hiện được quyết toán thì sử dụng giá trị quyết toán chi phí đầu tư là giá trị quy đổi. Đối với dự án đầu tư xây dựng có chi phí lãi vay trong quá trình đầu tư thì chi phí này được giữ nguyên vào giá trị quy đổi của công trình.

Bên cạnh đó, báo cáo quy đổi vốn đầu tư xây dựng được lập với hồ sơ quyết toán để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng.

Thông tư 18/2019/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

Ban Tổng hợp – Pháp chế

 


Các tin khác