Bài phát biểu của Chủ tịch HĐQT Vinatex tại “Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022”


Sáng 18/9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022” với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc.

Tham gia chủ tọa và điều hành Phiên khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan hữu quan, đại sứ, trưởng cơ quan, tổ chức tế tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Diễn đàn kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu là các học viện, trường đại học trong nước, là cơ hội để các sinh viên, học viên trau dồi thêm khả năng học tập, nghiên cứu và hiểu biết về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế – Xã hội năm 2022. Ảnh: Đại biểu nhân dân

Diễn đàn diễn ra trong một ngày. Sau lễ khai mạc, buổi sáng diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề gồm: “Đẩy mạnh cải cách thể chế – Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế”; “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.”

Chiều cùng ngày, diễn ra phiên họp toàn thể (tọa đàm cấp cao) chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Tại đây, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có bài phát biểu tham luận. BBT Cổng thông tin điện tử Vinatex trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài phát biểu.

Thay mặt cho một ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trân trọng mang tới diễn đàn nội dung có tính chất tổng kết hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngành xuất khẩu như dệt may trong giai đoạn vừa qua cũng như nhận diện những thách thức trước mắt và đề xuất một số kiến nghị để có thể giải quyết được tình huống rất đặc biệt của kinh tế thế giới đang diễn ra đối với những ngành xuất khẩu.

Đối với các ngành xuất khẩu nói chung thì việc tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào tổng cầu của thế giới. Quý 4 năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 giai đoạn tăng trưởng tốt và tận dụng được cơ hội như của ngành dệt may, trong đó ảnh hưởng rất quan trọng từ chính sách điều tiết vĩ mô.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có. Lần đầu tiên, chúng ta tăng trưởng tới 20% trong 8 tháng đầu năm. Điểm đặc biệt, 8 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan tất cả nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may chỉ rơi vào khoảng độ 13 tỷ USD (sau khi loại trừ khoảng trên 1,5 tỷ USD phụ liệu cho ngành giày da). Như vậy, ngành dệt may đã tạo ra 17 tỉ USD, thặng dư thương mại từ xuất khẩu và trong số này chỉ có khoảng 6,5 tỷ USD là tiền lương cho người lao động còn lại là gần 11 tỷ USD là việc mua các nguồn nguyên liệu, phụ liệu ở trong nước. Tức là bên cạnh việc tạo kim ngạch, ngành dệt may còn tạo động lực để phục hồi nhiều doanh nghiệp ở các loại hình khác nhau.

Từ trước đến nay, dệt may chỉ đạt  tỉ lệ nội địa hóa khoảng 50% thì 8 tháng đầu năm nay chúng ta đạt tỷ lệ nội địa hóa là 57%, đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025 và cũng trong nhiều năm, theo thống kê, tuy dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của dệt may luôn luôn đứng thứ nhất. Ngay  năm 2021 cũng đạt khoảng 20 tỷ USD. Như vậy, thành công của chúng ta là chính sách vĩ mô đã giúp doanh nghiệp bắt nhịp kịp thời với tổng cầu của thế giới khi các nước đều mở cửa trở lại sau đại dịch.

Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Chính vì thế, 6 tháng đầu năm, chúng ta tận dụng được cơ hội này rất lớn, đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao. Đây là phản ứng tích cực từ chính sách, trong đó việc vừa mở cửa, vừa có chính sách hỗ trợ để người lao động quay trở lại doanh nghiệp nhanh nhất, phục hồi thị trường lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phải đóng cửa phòng chống dịch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà khi người lao động quay trở lại sản xuất…, các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may đã thu được lợi ích, thể hiện rõ nét trong hiệu quả sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng cao, tiếp tục cải thiện thị phần và chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, đến nay, những dư địa chính sách đã thực hiện sớm đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Các nước cũng đã mở cửa, trở lại sản xuất bình thường, triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như ở Bangladesh, Ấn Độ…

Trong khi đó, thị trường thế giới lại diễn ra xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên lạnh”, cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021, nhưng giá hàng hóa dệt may lại giảm giá 9%. Hàng hoá tồn kho tăng rất cao. Có thể thấy, nếu trong 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất được 3,7 đến 3,8 tỷ USD bình quân thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 đến 3,2 tỷ USD.

Đồng thời do kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao, cho nên so tương quan xuất khẩu với các nước như n Độ giảm 8% Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD thì các ngành xuất khẩu Việt Nam lại mất lợi thế về giá trong điều kiện cầu thế giới chuyển thấp đột ngột. Chính vì vậy, chúng tôi thống nhất cao dự báo 4 tháng cuối năm 2022 và xu hướng  năm 2023 thị trường khá trầm lắng như trong báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường phát biểu tại phiên họp toàn thể. Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở các dự báo giai đoạn tới đây, chúng tôi xin có một số kiến nghị về tiếp cận chính sách mới trong giai đoạn tới để đảm bảo được phát triển của các ngành có sử dụng nhiều lao động, đồng thời cũng là ngành có thặng dư xuất khẩu tốt.

Thứ nhất là, khi nguồn lực hạn chế, chúng ta cũng cần phải có trọng tâm ưu tiên. Theo tôi, trọng tâm ưu tiên vào các ngành xuất khẩu có lẽ phải xuất phát từ 3 điểm: một là thặng dư, khả năng đem lại xuất siêu cho Việt Nam; hai là khả năng sử dụng lao động; ba là khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa hóa cao, tức là phục hồi ở đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi trong sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là, doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn trong vận dụng chính sách vào thực tiễn. Cụ thể, hiện nay nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu thì vừa nộp VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn. Như vậy, trung bình doanh nghiệp phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

6 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng tốt, lên tới 9,3%, bình quân 1 tháng tăng trên 1.5%, vay được vốn để làm FOB, thì doanh nghiệp dệt may sẵn sàng làm. Nhưng trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8), tăng trưởng tín dụng chỉ tăng bình quân 0.3%/tháng, tương đương khoảng 20% các tháng đầu năm, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó cho nên đã có hiện tượng có đơn hàng FOB mà phải chấp nhận làm gia công không vay được tiền để mua nguyên liệu. Như vậy có nghĩa là sẽ làm cho một loạt các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng, chúng ta không tăng được giá trị gia tăng.

Từ thực tế này, chúng tôi cũng đề nghị nên giải quyết cả 2 hướng: một là mua hàng trong nước để làm xuất khẩu thì hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa; thứ 2 là đối với những ngành hàng vẫn có đơn hàng thì room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh, trong khi hiện nay tất cả khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày trước đây lên 120 đến 150 ngày. Riêng chuyện giãn thời gian đã làm cho nhu cầu vốn lưu động tăng lên, chưa kể chúng ta muốn làm FOB nhiều, vốn lưu động tăng nhưng room lại không có khiến doanh nghiệp rất hạn chế năng lực và cơ hội sản xuất kinh doanh.

Điểm thứ 3 cũng rất đặc biệt, lúc này kinh doanh tỷ suất lợi nhuận thấp, nên các phương án kinh doanh của doanh nghiệp càng khó tiếp cận với ngân hàng. Ngay trong  tiếp cận vốn được giảm lãi suất 2% thì hiện nay như Vinatex mới tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng nguồn vốn gốc. Có một phần khách quan là chúng tôi vay vốn lưu động bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu nên không tiếp cận được chính sách giảm lãi suất này. Chúng tôi đề nghị cân nhắc, xem xét nếu được sự hỗ trợ lãi suất trong khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ sẽ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

Đối với trung hạn, chúng tôi xác định là có hai việc thuộc về đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trước tiên, đây là suất đầu tư lớn, tiếp đó sau này khi đưa vào vận hành thì chi phí cũng rất cao. Bởi tiết kiệm là tiết kiệm cho xã hội, không phải xử lý rác, chất thải…, còn với người sản xuất chắc chắn giá thành sẽ bị đẩy lên, vì thế các dự án đầu tư theo hướng xanh, nếu tiếp cận theo các chuẩn mực ngân hàng kinh doanh bình thường thì đây là những dự án có tỷ suất thu hồi vốn không cao.

Như vậy, cần có chính sách phù hợp với thực tiễn này, bởi vì cộng đồng châu Âu đến đầu năm 2023 cũng sẽ có chính sách chung về mặt hàng thời trang; nước Đức cũng đã có chính sách từ 01/01/2023 quản lý chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn khắt khe về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy là áp dụng doanh nghiệp Đức nhưng ảnh hưởng tới tất cả chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp làm xuất khẩu.

Chúng tôi mong muốn, các ngành xuất khẩu đang đem lại thặng dư tương đối tốt, có sử dụng nguồn lao động lớn, có giá trị gia tăng ở trong nước đạt trên 50% cần được quan tâm xem xét một cách riêng biệt để củng cố năng lực cho khu vực này, vừa tạo dựng việc làm, vừa mang lại thặng dư và đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

BBT


Các tin khác