Áo ngực thông minh có thể phát hiện và điều trị ung thư vú
Công ty khởi nghiệp về lĩnh vực y tế IcosaMed và các sinh viên của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne đang phát triển một loại áo ngực có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư vú – Jessica Owen đưa tin.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, ảnh hưởng tới 2.1 triệu người mỗi năm. Thực tế, vào năm 2018, ước tính khoảng 627.000 phụ nữ đã chết vì căn bệnh này – chiếm khoảng 15% tổng số ca tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Để cải thiện kết quả và khả năng sống sót từ căn bệnh ung thư vú, việc phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng. Mục tiêu được đưa ra là tăng được tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu, cho phép phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện ung thư vú sớm là rất khó khăn. Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ được giáo dục cách phát hiện các dấu hiệu của ung thư vú, nhưng không phải dấu hiệu nào cũng rõ ràng để có thể nhận biết.
Nhưng giờ đây, một công ty khởi nghiệp về y tế có tên gọi IcosaMed cho rằng sẽ có giải pháp về vấn đề này. Công ty hiện đang phát triển một loại Áo ngực thông minh sử dụng công nghệ siêu âm có khả năng phát hiện sớm và điều trị ung thư vú.
Áo ngực thông minh sử dụng công nghệ siêu âm có khả năng phát hiện sớm ung thư vú
Ông Max Boysset, Giám đốc điều hành và là nhà sáng lập IcosaMed cho biết: “Tôi là một dược sĩ và tôi đang làm việc cho ngành công nghiệp y tế. Điều mà tôi khó chịu với ung thư nhất đó là, chỉ có thể trị liệu mà hoàn toàn không có biện pháp phòng ngừa. Vì thế, tôi đã thành lập lên công ty IcosaMed vào năm 2019, nhưng trước đó tôi đã nộp đơn bảo hộ bằng sáng chế về loại quần áo có chứa đầu dò siêu âm nhằm phát hiện, điều trị và ngăn ngừa ung thư”.
Sau đó, ông Boysset đã tìm kiếm đối tác để bắt đầu dự án, trong số đó có các sinh viên của Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne. Các sinh viên đã thiết kế áo ngực này khi họ học môn “Đổi mới và Khởi nghiệp trong ngành Kỹ thuật” trong khóa học thạc sĩ. Nhóm sinh viên đã làm việc chặt chẽ với một đối tác khác để phát triển thành công một sản phẩm có thể bán được trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của công ty mà họ hợp tác.
Nhóm sinh viên nghiên cứu Áo ngực thông minh gồm có Hugo Vuillet, Fatemeh Ghadamieh, Samet Hana và Jules Pochon. Họ đã giành được số điểm cao nhất và nhận được giải thưởng từ một hội đồng tuyển chọn gồm các giáo sư của trường Đại học Bách khoa Liên Bang Lausanne (EPFL). Hệ thống của họ đã chứng minh tính hiệu quả, vì thế IcosaMed đã quyết định tiếp tục hợp tác.
Không giống như công nghệ phát hiện ung thư bằng phóng xạ như hiện nay, công nghệ của IcosaMed phát hiện ung thư bằng sóng siêu âm – giống như công nghệ siêu âm tập trung cường độ cao (HIFU) và siêu âm xung cường độ thấp (LIPU) – để thực hiện quét siêu âm các tế bào ung thư. Sóng siêu âm được tạo ra bằng cảm biến áp điện, là thiết bị chạy bằng năng lượng được tạo ra khi áp suất đưa vào vật liệu áp điện. Công nghệ này cho phép nhóm nghiên cứu thu nhỏ hệ thống phát hiện ung thư trên Áo ngực thông minh, giúp người dùng cảm thấy thoải mái khi mặc và không bị lộ ra bên ngoài. Nếu hệ thống phát hiện một khối tế bào khả nghi, nó sẽ cảnh báo người mặc phải đi gặp chuyên gia.
Ông Boysset cho biết: “Đầu tiên, công nghệ sử dụng siêu âm 3D. Vì vậy, hình ảnh sẽ được chụp theo thời gian và ý tưởng là chụp ít nhất một bức ảnh một ngày. Sau đó, những hình ảnh này được so sánh và cuối cùng bạn có thể phát hiện được chiều hướng phát triển và nhận diện được xem liệu có điều gì bất ổn. Bước thứ hai là sử dụng một mô hình để xác định sự phát triển của tế bào. Các tế bào của khối u phát triển khác với những tế bào khác, chúng hoạt động khác nhau và có thể được phát hiện bằng hình ảnh 3D”.
Các sinh viên của Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne giúp phát triển nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đang xây dựng mẫu thử nghiệm thứ hai với đối tác trong ngành nhằm chứng minh tính khả thi của áo ngực. Hiện tại có rất nhiều giải pháp, ông Boysset cho biết, vấn đề ở đây chỉ là tìm ra một giải pháp phù hợp. Nhưng một khi áo ngực đã được nghiên cứu xong, thì kế hoạch sẽ là bán áo ngực có chứng nhận CE, ban đầu cho các phụ nữ đã mắc bệnh ung thư để họ có thể theo dõi tình trạng bệnh của họ hàng ngày. Sau đó, mở rộng thị trường mục tiêu đến các phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư do di truyền. Cuối cùng, Áo ngực thông minh sẽ được bán cho tất cả phụ nữ.
Sau này, ông Boysset cũng sẽ triển khai kế hoạch không chỉ phát hiện mà còn điều trị bệnh ung thư vú. Công nghệ siêu âm thường được sử dụng để điều trị ung thư như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt và ông hy vọng sẽ tích hợp được điều này vào đồ lót.
Ông khẳng định: “Hiện nay trên thị trường chưa có sản phẩm quần áo nào giúp người mặc phát hiện và điều trị ung thư. Điều tuyệt vời của sóng siêu âm là có thể sử dụng cho cả hai vấn đề này”.
Nếu mọi việc được diễn ra theo đúng kế hoạch, thì Áo ngực thông minh có thể mở đường cho các sản phẩm tiềm năng cao khác sử dụng dệt may thông minh – như là đồ lót và áo lót – để phát hiện và ngăn ngừa các loại bệnh ung thư. Ông Boysset cho biết những loại trang phục này sẽ là bước nghiên cứu tiếp theo, còn kế hoạch hiện tại là gây quỹ và tập trung vào phát hiện và điều trị ung thư vú.
Ông Boysset giải thích: “Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình gây quỹ. Chúng tôi cần tổng cộng 5 triệu CHF (4,25 triệu Bảng Anh) – 2,5 triệu CHF để hoàn thiện mẫu thử nghiệm chức năng mà chúng tôi đã xây dựng với nhà sản xuất công nghệ cao Tuck Duotec và 2,5 triệu CHF cho lần ra mắt thị trường đầu tiên”.
Ông Boysset đang tìm kiếm đối tác trong ngành để hợp tác cả về dệt may và siêu âm. Ông cho biết: “Tôi có các mối quan hệ trong thế giới ngành y, nhưng tôi không biết gì về thế giới ngành dệt may. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ngành dệt may nên nhận thức được những gì chúng tôi đang làm và hoàn toàn xem xét việc hỗ trợ cho dự án này”.
Các sinh viên của EPFL đã hoàn thành khóa học của họ nhưng tiến tới, công ty IcosaMed dự định sẽ tiếp tục làm việc với nhóm thông qua thực tập.
Để biết thêm thông tin về công ty IcosaMed, vui lòng truy cập website https://icosamed.com/
Nguồn:https://www.wtin.com/article/2020/july/060720/smartbra-could-detect-and-treat-breast-cancer/
Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hằng