An toàn – Vệ sinh lao động gắn kết người lao động với doanh nghiệp


Người lao động là tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp. Đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất là nhiệm vụ đầu tiên và luôn được doanh nghiệp chú trọng. Bản thân mỗi người lao động cũng phải nâng cao ý thức, trình độ trong việc bảo đảm an toàn cho chính mình, đồng nghiệp và doanh nghiệp. Để hiểu hơn về công tác bảo đảm an toàn cho người lao động ngành Dệt May, ông Vũ Quang Hùng – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia về an toàn vệ sinh lao động có cuộc trao đổi với Dệt May – Thời trang Việt Nam về nội dung này:

Đảm bảo an toàn tinh thần và thể chất người lao động

PV: Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động (NLĐ) trong những năm gần đây luôn được các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) quan tâm và chú trọng thực hiện. Ngoài các quy định của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, theo ông, doanh nghiệp ngành dệt may cần thực hiện các giải pháp gì để NLĐ được an toàn cả về tinh thần và thể chất?

Ông Vũ Quang Hùng: Luật An toàn – Vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) có hiệu lực từ 01/7/2016 và Luật tác động đến mọi lĩnh vực trong hoạt động SXKD, dịch vụ,… Có thể nói, đến thời điểm hiện tại Luật AT-VSLĐ đã có những quy định rất cụ thể đối với NLĐ và NSDLĐ trong công tác bảo đảm AT-VSLĐ. Đặc biệt, đối với các loại hình doanh nghiệp lớn, loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, Vinatex đã và đang thực hiện rất tốt những quy định của pháp luật hiện hành về AT-VSLĐ.

Tuy nhiên, ngành dệt may là một trong những loại hình doanh nghiệp có quy mô và phạm vi hoạt động lớn, thu hút đông lao động làm việc cho nên chúng ta càng phải chú trọng hơn nữa đến những giải pháp có thể nói là căn cơ để làm sao NLĐ có được một sự an toàn cả mặt tinh thần và thể chất.

Để có được những điều mong muốn về an toàn cả mặt tinh thần và thể chất đòi hỏi Vinatex xác định NLĐ là trung tâm. NLĐ là tài sản vốn quý nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động (NSDLĐ) coi gia đình của NLĐ là trên hết, trong đó tính mạng NLĐ là số một.

Doanh nghiệp cần song song thực hiện các giải pháp thực hiện AT-VSLĐ như: kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm để phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt xây dựng mạng lưới An toàn vệ sinh viên. Nâng cao hiệu quả của công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; bố trí cán bộ chuyên môn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, huấn luyện định kỳ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình quy phạm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các biện pháp làm việc an toàn. Đồng thời, xây dựng quy chế về khen thưởng người làm tốt và cũng có chế tài kỷ luật người vi phạm công tác AT-VSLĐ; động viên kịp thời những người phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, những nguy cơ có thể dẫn tới sự cố, tai nạn trong lao động…

Người quản lý, trưởng các bộ phận có kiến thức và nhận biết mối nguy hại trong sản xuất ở mỗi khâu sẽ có vai trò như thế nào trong phòng ngừa tình huống mất an toàn, thưa ông?

Hiện nay, nói đến vấn đề mất an toàn trong quá trình LĐSX, một điều đáng quan tâm đó là NSDLĐ ở một góc độ nào đó vẫn chưa thật sự quan tâm đến các quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong Luật AT-VSLĐ (cụ thể tại điều 7). Theo như thống kê, tổng hợp và báo cáo từ Bộ LĐTB-XH. Hàng năm, trên phạm vi cả nước, các vụ để mất an toàn dẫn đến tai nạn lao động đáng tiếc đã xảy ra.

Ví dụ: Năm 2022, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động được thống kê như sau: Do NSDLĐ chiếm 39,28%, còn NLĐ là 18,73%. Đó là một nghịch lý ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến công tác AT-VSLĐ.

Với phương châm “Còn an toàn còn tất cả, nếu để mất an toàn là mất hết”. Như vậy, những người quản lý, trưởng các bộ phận của doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm AT-VSLĐ nhằm giảm thiểu về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp… Một khi người quản lý, trưởng các bộ phận có kiến thức cơ bản về AT-VSLĐ, có trách nhiệm và thật sự quan tâm đến vấn đề an toàn trong doanh nghiệp thì NLĐ sẽ trực tiếp phát hiện, đánh giá và kịp thời nhận biết các yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại trong quá trình LĐSX. Do vậy, ngay từ khâu đầu vào, quá trình sản xuất trực tiếp sẽ đưa ra các giải pháp phòng ngừa hiệu quả, xử lý sự cố mất an toàn lao động…

Thưa ông, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ “con người – tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp” nhưng chính NLĐ cùng với thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc các quy định an toàn cũng cần có có những kỹ năng bảo vệ chính bản thân mình?

Đúng vậy. Khi các doanh nghiệp nhận thức và cho rằng “con người – tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp” thì trước tiên cần thổi được cái “hồn” về tầm quan trọng của AT-VSLĐ cho NLĐ, cụ thể đó là 6 quyền và 3 nghĩa vụ của NLĐ trong việc thực hiện AT-VSLĐ.

Cụ thể 6 quyền của NLĐ là: (1) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; (2) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; (3) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (4) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (5) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; (6) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Cụ thể 3 nghĩa vụ của NLĐ gồm: (1) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; (2) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; (3) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, NLĐ có được kiến thức cơ bản sẽ chuyển biến về mặt hành động, trách nhiệm, tự giác tuân thủ, nghiêm túc thực hiện công tác AT-VSLĐ ở mọi lúc mọi nơi trong quá trình LĐSX. Đó cũng chính là những kỹ năng cần phải có để NLĐ bảo vệ được chính bản thân, đồng nghiệp, doanh nghiệp.

AT-VSLĐ góp phần xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp của Vinatex sử dụng các thiết bị với công nghệ hiện đại, tự động hóa cao trong quá trình sản xuất, nhằm đảm bảo an toàn thì NLĐ cần vận hành thiết bị mới như thế nào?  

Với nền khoa học hiện đại như ngày nay, đặc biệt thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0) đang diễn ra và bùng nổ mạnh mẽ, ứng dụng các loại hình robot, trí tuệ nhân tạo ChatAI, ChatGPT,… Vinatex đầu tư cho mình hành trang với một tâm thế về khoa học kỹ thuật tiên tiến để bước vào một nền Công nghiệp hiện đại là điều tất yếu.

NLĐ được trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với từng nhiệm vụ, công việc. Tất yếu, càng hiện đại, đòi hỏi NLĐ càng phải tuân thủ và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định, thực hiện nghiêm ngặt thao tác kỹ thuật, quy trình, công nghệ, cách thức vận hành. Việc vệ sinh các máy, thiết bị sau mỗi ngày làm việc, định kỳ cũng rất quan trọng.

Khi doanh nghiệp sử dụng máy tự động hoá cao trong quá trình sản xuất thì NSDLĐ cũng nghiêm cấm NLĐ thay đổi thiết bị, thay đổi thao tác vận hành hoặc quá trình công nghệ, không tự ý sử dụng, tháo gỡ, đóng mở các thiết bị điện nếu không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình,…

Chiến lược Xanh hóa để phát triển bền vững cũng đang được ngành Dệt May nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam hướng đến trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện mục tiêu chiến lược này, doanh nghiệp và NLĐ cần triển khai công tác đảm bảo an toàn- vệ sinh lao động theo giá trị nào, thưa ông?

Vinatex đang đi đúng, trúng hướng về một chủ trương rất lớn mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chỉ đạo thực hiện, đó là vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu… Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra hết sức phức tạp và rất khó lường, tác động đến toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng rất lớn về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu và cam kết với các nước tham dự Hội nghị là Việt Nam không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế thuần tuý. Như vậy biến đổi khí hậu nó đang tác động đến môi trường sống, môi trường làm việc, nhất là trong lĩnh vực SXKD.

Thực tế này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để có được môi trường làm việc, sản xuất kinh doanh “Xanh hóa” và “phát triển bền vững” cùng một môi trường lao động văn minh, hiện đại, an toàn. Do vậy, cùng với thực hiện các tiêu chuẩn, quy định về “Xanh hóa”, doanh nghiệp cần tiếp tục tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ thấy được lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm khi thực hiện AT-VSLĐ. Doanh nghiệp và NLĐ chung tay tham gia tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ông nhìn nhận thế nào về giá trị của việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện “Văn hoá doanh nghiệp”?

Trong Điều 20 của Luật AT-VSLĐ có quy định đó là NSDLĐ phải thường xuyên phối hợp với BCH Công đoàn cơ sở để tổ chức cho NLĐ tham gia các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hoá an toàn tại nơi làm việc. Như vậy, mỗi doanh nghiệp từ NSDLĐ và NLĐ cùng nhau thực hiện tốt, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ. Đó cũng chính là thực hiện tốt về công tác AT-VSLĐ, tạo những giá trị cốt lõi để từng bước xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc, các tiêu chí “xanh, sạch, đẹp” cũng là một nét văn hoá của mỗi doanh nghiệp hiện nay. Từ đó, con người sẽ phát huy hết khả năng của mình, vươn tới các giá trị “Chân, Thiện, Mỹ”.

Quan trọng nhất là làm sao doanh nghiệp tạo được một không khí làm việc thật sự vui vẻ, phấn khởi, giảm căng thẳng tại nơi làm việc, các mối quan hệ mọi người trong doanh nghiệp luôn hài hoà và mang đến những yếu tố tích cực. Từ đó góp phần tăng năng suất lao động. Đó chính là nét văn hoá tại nơi làm việc.

Theo tôi, văn hoá doanh nghiệp quyết định đến sự thành bại cũng như khẳng định về “Thương hiệu” bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn đang chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 vừa qua và hậu của Covid-19 để lại.

Với sự bùng nổ bởi cuộc Cách mạng CN 4.0, văn hoá doanh nghiệp đang diễn ra ở hầu hết các nước phát triển trên toàn thế giới. Văn hoá doanh nghiệp tác động mạnh mẽ trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ,… Văn hóa của mỗi đơn vị cũng đặt các doanh nghiệp vào tình trạng cạnh tranh.

Môi trường văn hoá trong doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định, tác động đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và đội ngũ NLĐ, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần “hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ”.

Cuối cùng, nền tảng tinh thần của mỗi doanh nghiệp là “Văn hoá doanh nghiệp”. Đây còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển một cách bền vững của mỗi doanh nghiệp nhất là trong thời đại Cách mạng CN 4.0 ngày nay. Một khi các doanh nghiệp thuộc Vinatex xây dựng được văn hoá an toàn tại nơi làm việc, chắc chắn toàn hệ thống của Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Hoàng Anh – Thanh Thúy (Thực hiện)

 


Các tin khác