Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội khai giảng năm học 2019 – 2020
Sáng ngày 19/9 tại Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019 – 2020 cho sinh viên các khoá đang theo học tại HTU.
Tới dự buổi Lễ, về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có ông Lê Tiến Trường – Phó Bí thư Đảng uỷ, TGĐ Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường HTU, cùng đại diện các ông bà trong Ban điều hành, Trưởng, Phó các Ban chức năng Vinatex; Về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam có ông Lê Nho Thướng – UV BCH TLĐLĐVN, Phó Bí thư Đảng ủy Vinatex, Chủ tịch CĐDMVN; Về phía Đại học HTU có TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng các thầy cô trong BGH, giảng viên, sinh viên tiêu biểu của Nhà trường; đại diện các DN trong ngành Dệt May đang có hợp tác và tài trợ cho Quỹ học bổng của Nhà trường.
Sau khi đọc thư chúc mừng gửi ngành Giáo dục của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, TS. Hoàng Xuân Hiệp đã có những chia sẻ và phát biểu nhân dịp khai giảng năm học mới: “Năm nay là năm thứ 4 Nhà trường tuyển sinh Đại học, và cũng như mọi năm, đã có rất nhiều em tân sinh viên sau khi vào trường đều “choáng váng” bởi khối lượng học. Số lượng bài tập trong 1 tuần học Đại học nhiều như trong 1 tháng học THPT, bài thi tiếng Anh chuẩn Quốc tế dài hơn chục trang giấy. Tuy nhiên, sau một thời gian theo học, các em đã quen được với “guồng học” này. Nhiều em SV cho biết, cách đào tạo của Nhà trường rất khác với THPT bởi lượng kiến thức và cách thức học tập”.
TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU phát biểu khai mạc buổi Lễ
Theo Hiệu trưởng, trước khi năm học 2019 – 2020 khai giảng, Nhà trường đã thực hiện khảo sát đối với 1.136 SV đã tốt nghiệp Cao đẳng năm 2018 và nhận lại được 1.094 câu trả lời nhằm đánh giá kết quả sau đào tạo, cũng như thu thập dữ liệu số lượng sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Theo đó, 94% sinh viên ra trường có việc làm ngay (trong đó 100% SV ngành Công nghệ Kỹ thuật điện – Điện tử có việc làm), 9% học lên trình độ cao hơn, 4% tự khởi nghiệp để kinh doanh. Qua 1 năm, các bạn SV đều được làm ở cấp quản lý, QC, nhân viên kỹ thuật với mức thu nhập bình quân 7,78 tr/người/tháng, tăng gần 1 triệu/tháng so với các bạn tốt nghiệp năm 2017. Thu nhập cao nhất ở các bạn học khoa Công nghệ May với mức lương 50 triệu/tháng; Công nghệ thời trang 9,7tr/người; Công nghệ Sợi – Dệt 8tr/tháng.
Còn đối với những sinh viên Đại học khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp năm 2020, do đó thu nhập sẽ cao hơn trình độ Cao đẳng. Khi được phỏng vấn về điều tiếc nuối nhất trong quá trình học tập tại nhà trường, 100% sinh viên đã ân hận vì trong thời gian theo học tại trường đã không chịu khó tham gia các lớp học tiếng Anh, hoặc học rất chểnh mảng, để khi ra trường và tham gia thị trường lao động, các đồng nghiệp có cùng trình độ chuyên môn nhưng giỏi tiếng Anh hơn đã có mức lương cao hơn gấp rưỡi cho đến gấp đôi. Do đó, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh, sinh viên cần phải “lấy tự học làm cốt”, hay “chuyển đổi quá trình đào tạo thành tự đào tạo”, phải có tư duy để bắt kịp với thực tiễn, DN trong quá trình làm việc và học tập. “Trong quá trình học phải đi tham quan, phải biết được DN cần gì để nắm bắt được công việc để có thể ứng dụng những kiến thức đã học được vào quá trình làm việc tại các DN dệt may hiện nay. Trong không khí náo nức của ngày Khai giảng, tôi xin được bày tỏ niềm vui sâu sắc đối với sự quan tâm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đ/c Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường nói riêng, cảm ơn sự đồng hành của các DN, đối tác trong ngành, sự cống hiến của các thế hệ giảng viên đối với sự phát triển của trường trong những năm qua.” TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Vinatex, Chủ tịch HĐT đánh trống khai giảng năm học 2019 – 2020
Đánh trống khai giảng năm học 2019 – 2020, ông Lê Tiến Trường, TGĐ Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường HTU đã lên lớp bài giảng đầu tiên về chủ đề “CMCN 4.0 và Cơ hội cho lực lượng lao động ngành Dệt May” cho toàn bộ giảng viên và sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Theo ông Lê Tiến Trường, 4 năm học Đại học không phải là một quãng thời gian đầu tư “lãng phí”, phải học làm sao để có thể sử dụng được ngay sau khi ra trường. Đối với các sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất, cần phải trang bị những kỹ năng cho riêng mình, đó là kỹ năng về kiến thức, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ trong bối cảnh công việc hiện nay đã có những đòi hỏi rất khác so với những năm trước đây.
Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Trường đã chia sẻ về cơ hội và thách thức của ngành Dệt May trong những năm qua và các năm tiếp theo. Với quy mô dự kiến năm 2019 xấp xỉ 40 tỷ USD, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về KNXK đối với mặt hàng dệt may. Hiện nay, số lượng lao động trong ngành khoảng 3 triệu lao động, tăng trưởng khoảng 10%, cao hơn trung bình tất cả các ngành chế biến, chế tạo. Theo ông Lê Tiến Trường, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, nhu cầu về lao động có qua đào tạo đối với ngành Dệt May sẽ tăng cao trong những năm tới. Tuy nhiên, đến năm 2030, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng, do đó sẽ có cạnh tranh về lao động, thậm chí có thể thiếu lao động, và ngành Dệt May không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Do vậy, các DN dệt may cần có những chiến lược, cũng như có sự liên kết đối với các trường có đào tạo ngành Dệt May như HTU, để giúp các DN vượt qua khó khăn về nguồn nhân lực có đào tạo.
Lấy dẫn chứng từ những ví dụ thực tiễn, ông Lê Tiến Trường cho rằng, đối với sinh viên Đại học, không phải ai cũng học được đúng ngành nghề yêu thích, hay có niềm thích với nghề mình lựa chọn. Vì vậy, việc tạo ra niềm say mê trong quá trình học là điều tiên quyết để dẫn tới thành công, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực, trau dồi kiến thức quản lý, kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ. “Ba chân kiềng ấy nếu thiếu đi một sẽ không thể thành công. Thành công cá nhân là gắn chặt với tiền lương, tương lai của các em. Đừng để 4 năm học Đại học, ra trường lương kỹ sư bằng 1,5 lần lương công nhân đứng máy. Hãy để lương kỹ sư bằng 5 lần lương công nhân! Nhưng để DN trả lương cao như thế, các em cần có đủ bộ 3 kỹ năng như tôi vừa chia sẻ.” – ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Phượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao Học bổng cho Thủ khoa đầu vào năm học 2019 – 2020
Lãnh đạo Vinatex cùng BGH Nhà trường chụp ảnh cùng các đơn vị tài trợ cho Quỹ học bổng của trường
Tại buổi Lễ, đại diện Nhà trường đã trao Học bổng trị giá 5 triệu đồng cho bạn Đỗ Thị Thanh, SV lớp DDHM10 – K4 – Thủ khoa đầu vào năm 2019 – 2020. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tiếp nhận những tấm lòng của các DN trong ngành Dệt May cho Quỹ học bổng của Nhà trường, với số tiền hơn 670 triệu đồng. Bao gồm: 31 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng/ sinh viên, tương đương 305 triệu đồng, cùng với đó là 35 suất học phí của TNG trị giá 365 triệu đồng dành cho những sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc./.
Bài và ảnh: Quang Nam