Giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may xuất khẩu


Để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tiết giảm được chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức về chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đưa ra tạihội thảo “Giải pháp tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp dệt may”.

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến ngành dệt may khó đảm bảo giao nhận đơn hàng đúng hạn tình trạng thiếu container rỗng, thiếu kho lưu trữ hàng tại cảng đạt tiêu chuẩn của đối tác xuất khẩu và chi phí vận chuyển hãng tàu tăng mạnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dệt may.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Vitas đánh giá, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP… mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường. Tuy nhiên, chi phí logistics lại trở thành rào cản khiến cho doanh nghiệp không thể tận dụng được các FTA. Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát ở phía Nam, các doanh nghiệp dệt may liên tục giao hàng chậm vì các cảng biển, sân bay hạn chế ra vào dẫn tới việc thông thương hàng hóa khó khăn, thiếu lực lượng bốc xếp. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không, khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều. Có trường hợp một doanh nghiệp đã phải tốn chi phí lên tới 1,8 triệu USD để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không..

“Trong thời gian tới, Việt Nam cần có quyết sách phát triển vận chuyển đường biển thương hiệu Việt Nam. Cụ thể phát triển đội tàu container lớn kinh doanh tuyến xa đi châu Mỹ, châu Âu… là những thị trường lớn của ngành hàng dệt may Việt Nam để tránh lệ thuộc vào các đội tàu của nước ngoài”, bà Mai nhấn mạnh.

Đồng hành khách hàng là các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua khó khăn do chi phí logistics tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, Tổng Công ty đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí logistics, thiếu container… “Với mô hình phát triển dịch vụ về gần nhà máy của doanh nghiệp, Tổng Công ty thúc đẩy giải pháp kết nối hàng hóa, giao nhận trực tiếp tại ICD Tân Cảng – Long Bình, ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch đối với những tàu ghé các cảng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng”, bà Lệ cho hay.

Tin tổng hợp


Các tin khác