Vinatex kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đối với ngành dệt may trong triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các cơ quan liên quan về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 68/NQ-CP (gọi tắt là NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 23).
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công ty thuộc Tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất, thậm chí hoàn thành vượt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 khi dịch bệnh dần lan mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh có những diễn biến bất lợi tăng nhanh, lao động tại một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tại phía Nam đã phải tạm thời ngừng việc.
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) với các chính sách của NQ 68 và QĐ 23. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, Tập đoàn đã gặp phải một số vướng mắc trong vấn đề hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại cuộc họp, Tập đoàn đã kiến nghị các nội dung chính với Bộ LĐ-TBXH như sau:
(i) Về đối tượng: do một số doanh nghiệp của Tập đoàn có nhiều chi nhánh, nhà máy thành viên ở các địa phương khác nhau. Công ty mẹ có trụ sở chính nằm ở địa bàn không có dịch bệnh nhưng chi nhánh sản xuất lại đóng tại địa phương phải thực hiện giãn cách, ví dụ Công ty Sợi Phú Bài có trụ sở chính tại khu công nghiệp Phú Bài Thừa Thiên Huế nhưng có chi nhánh nhà máy Sợi Phú Xuyên Hà Nội. Chi nhánh nhà máy Sợi Phú Xuyên không đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án 3 tại chỗ nên phải dừng hoạt động nhưng không được giải quyết chính sách hỗ trợ. Tập đoàn kiến nghị có hướng dẫn trong trường hợp này.
(ii) Tăng mức hỗ trợ NLĐ ngừng việc như đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động.
(iii) Đối với việc đào tạo người lao động: kiến nghị giao cho Tập đoàn làm đầu mối thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ người lao động theo đúng mục đích chuyển đổi cơ cấu công nghệ theo chuỗi cung ứng Dệt may, thay cho từng doanh nghiệp phải đăng ký với các địa phương.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhận định, NQ 68 và QĐ 23 không những là chính sách hỗ trợ, mà còn là chính sách “cứu” NLĐ và NSDLĐ trong giai đoạn khó khăn này. Ông đề xuất điều chỉnh tăng số giờ làm thêm của NLĐ để vừa kịp thời hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh, vừa không vi phạm quy định của pháp luật lao động. Đồng thời kiến nghị Bộ LĐ-TBXH làm việc với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhằm xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ bằng Quỹ Công đoàn.
Phát biểu tại tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu năm 2021, đây là một kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cho nên các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có ngành dệt may nói riêng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh báo cáo tại buổi làm việc.
Về đề xuất tiêm chủng vaccine cho NLĐ, Thứ trưởng cho biết, hiện nay chủ trương chung của Chính phủ là tiêm chủng cho toàn bộ NLĐ ở cả trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ LĐ-TBXH sẽ kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đẩy mạnh công tác tiêm chủng để NLĐ yên tâm sản xuất.
Đối với những vướng mắc về công tác triển khai NQ 68 và QĐ 23 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Thứ trưởng ghi nhận đề xuất tăng mức hỗ trợ NLĐ ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động và khẳng định Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát trên tình hình thực tiễn tại các địa phương để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo đời sống cho người dân.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, Thứ trưởng đề nghị Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp làm việc trực tiếp với Tập đoàn và các cơ sở đào tạo nghề để tổng hợp nhu cầu đào tạo, bố trí phương thức đào tạo cho phù hợp; đồng thời giải đáp vướng mắc, hỗ trợ Tập đoàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị dựa trên bộ hồ sơ mẫu.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp trên toàn quốc nói chung cần mạnh dạn triển khai các chính sách hỗ trợ theo NQ 68 và QĐ 23. Bộ LĐ-TBXH luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết.
Quan điểm chỉ đạo điều hành của Bộ LĐ-TBXH trong triển khai NQ 68 và QĐ 23 là “thủ tục tiếp nhận chỉ có bớt chứ không có thêm, thời gian giải quyết chỉ có giảm chứ không có tăng”. Thứ trưởng cho biết, tất cả những phản ảnh, kiến nghị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ được đưa vào là một phần của Bộ Hỏi – Đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ Hỏi – Đáp này sẽ là một công cụ giúp cho các sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp và người dân giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai, để NQ 68 và QĐ 23 được đưa vào đời sống một cách nhanh chóng và thực chất.
PV