Sợi khởi sắc, liệu có vững bền?


Kể từ tháng 10/2020, giá sợi tăng lên, thị trường cũng bắt đầu sôi nổi hoạt động mua bán. Các doanh nghiệp sợi Việt Nam sau 2 năm đen tối chịu lỗ, mừng như bắt được vàng, đã tung hàng tồn kho ra bán và tiếp tục sản xuất những đơn hàng mới. Trong các nhà máy sợi, tiếng reo vui của máy hoạt động hết công suất, những gương mặt người phấn khởi và kỳ vọng về một thị trường sợi khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn dù thế giới đã có vaccine và tiến hành tiêm chủng. Liệu sức ấm trên thị trường sợi có vững bền?

Chúng ta hãy cùng nghe chia sẻ của Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp Sợi trong Tập đoàn về những chuyển biến của thị trường này từ quý IV/2020 tới nay.

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN:

“Ngay sau Tết Âm lịch, các đơn vị sợi đã đi làm sớm từ ngày mùng Bốn Tết để kịp sản xuất cho các đơn hàng. Dự kiến trong quý đầu năm 2021, lợi nhuận toàn ngành Sợi trong Tập đoàn có thể đạt tới 160 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm lợi nhuận có khả năng đạt 240 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sợi đang trong khí thế sản xuất tích cực, phấn khởi. Kết quả của ngành Sợi đã tạo thêm động lực để các ngành may, vải, kinh doanh nội địa cùng phấn đấu, sao cho kết quả xuất khẩu năm 2021 quay trở lại bằng với kết quả của năm 2019 như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình trạng đại dịch diễn biến còn bất thường, nên vẫn cần các doanh nghiệp linh hoạt xử lý công việc và thị trường.”

Bà Nguyễn Thị Tố Trang – Giám đốc Công ty CP Vinatex Phú Hưng:

Thị trường sợi có khởi sắc khiến cho Sợi Phú Hưng cũng bớt khó khăn. Điển hình là kết quả kinh doanh của quý I/2021 tốt hơn nhiều. Chúng tôi cũng đã có đơn hàng đến tháng 5/2021, anh em yên tâm sản xuất và không khí trong nhà máy khá vui vẻ. Những lo lắng được cởi bỏ. Sợi của chúng tôi đang được xuất khẩu đi Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nam Phi. Hiện tại, doanh thu quý I/2021 đạt 77,8 tỷ đồng (trong khi quí I/2020 chỉ đạt 72,13 tỷ đồng); dự kiến doanh thu quí II/2021 là 96 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 51,63 tỷ đồng). Hiệu quả 6 tháng đầu năm 2021 dự kiến lãi 12 tỷ đồng (cùng kỳ bị lỗ 3.3 tỷ đồng). Với sự ấm lên của thị trường, dự kiến sợi Phú Hưng sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra cho năm 2021.

Bà Trần Thị Kim Chi – Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài:

Do thị trường sợi hoạt động mạnh mẽ hơn nên Sợi Phú Bài cũng đã ký đơn hàng đến tháng 5/2021. Thực ra chúng tôi có thể ký đơn hàng xa hơn nữa, nhưng chưa muốn ký thêm do giá thị trường còn đang có những diễn biến mới. Chúng tôi đợi giá sợi cao hơn nữa sẽ tiếp tục ký thêm đơn hàng. Việc cân đối với giá bông đang lên là rất quan trọng, vì giá sợi sẽ lên tương ứng. Dù sao chúng tôi cũng rất mừng khi thị trường sợi nhộn nhịp trở lại. Doanh thu Quí I/2021 của Sợi Phú Bài có thể đạt 192 tỷ đồng và doanh thu quí II/2021 dự kiến đạt 218,5 tỷ đồng.

Ông Hồ Lê Hùng – Tổng Giám đốc Hanosimex:

Hanosimex hiện đang xuất khẩu sợi cho Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Chile, Nam Mỹ. Từ quí IV/2020 đến nay, sợi được tiêu thụ tốt trên thị trường. Các nhà máy sợi của Hanosimex được sản xuất đầy công suất. Chúng tôi đã có hợp đồng bán sợi đến tháng 5/2021.

Quí I/2021 chúng tôi bán ra thị trường 2.824 tấn sợi, trong đó xuất khẩu chiếm 81%. Thị trường khởi sắc khiến ai cũng vui mừng. Nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, cùng với sự chịu đựng thị trường chìm đáy suốt hai năm qua, thì chúng tôi cũng chưa thể biết được sự khởi sắc này sẽ kéo dài được bao lâu. Thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố với giá bông, xơ trồi sụt. Dù chúng tôi khá mừng vì thị trường trở lại mạnh mẽ, nhưng mối lo vẫn còn đó.

Ông Lê Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Chi nhánh sợi Vinatex Nam Định:

Tình hình sản xuất và bán sợi của Chi nhánh Sợi Vinatex Nam Định từ tháng 12/2020 tốt dần lên, tuy giá bông đang cao. Đến dầu tháng 1/2021 thì thị trường sợi thực sự khởi sắc. Chúng tôi hiện đã có hợp đồng sợi đến hết tháng 5/2021.

Hết Quí I/2021, Chi nhánh Sợi Vinatex Nam Định có thể đạt hơn 5 tỷ đồng lợi nhuận và trong quý II/2021, lợi nhuận có thể tăng từ 1,5 đến 2 lần so với quí I. Số lợi nhuận này tạm bù đắp một phần cho khoản lỗ triền miên suốt hai năm qua. Hiện nay thị trường sợi đang ổn, nhưng rất có thể nó sẽ lại bấp bênh. Việt Nam có nguồn cung ứng sợi còn nhỏ so với Trung Quốc, Ấn Độ nên chúng ta vẫn phụ thuộc vào thế giới. Nước nổi thì thuyền nổi.

Bà Lê Hoàng Anh – Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường:

Từ khi có đại dịch Covid-19, Sợi Vinatex Phú Cường chuyển sang sản xuất cho khối các doanh nghiệp FDI. Cũng phải mất thời gian khá lâu trong chuẩn bị và vượt qua gian nan thì chúng tôi mới gia nhập được chuỗi cung ứng này. Do đó hiện nay, chúng tôi sản xuất bán nội địa là chủ yếu, chỉ còn phần nhỏ xuất khẩu đi Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Sản xuất theo chuỗi của các doanh nghiệp FDI tuy không có lợi nhuận cao nhưng Sợi Vinatex Phú Cường có được nguồn thu ổn định và máy chạy đầy tải, người lao động đủ việc làm và đây chính là điều quan trọng với chúng tôi.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng hiện nay thị trường sợi đang ấm lên, thậm chí có lúc nóng, xuất khẩu sẽ có lợi nhuận cao hơn so với bán nội địa, nhưng chúng tôi không thể chạy theo con sóng dâng đó của thị trường. Bởi con sóng này có chứa rủi ro cũng lớn, đến khi lên đỉnh cao, quay đầu giảm thì cũng rất mệt mỏi. Dự đoán như thế nên chúng tôi chỉ tập trung vào làm tốt trong chuỗi mà mình đã kỳ công mới gia nhập được. Thị trường sợi ngày càng khó đoán. Sau hai năm dài tuột dốc và nằm dưới đáy sâu, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ, sản xuất lỗ để giữ chân người lao động, thì đột ngột tháng 10/2020 thị trường hửng lên mà không có dấu hiệu gì báo trước. Làm trong ngành sợi này thật hồi hộp, khó đoán. Nhưng nhờ vào được chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, chúng tôi có việc làm ổn định, đỡ bị phụ thuộc vào sóng thị trường nên vui hơn nhiều.

Bài: Kiều Mai


Các tin khác