Nhiều thương hiệu đã khởi xướng nâng cao tính bền vững trong ngành công nghiệp dệt may


Ngành công nghiệp thể thao đã trở thành một trong những động lực hàng đầu cho sự bền vững trong ngành dệt may, sau thời gian khởi đầu chậm chạp. Các nhà thiết kế như Stella McCartney với mối quan hệ lâu dài với thương hiệu thể thao toàn cầu Adidas, đã đóng  vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức trong ngành công nghiệp thời trang thể thao — đặc biệt kể từ khi thương hiệu này được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày nay, ngành công nghiệp này trực tiếp hoặc gián tiếp tạo động lực cho sự phát triển bền vững hơn bao giờ hết của ngành sợi dệt và sản xuất sản phẩm.

Mylo™ là loại da sinh học làm từ thể sợi mycelium (sợi nấm) được sản xuất bởi công ty Bolt Thread.

Ảnh: Bolt Thread.

Polyester và lụa

Các nguyên tắc của hệ thống Circular Economy (Hệ thống Kinh tế tuần hoàn), do Quỹ Ellen MacArthur vạch ra đã thách thức các nhà sản xuất trong việc xem xét toàn bộ vòng đời của một sản phẩm từ nguyên liệu thô đến tái sử dụng và khâu cuối cùng của vòng đời sản phẩm. Đối với nhiều nhà sản xuất và các thương hiệu, cần thực hiện rất nhiều việc cùng lúc.

Adidas đã đề xuất “Chiến lược ba vòng” (Three Loop Strategy) để chấm dứt rác thải nhựa và hướng tới một tương lai vận hành tuần hoàn. Đầu tiên là “Vòng lặp tái sinh” (Recycled Loop), được làm bằng vật liệu tái chế, vòng thứ hai là “Vòng lặp tuần hoàn” (Circular Loop), được làm lại (lý tưởng là từ một loại vật liệu duy nhất) và “Vòng lặp tái sinh thứ ba” (Regenerated Loop), được tạo ra để tái sinh bằng công nghệ sinh học với các sản phẩm thời trang như váy thiết kế của Stella McCartney sử dụng chất liệu sợi microsilk.

Kể từ năm 2015, Adidas đã hợp tác với “Parley for the Oceans”, một tổ chức môi trường và mạng lưới hợp tác toàn cầu – tổ chức thu thập và tái chế nhựa đại dương; đây được coi là một trong những sáng kiến của hãng. Polyester được sử dụng trong các bộ sưu tập giày Primeblue và Primegreen của hãng này được tái chế 100% từ sợi thông thường và sợi filament từ chất thải nhựa và lưới bắt cá dưới đại dương. Cả hai dòng sản phẩm đều được ra mắt tại Miami trước giải đấu Super Bowl LIV. Theo Parley, nhờ mối hợp tác Adidas – Parley, hãng giày đã phát triển từ sản xuất một triệu đôi vào năm 2017 lên 11 triệu đôi vào năm 2019.

Da sinh học

Công nghệ sinh học từ lâu đã thu hút sự quan tâm không chỉ từ ngành công nghiệp thể thao mà còn từ các nhà sản xuất ghế ngồi ô tô và các thương hiệu giày dép. Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế bền vững hơn cho chất liệu da là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp và đã đạt được một số kết quả thương mại. Bolt Threads, Emeryville, California…đã sản xuất sợi microsilk và được “Adidas by Stella McCartney®” trưng dụng, ngoài ra họ cũng sản xuất Mylo ™ – một loại da sinh học làm từ sợi nấm.

Mycelium  – sợi nấm là mạng lưới các tế bào nấm, xuất hiện ở dạng mảnh, giống như sợi chỉ có thể phát triển trong môi trường được kiểm soát. Là một chất thay thế cho da thật hoặc da tổng hợp, nó có cảm giác mềm mại và dẻo dai, xét trên quan điểm thiết kế, nó có thêm lợi ích là hình dạng và kết cấu có thể thay đổi được.

Công ty Gelatex Technologies trụ sở tại Luân Đôn lại có cách tiếp cận khác. Họ tận dụng chất thải ở dạng gelatin từ ngành công nghiệp chế biến thịt để tạo ra vật liệu giống như da. Công ty ước tính có tới 40% cơ thể động vật là chất thải và thường bị ngành công nghiệp chế biến thịt bỏ đi. Gelatin được chuyển thành sợi nano để tạo thành dạng lưới sau đó được dát mỏng với bông hoặc chất liệu vải khác để tăng độ bền và tính thẩm mỹ.

Vật liệu Composite

Các thiết bị và phương tiện thể thao hiệu suất cao được cho là đang đối mặt với những thách thức lớn hơn so với ngành sản xuất trang phục để có được khả năng tuần hoàn hoàn toàn do chúng phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu composite. Tại Anh, Trung tâm Vật liệu tổng hợp Quốc gia (NCC) ước tính “hơn 95% vật liệu tổng hợp được làm từ nguyên liệu thô và nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, điều này khiến chúng kém bền vững”.

Các nhà khoa học tại nghiên cứu Viện Deutsche Fur Textil + Faserforschung (DITF) ở Đức đang phát triển một loại sợi lai có chứa 50% sợi carbon tái chế (rCF). Sợi rCF được tạo ra bằng cách sử dụng sợi thải của quá trình sản xuất sau đó chúng được đưa vào máy chải thô để tạo ra sợi thô. Sợi này được kéo căng và đưa vào máy kéo sợi quấn lại cùng với sợi xenlulo có độ bền cao để sản xuất sợi lai. Một sợi multifilament polypropylene (PP) sẽ bao bọc lõi sợi để nén chặt cúi sợi thành sợi.

Các thử nghiệm cho ra kết quả tốt khi sử dụng nhựa polyurethane (PU) gốc sinh học, với khối lượng sợi composite có thể đạt 75%. Trung tâm NCC và công ty ELG Carbon Fiber Ltd. ở Anh đang sử dụng vật liệu sợi carbon thải và chuyển đổi sợi này thành thảm không dệt. Trong quá trình này, ngoài các bán thành phẩm, chất thải tích tụ của máy cắt lớp, xơ khô và các thành phần đã đóng rắn sẽ được trung tâm NCC tách ra trước tiên. Sau đó, chúng được đưa đến công ty ELG Carbon Fibre, nơi xử lý nhiệt phân nhiệt hóa loại bỏ tất cả trừ sợi carbon.

Bởi vì quá trình nhiệt phân dựa vào nhiệt khi không có không khí, điều này khiến nó trở thành một quá trình thu nhiệt cao để đảm bảo hàm lượng năng lượng cao trong vật liệu được sản xuất. Các sợi tái chế được sản xuất thành chất liệu ELD Carbiso M không dệt thích hợp cho dẫn nhựa, khuôn kín và các quy trình tổng hợp khác.

Nguồn thông tin cởi mở

Trước đây, các nguồn nguyên liệu là bí mật được bảo vệ chặt chẽ, nhưng điều này đang thay đổi khi người tiêu dùng yêu cầu các thương hiệu không chỉ công khai mà còn phải chứng minh chất liệu đó đảm bảo tính đạo đức và bền vững. Kết quả là thông tin về chuỗi cung ứng và nguyên liệu ngày càng trở nên cởi mở hơn.

Google và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại Thụy Điển đang liên kết để cung cấp cho các thương hiệu một nền tảng kỹ thuật số phục vụ cho việc tìm nguồn nguyên liệu thô bền vững. Một dự án thử nghiệm trước đó theo dõi trích xuất bông và sợi visco sẽ được mở rộng để đánh giá nguyên liệu và các nguồn cung cấp nguyên liệu về các vấn đề như khan hiếm nước, ô nhiễm không khí và đánh giá phát thải khí nhà kính.

Trong thông cáo báo chí vào tháng 6, Google cho biết, “Ngành công nghiệp thời trang ngày nay chiếm 20% lượng nước thải và 2–8% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, con số này có khả năng tăng tới 50% vào năm 2030. Phần lớn tác động này xảy ra ở giai đoạn xử lý nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất, nơi mà chuỗi cung ứng có thể bị phân nhánh rất cao, và việc thu thập và đánh giá dữ liệu ở quy mô lớn là một thách thức. ”

Tham vọng hiện nay là tận dụng sức mạnh thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu của Google Cloud kết hợp với kiến thức về ngành của WWF để tạo ra một nền tảng nguồn mở mang lại lợi ích cho toàn ngành.

Việc này rất quan trọng đối với ngành công nghiệp thể thao trong sự phát triển sản xuất mang tính bền vững và sản xuất hàng dệt may tiên tiến, một mặt, đây vốn là động lực chính của sự đổi mới trong vật liệu, mặt khác không kém phần quan trọng là thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Những người đam mê thể thao và những người tập luyện thể thao có thể không nhất thiết đòi hỏi tính bền vững, nhưng dần dần, họ sẽ biết về nó, và bằng cách nào đó, hành vi và quyết định mua hàng sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi.

Marie O’Mahony là một nhà tư vấn, tác giả và chuyên gia trong ngành. Cô là tác giả của một số cuốn sách về hàng dệt thông minh và tiên tiến do Thames và Hudson xuất bản và là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia (RCA), London, đồng thời là người thường xuyên đóng góp cho trang Advanced Textiles Source.

Người dịch: Phạm Kim Anh

https://advancedtextilessource.com/2020/07/13/textiles-sports-and-sustainability/


Các tin khác