Xây dựng một chuỗi cung ứng nội bộ vững mạnh: Lấy ngành May làm đầu kéo


Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển bền vững, ngành Dệt May Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ về tư duy và hành động. Là một trong những đơn vị tiên phong, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khẳng định vai trò dẫn dắt của mình suốt hơn ba thập kỷ qua, vươn lên trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước. Với sứ mệnh đổi mới không ngừng và dẫn đầu trong lĩnh vực dệt may, việc xây dựng một chuỗi cung ứng nội bộ vững mạnh, lấy ngành May làm đầu kéo hoạt động, chính là chiến lược cốt lõi và mang tính sống còn trong giai đoạn phát triển mới của Vinatex.

“Trái tim” của chuỗi cung ứng nội bộ Vinatex

Trong chuỗi cung ứng của Vinatex, với ưu thế về quy mô, năng lực sản xuất vượt trội và khả năng đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường, ngành May không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng vững chắc, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các ngành liên quan như Sợi, Dệt và Nhuộm.

Với đặc thù tiếp cận trực tiếp với thị trường quốc tế, ngành May là bộ phận quan trọng giúp Tập đoàn Dệt May Việt Nam mở rộng thị phần toàn cầu. Từ vai trò là đầu ra của chuỗi cung ứng, ngành May không chỉ phản ánh hiệu quả sản xuất mà còn quyết định giá trị cuối cùng của sản phẩm dệt may. Trong chuỗi giá trị này, ngành May đã trở thành đầu kéo, tạo động lực cho ngành Sợi và ngành Dệt tăng trưởng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, tính bền vững và khả năng đáp ứng nhanh. Sự phối hợp đồng bộ giữa ngành May với ngành Sợi và ngành Dệt là yếu tố nền tảng để xây dựng chuỗi cung ứng nội bộ vững chắc. Ngành Sợi cung cấp nguyên liệu đầu vào, ngành Dệt chuyển hóa nguyên liệu này thành vải chất lượng cao, và cuối cùng ngành May hoàn thiện sản phẩm đáp ứng thị trường. Mô hình này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó tăng tính tự chủ cho Tập đoàn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP hay RCEP mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức về nguồn gốc xuất xứ. Việc xây dựng một chuỗi cung ứng nội bộ khép kín với ngành May làm trung tâm giúp Tập đoàn Dệt May Việt Nam đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, từ đó tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Có thể thấy, ngành May không chỉ là đầu kéo chiến lược mà còn là “trái tim” của chuỗi cung ứng nội bộ trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Với vai trò dẫn dắt, ngành May đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Sợi và ngành Dệt, tạo thành một chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi cung ứng nội bộ vững chắc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành May, Sợi và Dệt. Vinatex đã triển khai các dự án lớn nhằm phát triển toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm đến may hoàn thiện. Sự kết nối này giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính đồng bộ trong chất lượng sản phẩm.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang từng bước xây dựng một chuỗi cung ứng khép kín từ Sợi – Dệt – Nhuộm – May mặc, và Trung tâm PD&B Vinatex được xem là yếu tố then chốt trong việc hiện thực hóa chiến lược này. Trung tâm đóng vai trò là một “cầu nối chiến lược” gắn kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi, dệt và may mặc, đảm bảo mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng đều hoạt động đồng bộ, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm cuối cùng, từ đó tối ưu hóa nguồn lực nội bộ và tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh… Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm PD&B là nghiên cứu và phát triển các mẫu sản phẩm từ nguồn vải được sản xuất trong nước. Nhờ vào nguồn nguyên liệu chủ động, Trung tâm có thể tạo ra các mẫu thiết kế phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ các FTA. Điều này giúp các doanh nghiệp ngành May của Tập đoàn giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp Sợi, Dệt nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nguyên liệu đầu vào.

Cùng với vai trò của Trung tâm PD&B, Ban SXKD May cũng được xem là một nhân tố chính trong việc định hình chuỗi cung ứng nội bộ của Tập đoàn. Với nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, Ban SXKD May hoạt động như “động cơ kéo”, tạo đà phát triển cho toàn bộ hệ thống, đảm bảo các sản phẩm được sản xuất không chỉ đáp ứng được yêu cầu chất lượng mà còn đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu. Sự phối hợp giữa Ban SXKD May và Trung tâm PD&B tạo thành một mối liên kết chặt chẽ, hướng đến mục tiêu xây dựng ngành May trở thành đầu kéo hoạt động và liên kết với ngành Sợi, Dệt tạo thành chuỗi cung ứng nội bộ vững chắc trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Vinatex: tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư bài bản

Trong tương lai, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, ngành May chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị, đưa Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ dệt may thế giới.

Bức tranh tươi sáng của ngành May hôm nay được vẽ nên từ hành trình 30 năm xây dựng và phát triển bền bỉ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Những năm đầu thành lập, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là giai đoạn bản lề, tạo cơ sở cho sự chuyển mình mạnh mẽ sau này. Trong thời kỳ này, ngành May chủ yếu tập trung vào gia công xuất khẩu với các đơn hàng giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, chính những kinh nghiệm tích lũy được từ giai đoạn này đã giúp Tập đoàn xây dựng nền tảng vững chắc để chuyển sang các hình thức sản xuất tiên tiến hơn. Từ xuất phát điểm là một doanh nghiệp gia công xuất khẩu đơn thuần, Vinatex đã vươn mình mạnh mẽ, chuyển dịch sang chuỗi giá trị toàn diện với sự kết hợp hài hòa giữa Sợi, Dệt và May nhằm hiện thực hóa chiến lược Một điểm đến – Giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh. Đặc biệt, Vinatex ngày càng khẳng định vai trò là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất, phân phối hàng đầu thế giới, nâng cao vị thế của ngành Dệt May Việt Nam trên trường quốc tế.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hành trình này chính là tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư bài bản vào công nghệ hiện đại, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Vinatex đã không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời củng cố thương hiệu mạnh mẽ, mang lại giá trị thực sự cho khách hàng và đối tác. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người. Việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo liên tục để nâng cao kỹ năng, cập nhật xu hướng công nghệ mới và phát triển năng lực quản trị đã giúp Vinatex sở hữu đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, giàu kỹ năng và sáng tạo, luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức mới. Có thể nói, tập trung đầu tư vào con người là nhân tố quyết định đến sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Chính nhờ sự phát triển đồng bộ giữa công nghệ và con người, Tập đoàn đã có thể duy trì vị thế cạnh tranh trong một ngành công nghiệp luôn biến động và có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, với chiến lược phát triển bền vững, Tập đoàn không chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà còn quan tâm đến bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín thương hiệu, tạo ra những lợi ích thiết thực lâu dài cho cộng đồng, mang lại sự kết nối sâu sắc hơn giữa Tập đoàn với cộng đồng và người lao động. Sự kết hợp hoàn hảo giữa đổi mới sáng tạo, chiến lược dài hạn và phát triển con người đã giúp Tập đoàn Dệt May Việt Nam vững vàng phát triển trong hành trình 30 năm qua.

 Kết quả mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đạt được là minh chứng sống động cho tinh thần nỗ lực không ngừng, khả năng sáng tạo và thích ứng linh hoạt của Vinatex trước mọi biến động thời đại. Với tầm nhìn chiến lược và sự đoàn kết của toàn hệ thống, Tập đoàn không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành dệt may trong nước mà còn vươn xa, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Nhìn về tương lai, với ngành May đóng vai trò đầu tàu cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, trở thành biểu tượng tự hào của ngành Dệt May Việt Nam.

Bài:  Nguyễn Đức Trị – Phó Tổng Giám đốc Vinatex


Các tin khác