Vinatex xây dựng kế hoạch SXKD năm 2023: Chủ động ứng phó, kiên định mục tiêu
Ngành dệt may và Tập đoàn Dệt May Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, có vui rồi buồn, thất vọng rồi lại hy vọng. Một năm với nhiều bất định. Mặc dù ngay từ những tháng đầu năm, các dự báo sớm đã chỉ ra những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng thực tế chúng ta vẫn bất ngờ trước những tình huống khó lường xảy ra.
9 tháng năm 2022, ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 đã đạt lợi nhuận 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Thế nhưng, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu đi và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý 4, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, đạt 75% so với 2021, vượt 14,6 % kế hoạch .
2023 – BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI TỐI MÀU
Như vậy, có thể nói, từ khóa của ngành dệt may năm 2022 là “bất định”, với một năm đầy biến động, thất thường, bất ngờ ngoài dự đoán. Còn với năm 2023, tình hình trên mọi phương diện đều được dự báo là “khó khăn”.
Tình hình kinh tế thế giới không mấy sáng sủa khi IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 là 2,7%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 7, đồng thời báo cáo cũng cho rằng “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng”. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ lập đỉnh vào cuối năm 2022 ở mức 8.8%, tuy nhiên, chỉ số này sẽ vẫn còn neo cao ở mức 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Tình hình tài chính, tiền tệ cũng là bức tranh nhiều màu xám. Ngày 2/11/2022, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75% lên mức 3,75% – 4%, tuy nhiên theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của Mỹ, FED cần phải tăng lãi suất xoay quanh 4,4%, nghĩa là có thể còn phải tăng thêm 0,5% nữa từ nay đến cuối năm, và chắc chắn sẽ tiếp tục neo cao trong quý đầu năm 2023.
2023 – DỆT MAY GHI NHẬN TÍN HIỆU TĂNG TRƯỞNG KÉM
Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới (tham khảo bài Dự báo thị trường dệt may 2023)
Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10 năm 2022. Tỷ lệ tăng trưởng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn hẳn so với các tháng trước đó.
Dự báo cầu dệt may ở các thị trường chính này trong năm 2023 sẽ suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Cụ thể:
Đối với ngành dệt may Việt Nam, VITAS dự báo KNXK năm 2022 đạt 44 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2021 và vẫn đặt mục tiêu KNXK năm 2023 đạt 45 – 47 tỷ USD do tận dụng được ưu đãi từ các FTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm hiện tại, đã có thể thấy rõ những khó khăn của ngành dệt may Việt Nam trong năm tới:
- Ngành Sợi: từ quý 4, bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ giảm khiến giá bông giảm. Dự kiến giá bông sẽ dao động trong khoảng 2.1 – 2.3 USD/kg trong quý 1/23. Nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, sợi tồn kho nhiều làm tăng chi phí lưu kho, dòng vốn lưu động bị tắc nghẽn, đồng thời cũng tăng áp lực làm giảm giá bán sợi.
- Đối với ngành May, 3 tháng cuối năm thường vẫn thấp tải hơn do là thời điểm gối vụ giữa hàng thu đông và hàng xuân hè. Tuy nhiên, năm 2022 đặc biệt khó khăn, đa số các đơn vị ở tình trạng non tải từ 35% đến 50%, đơn hàng cạnh tranh gay gắt về giá. Năm 2023 dự báo ngành may vẫn chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% – 27% do sức mua toàn cầu giả
- Về lao động, từ đầu năm 2022, tổng lao động của toàn ngành đã giảm 5% – 7%. Dự báo năm 2023, lao động ngành dệt may vẫn tiếp tục giảm vì tình trạng đơn hàng chưa được phục hồi và cạnh tranh gay gắt với các ngành công nghiệp khác, điều này đòi hỏi các DN phải có chính sách phù hợp để giữ chân người lao động, duy trì hoạt động và hiệu quả sản xuấ
- Thị trường tài chính tiền tệ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mặc dù trong tháng 12/2022, tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng dự báo năm 2023, tỷ giá này vẫn tiếp tục tăng khoảng 3-5%, lên mức 25.500 đến 25.800 đồng/ 1USD.Tuy vậy, mức độ mất giá của đồng Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia sản xuất dệt may khác như Bangladesh hay Pakistan, khiến gia tăng áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Hạn mức tín dụng năm 2023 có thể tăng từ 14 đến 16%, tuy nhiên lãi suất được dự báo vẫn tiếp tục ở mức cao, khiến doanh nghiệp vẫn gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
KIÊN ĐỊNH VỚI MỤC TIÊU ĐÃ CHỌN
Trong kinh doanh bao đời nay, thị trường lên xuống là chuyện rất bình thường. Một năm được mùa lớn năm sau lại có thể thất bát và ngược lại. Người làm sản xuất kinh doanh không thể dao động, lo lắng, hoang mang mà cần nhận diện rõ những khó khăn để chủ động chuẩn bị trước những phương án, đối sách phù hợp, từng bước đi tới thành công trong việc thực hiện các chiến lược dài hạn của mình.
Vì vậy, khi đã có đủ thông tin, xác định chính xác con đường phải đi, chúng ta cần kiên định với những mục tiêu chiến lược đã lựa chọn, đó là:
- Hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm dệt may trọn gói: đây là xu hướng tất yếu của ngành dệt may thế giới, Tập đoàn cũng không thể nằm ngoài xu hướng này nếu muốn thâm nhập ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ khi đại dịch covid-19 bùng phát, thế giới đã có bài học đắt giá về việc thiếu chủ động nguồn cung trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng; các nhà mua hàng cũng có xu hướng cắt giảm nhân công và các công đoạn trung gian, ưu tiên lựa chọn nhà sản xuất có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói. Bên cạnh đó, hình thành chuỗi sản xuất cũng giúp chúng ta chủ động kế hoạch sản xuất, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và tối ưu hoá lợi nhuận.
- Phát triển sản xuất xanh, quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tiến tới mô hình kinh doanh tuần hoàn. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc từ các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam với mức độ ngày càng cao và khắt khe hơn. Ngoài việc bị ràng buộc bởi các cam kết đã được ký kết ở cấp độ Chính phủ, các đề án cấp bộ, ngành…, các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ sự cần thiết và trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này, xem như là điều kiện sống còn để giành được lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần.
- Thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, coi đây là đột phá trong công tác quản trị của Tập đoàn, từng bước xây dựng hệ thống quản trị tập trung, minh bạch, linh hoạt và chủ động.
- Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và quản trị sản xuất tiên tiến. Coi nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất để giữ ổn định sản xuất và phát triển lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quan điểm đã rõ nhưng việc kiên định theo các mục tiêu này không hề đơn giản, đặc biệt trong tình thế hiện nay, các đơn vị sẽ luôn có xu hướng tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề thị trường, sản xuất tức thời. Tôn chỉ của chúng ta là càng khó khăn càng cần sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn hệ thống Tập đoàn, thực hiện tốt những giải pháp trước mắt:
- Xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Trong đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ban sợi và các ban sản xuất kinh doanh khác, cũng như phát huy vai trò từng ban để thực hiện chức năng (i) điều phối giữa các đơn vị nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng đơn vị, cân đối sản xuất trong toàn chuỗi, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra; (ii) định hướng phát triển sản phẩm mới bằng cách khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường đối với từng loại sản phẩm mà các đơn vị trong Tập đoàn có khả năng đáp ứng; (iii) tư vấn công tác đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu của chuỗi sản xuất.
- Làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.
- Thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bắt đầu đơn giản bằng cách thay đổi các thói quen trong sản xuất và sinh hoạt, xây dựng các nội quy, quy định thực hành tránh lãng phí tài nguyên. Trong tình hình kinh doanh khó khăn, tiết kiệm luôn luôn là đối sách hiệu quả. Đối với các dự án mới, ưu tiên các công nghệ tiên tiến sử dụng ít nhiên liệu và giảm phát thải; sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, chiếu sáng giúp giảm chi phí điện năng; tăng cường sử dụng hệ thống điện mặt trời giúp phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ hoạt động sản xuất…
- Trong trường hợp giảm sản xuất, tận dụng thời gian này để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như: bảo dưỡng thiết bị; rà soát cải tiến quy trình sản xuất; nghiên cứu tìm áp dụng thử các giải pháp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…
- Tìm mọi biện pháp bảo toàn lực lượng lao động. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực; tạo năng lực cạnh tranh từ tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả quản trị… bắt nguồn từ đội ngũ nhân lực chất lượng cao và tinh nhuệ.
- Đối với ngành Sợi: bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất dệt, may của Tập đoàn để đẩy mạnh tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền; luôn quan tâm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
- Đối với ngành May: tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Bức tranh năm 2023 trước mắt với toàn những gam màu tối, nhưng đây đó vẫn có những điểm sáng đáng mong đợi, đó là: dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được đẩy lùi, thế giới quen với một trạng thái cân bằng mới; khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong năm 2023, ở mức 3,5% (theo dự báo của S&P); nền kinh tế Việt Nam phục hồi tốt sau đại dịch với mức tăng trưởng năm 2022 được nhận định là vượt trội so với các nước trong khu vực, kéo theo đà tăng trưởng năm 2023 có thể ở mức 6,5%; Trung Quốc đang dần nới lỏng chính sách zero-covid; logistic có tín hiệu hạ nhiệt…
Xác định rõ những khó khăn trước mắt giúp chúng ta bước đi một cách chủ động hơn, không còn hoang mang trước những “bất định” mà đã sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực. Thử thách lần này là cam go trong nhiều năm qua, con đường duy nhất là toàn bộ hệ thống chúng ta vững vàng, sáng suốt và quyết tâm cao để có thể đề ra và triển khai kế hoạch linh hoạt, điều chỉnh, nâng cấp với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn thích ứng được, dù những khó khăn trong quý 4/2022 còn có thể kéo dài đến quý 1/2023 hoặc quý 2/2023.
Năm mới Quý Mão 2023 với những hy vọng mới đang tới rất gần. Theo quan niệm của người Á Đông, mèo là loài chiêu tài, tượng trưng cho phú quý, đây cũng là con vật luôn được đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn và có con mắt tinh tường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin ở một năm 2023 thành công trong muôn vàn thử thách, khó khăn, là tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh và bền vững của VINATEX trong tương lai./.
Bài: Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex