Vinatex và các ĐVTV dốc toàn lực sản xuất khẩu trang phòng chống dịch nCoV
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona (nCoV), nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, Vinatex và các đơn vị thành viên đang ráo riết đưa dây chuyền sản xuất khẩu trang, vải kháng khuẩn vào sản xuất nhằm nâng công suất, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Mặt hàng hoàn toàn mới
“Khẩu trang là mặt hàng Vinatex chưa từng sản xuất”. Đó là thông tin Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ với báo giới về nhiệm vụ được Chính phủ giao, sản xuất các mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn với mức giá bình ổn, phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước trước diễn biến dịch bệnh Corona vẫn đang lan rộng.
Với việc sản xuất một mặt hàng mới như khẩu trang, Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may, đào tạo cho công nhân về kỹ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong Tập đoàn. Thời gian đầu, trung bình mỗi công nhân chỉ làm chưa đạt 100 sản phẩm/ngày, tuy nhiên sau khi làm quen với quy trình sản xuất mới, mỗi công nhân có thể tăng nâng suất lên 300 sản phẩm/ngày, và dự kiến đến hết tuần này, công suất sẽ có thể nâng lên được tối đa, mỗi ngày dự kiến sẽ sản xuất được 250 – 300 nghìn sản phẩm.
“Ngay trong ngày hôm nay (05/02), vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã được chuyển tới Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) và Công ty CP May Nam Định (Nagaco), 1 phần cho Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (Hugaco). Với một sản phẩm mới, công nhân phải mất khoảng 3 – 4 ngày để tập và làm quen với quy trình. Do đó, để làm được sản phẩm khẩu trang dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân, hiện nay đơn vị đang phải chuyển giao quy trình công nghệ và chuyên gia tới các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn để triển khai sản xuất.” Ông Lê Tiến Trường thông tin.
Trao đổi với PV, lãnh đạo các đơn vị trong Tập đoàn như TCT May Hưng Yên, Dệt May Huế, TCT May Đồng Nai, Dệt kim Đông Xuân… cho biết, đơn vị vẫn đang ráo riết chỉ đạo cho các Xí nghiệp tích cực nâng công suất, phân bổ 1 số chuyền may để sản xuất mặt hàng khẩu trang để phát miễn phí cho người dân địa phương, cũng như cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phong – TGĐ Công ty CP Dệt May Huế chia sẻ, khoảng 4h chiều nay (05/02), đơn vị sẽ bàn giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế 15 nghìn khẩu trang dệt kim kháng khuẩn (đợt 1) để UBND tỉnh cấp phát tới trường học, bệnh viện trên địa bàn của tỉnh. Dự kiến đến hết tuần này sẽ bàn giao thêm 15 nghìn chiếc nữa cho tỉnh Thừa Thiên – Huế, và 10 nghìn chiếc cho UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, tăng nâng suất dệt vải để cung ứng cho 1 số đơn vị như TCT CP Dệt May Hòa Thọ để sản xuất khẩu trang, cung ứng cho địa bàn TP. Đà Nẵng.
Ông Bùi Thế Kích – TGĐ Tổng Công ty May Đồng Nai thông tin, hiện nay Tổng Công ty đang nâng công suất vải không dệt kháng khuẩn lên tối đa, với khoảng 10 – 15 tấn vải được sản xuất mỗi ngày. Mỗi 1kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn dùng 1 lần. Tuy nhiên, do đây là loại vải phải được may bằng máy chuyên dụng, máy may thường không thể sản xuất nên phía đơn vị phải thuê một bên thứ 3 sản xuất để cấp phát cho CBCNV và người dân địa phương, tới nay đã phát được 30 nghìn cái. Bên cạnh đó, ông Kích cũng cho biết, với máy may chuyên dụng có thể sản xuất được 6.000 chiếc trong 1 giờ. Do đó, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng, sốt hàng như thời gian qua.
Tập trung trước mắt cho nhu cầu trong nước
Theo như thông tin được nhiều báo đài đưa tin, các vùng dịch trên thế giới đều lâm vào tình trạng thiếu mặt hàng khẩu trang trầm trọng. Lợi dụng điều này, một số đơn vị xảy ra tình trạng đầu cơ nhằm trục lợi. Với trách nhiệm xã hội của mình, lãnh đạo Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tính toán lại hoạt động SXKD, dành 1 số chuyền may chuyên để sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường, tránh tình trạng “cháy hàng” khẩu trang.
Ông Trần Việt – TGĐ Dệt kim Đông Xuân cho biết, đơn vị đang nỗ lực tăng sản lượng để cung ứng ra thị trường
Ông Trần Việt – TGĐ Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân cho biết, số lượng đơn hàng khẩu trang Dệt Kim Đông Xuân nhận được đã lên đến hơn chục triệu chiếc, tuy nhiên đây là mặt hàng mới, Đông Xuân chưa từng sản xuất nên năng suất hiện tại vẫn còn thấp. Thời gian tới, công ty sẽ tăng dần công suất, đồng thời sẽ sử dụng các nhà máy vệ tinh để sản xuất khẩu trang, dự kiến đến hết tuần này, năng suất sẽ đạt 250.000 – 300.000 chiếc/ngày. “Hiện tại, Đông Xuân tạm dừng nhận các đơn hàng lớn và sẽ nhận lại sau 10 ngày nữa, đồng thời tập trung ưu tiên sản xuất phục vụ đủ nhu cầu trong nước. Sau khi ổn định sản xuất, Đông Xuân sẽ nghiên cứu cung ứng phục vụ các vùng dịch khác nếu có nhu cầu.” Ông Trần Việt nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại TCT May Hưng Yên đã bắt đầu nhận được vải của Đông Xuân, tổ chức lại các chuyền may và đưa vào sản xuất để kịp thời phục vụ cho thị trường tỉnh Hưng Yên. TCT CP Dệt May Hòa Thọ, TCT CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) cũng đã bắt đầu triển khai sản xuất, dự kiến đến hết tuần này, mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn sẽ được các DN cấp phát miễn phí, cũng như cung ứng ra thị trường. Còn đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn cho biết, Tập đoàn đã và đang phát hàng ngày, sản xuất được bao nhiêu sẽ cung ứng bấy nhiêu cho các bệnh viện, cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội để cấp phát miễn phí cho người dân Thủ đô.
Quang Nam