Vinatex tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam
Sáng 25/3, tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (Thành phố Nam Định), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (25/3/1930-25/3/2025).
Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm
Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Anh Dũng- Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định; đồng chí Lê Tiến Trường- Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; đại diện Hội đồng Quản trị, Cơ quan điều hành Vinatex; Hiệp hội Dệt May Việt Nam; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Vinatex và đại diện các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TS. Lê Tiến Trường – Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, cách đây 95 năm, cuộc đấu tranh ngày 25/3/1930 của hơn 4.000 công nhân nhà máy Sợi Nam Định đã diễn ra trong 21 ngày liên tục. Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định. Ghi nhận những đóng góp ấy, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 798/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 25/3 thường niên là Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại những gì đã qua, khẳng định những giá trị văn hóa cốt lõi và định hướng tầm nhìn chiến lược, đưa ngành dệt may tiếp tục vững bước, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
TS. Lê Tiến Trường – Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu tại Lễ kỷ niệm
TS Lê Tiến Trường nhấn mạnh, từ những xưởng dệt nhỏ bé, những nhà máy sơ khai, ngành Dệt May Việt Nam đã từng bước vươn lên, vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ chiến tranh đến những cuộc khủng hoảng kinh tế, địa chính trị, dịch bệnh và những biến động khôn lường của thị trường. Trong chặng đường ấy, ngành Dệt May Việt Nam đã đoàn kết, tự chủ – tự lực – tự cường biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực. Lớp lớp thế hệ người lao động ngành dệt may đã kế thừa và tiếp nối, không ngừng dệt nên những hoài bão, cùng nhau viết nên khúc tráng ca đầy tự hào và kiêu hãnh. Chính dòng chảy bất tận của ý chí, của lòng quyết tâm và khát vọng đã tạo nên hào khí của ngành, hun đúc tinh thần dệt may bền bỉ và kiên cường như ngày hôm nay. Đây không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục bứt phá, chinh phục những đỉnh cao mới, khẳng định vị thế xứng đáng của một trong những ngành công nghiệp trụ cột của đất nước.
Năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 80 năm thành lập nước, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, với Tập đoàn Dệt May Việt Nam là năm kỷ niệm 30 năm thành lập và bắt đầu nhiệm kỳ mới của HĐQT Tập đoàn. Trong bối cảnh đó, ngành Dệt May Việt Nam cần tiếp tục phát huy năng lực nội sinh, đổi mới sáng tạo, tạo nên tốc độ tăng trưởng đột phá. Chuyển đổi phương thức kinh doanh từ những đơn vị riêng lẻ cạnh tranh theo từng doanh nghiệp, trở thành một khối chung cạnh tranh theo toàn Tập đoàn. Khai thác triệt đề mối liên hệ cho sản xuất chuỗi, từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất hàng may mặc, đặc biệt, phát triển thiết kế hàng hóa dệt may, thiết kế thời trang và hướng tới là nhà cung cấp giải pháp trọn gói cho các hãng thời trang trên toàn cầu. Tích cực, nhanh chóng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Xây dựng năng lực cạnh tranh mới mang tính chất năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh toàn Tập đoàn. Đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động, trang bị những kỹ năng phù hợp với thời đại số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự sáng tạo và đổi mới của ngành.
Kỷ nguyên mới của ngành Dệt May Việt Nam phải là kỷ nguyên phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột Môi trường – Xã hội – Quản trị và Tài chính, có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa các đơn vị thành viên và công ty mẹ.
“Kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam, chúng ta tự hào về những gì đã đạt được, nhưng cũng nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trong giai đoạn tiếp theo. Để ngành tiếp tục phát triển bền vững, chúng ta cần giữ vững tinh thần đoàn kết, đổi mới không ngừng và nắm bắt mọi cơ hội để bứt phá. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, viết tiếp những trang sử mới cho ngành Dệt May Việt Nam – một ngành công nghiệp không chỉ tạo nên giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đất nước trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển” – TS. Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
TS.Lê Quốc Ân – Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinatex xúc động cho biết, hôm nay các thế hệ người dệt may được về thăm mảnh đất anh hùng, cái nôi của ngành Dệt May Việt Nam. Bằng sự lao động sáng tạo, kiên trì, toàn thể người lao động trong ngành đã đóng góp, xây dựng ngành Dệt May Việt Nam phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay. 95 năm trước đây, cũng tại mảnh đất này giai cấp công nhân của ngành dệt may đã đấu tranh và giành thắng lợi buộc giới chủ Pháp phải công nhận những quyền lợi chính đáng của giai cấp lao động. Ngay từ những ngày đầu, phong trào công nhân dệt đã khẳng định sự tiên phong, sức sáng tạo và sự tổ chức chặt chẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường của người lao động, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa liên minh công – nông. Cũng tại nơi đây nhiều Anh hùng Lao động được vinh danh như Anh hùng Lao động Đào Thị Hào; Cù Thị Hậu, Nguyễn Thị Thạc, Nguyễn Thị Hiếu…
TS.Lê Quốc Ân – Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinatex ôn lại những kỷ niệm với ngành Dệt May Việt Nam
“Trong sự lớn mạnh của ngành Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam là hạt nhân của các hoạt động và là nòng cốt xây dựng Hiệp hội Dệt May Việt Nam bây giờ. Vinatex tự hào đã giúp cho ngành Dệt May Việt Nam mở rộng các thị trường chủ lực Mỹ, Nhật Bản, EU,… và giúp cho ngành dệt may cất cánh. Với truyền thống đó và những chiến lược phát triển hiện tại, chắc chắn Vinatex sẽ có những đóng góp lớn hơn nữa cho ngành Dệt May Việt Nam” – TS.Lê Quốc Ân nhấn mạnh.
Đồng chí Hoàng Thị Hải – Công nhân máy tổ máy Con, Nhà máy Sợi Tô Hiệu, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định đại diện đảng viên, đại diện công nhân trẻ tiêu biểu bày tỏ: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thành Nam, chiếc nôi Dệt May của cả nước. Mỗi bước đi, mỗi hơi thở đều mang dáng, hình của truyền thống cha ông, của các bà, các mẹ, các chị những người thợ anh dũng, kiên trung, đã ghi tạc những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Những ký ức hào hùng của đội ngũ công nhân Dệt thành Nam được tái hiện qua từng trang sách, từng lời kể của các thế hệ đi trước theo dòng lịch sử với bao thăng trầm suốt gần 130 năm qua, kể từ khi Liên hiệp Dệt Nam Định chính thức hoạt động theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương luôn soi rọi cho thế hệ trẻ chúng tôi bước tiếp”….
Để tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Tổng công ty CP Dệt May Nam Định và ngành Dệt May Việt Nam ngày càng phát triển, đồng chí Hoàng Thị Hải cho rằng, đội ngũ công nhân trẻ cần nỗ lực học tập và sáng tạo không ngừng. Chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng mới, nâng cao trình độ chuyên môn, dám nghĩ dám làm, thay đổi từ nhận thức, cách thức tiếp cận công nghệ đến tác phong làm việc. Kiên trì và đam mê trong công việc, hiểu nghề, yêu nghề, mến nghiệp, nhiệt huyết, tận tụy, không ngừng phấn đấu để đạt được những thành tích xuất sắc trong công việc. Cùng với đó là nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và chia sẻ. Mỗi NLĐ sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đồng thời vững vàng niềm tin vào sự bứt phá của đơn vị, của một ngành giàu truyền thống.
Đại diện đảng viên, công nhân trẻ tiêu biểu phát biểu tại Lễ kỷ niệm
“Trong buổi lễ trọng đại hôm nay, tôi muốn khẳng định rằng, thế hệ công nhân trẻ chúng tôi sẽ luôn tự hào, giữ vững và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống, đóng góp sức mình vào sự phát triển không ngừng của ngành Dệt May Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để lao động sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng, đảm bảo tiến độ và gửi gắm tâm huyết của mình vào từng sản phẩm, góp phần xây dựng Nhà máy phát triển bền vững, đóng góp phần nhỏ vào xây dựng ngành Dệt May Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn tầm quốc tế, xứng đáng vị thế của ngành có bề dày truyền thống gần 130 năm” – đồng chí Hoàng Thị Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vinatex giới thiệu với Lãnh đạo tỉnh Nam Định về những giai đoạn phát triển của ngành tại Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam
Lãnh đạo tỉnh Nam Định chúc mừng 95 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Vinatex đi thăm quan những kỷ vật được lưu giữ trong Nhà truyền thống ngành Dệt May Việt Nam và tặng hoa chúc mừng nhân Ngày truyền thống của ngành.
Đài Truyền hình Nam Định đưa tin về Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam:
Báo chí đưa tin về Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam:
https://nhandan.vn/khang-dinh-gia-tri-det-may-viet-nam-tren-toan-cau-post867597.html https://media.chinhphu.vn/nganh-det-may-chuyen-doi-de-thich-ung-trong-giai-doan-moi-102250325172426878.htm https://www.vietnamplus.vn/95-nam-nganh-det-may-khang-dinh-vi-the-made-in-vietnam-tren-ban-do-the-gioi-post1022432.vnp https://vneconomy.vn/nganh-det-may-viet-nam-khang-dinh-vi-the-vung-chac-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau.htm https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202503/tap-doan-det-may-viet-nam-to-chuc-le-ky-niem-95-nam-ngay-truyen-thong-nganh-det-may-viet-nam-99b5d1a/ |