Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 2


Chiều 24/2, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành, Trưởng/Phó các Ban chức năng của Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã thông tin nhanh về tình hình SXKD những tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, kết quả SXKD của Vinatex tháng 1/2025 có tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Các đơn vị ngành Sợi về cơ bản đã có đơn hàng cho sản xuất, nhiều đơn vị ngành Sợi đã có lợi nhuận trở lại khi sản xuất các sản phẩm sợi đặc thù cho thị trường ngách. Với ngành May, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán ký kết các đơn hàng trong quý 3, tuy nhiên khách hàng còn thận trọng khi các chính sách về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ảnh hưởng nhiều tới chuỗi cung ứng, nhất là xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh Văn phòng HĐQT đã trình bày một số thông tin cập nhật về thị trường gồm: Kinh tế vĩ mô và các nền kinh tế lớn; Thị trường xuất nhập khẩu dệt may; Phân tích tác động thuế quan Trump 2.0; Cập nhật các quy định phát triển bền vững.

Theo đó, KNXK dệt may của Việt Nam tháng 1/2025 đạt 3,68 tỷ USD, giảm 0,7% (do nghỉ 7 ngày Tết Nguyên đán, trong khi cùng kỳ không có kỳ nghỉ Tết đạt 3,71 tỷ USD). Nếu xét về hiệu quả sản xuất theo giá trị xuất khẩu trung bình mỗi ngày làm việc tăng trên 20% so cùng kỳ. Trong đó, một số thị trường có sự tăng trưởng như thị trường Mỹ đạt 1,44 tỷ USD tăng 5,6% so với cùng kỳ; thị trường EU đạt 366,1 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ; Thị trường Hàn Quốc đạt 343,4 triệu USD, tăng 1,2% so cùng kỳ…

Nhìn lại tác động chính sách thuế thời Trump 1.0 lên xuất nhập khẩu của ASEAN và các mức độ ảnh hưởng thuế quan Trump 2.0, ông Hoàng Mạnh Cầm phân tích, hiện tại các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump chưa nhắm vào Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia ít tổn thưởng nhất trong khu vực ASEAN đối với thuế đối ứng; Ngành dệt may cũng chưa thuộc diện bị đánh thuế bổ sung; Năng lực sản xuất của ngành dệt may Mỹ rất nhỏ (hiện chỉ đáp ứng 3% nhu cầu nội địa) nên vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu; Dữ liệu lịch sử cho thấy xuất khẩu dệt may đi Mỹ của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, vẫn có khả năng tăng thị phần tại quốc gia này; Mỹ có thể siết chặt kiểm soát Việt Nam và một số quốc gia khác để chống lại việc Trung Quốc lách luật bằng cách xuất khẩu gián tiếp qua nước thứ 3; Các DN dệt may Việt Nam cần nâng cao tính tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ của đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ đối với Trung Quốc.

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các đơn vị tại Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ, Dệt May miền Nam– Vinatex và PD&B có chung nhận định, thị trường ngành May có những tín hiệu phục hồi của thị trường trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên từ quý 3/2025 có dấu hiệu chững lại vì khách hàng còn đang nghe ngóng các tác động của các chính sách thuế của Mỹ đối với nền kinh tế. Cùng với đó, thời điểm 6 tháng đầu năm 2025 hầu hết các đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam đều là những đơn hàng có tính kỹ thuật cao, quy mô nhỏ, kể cả hàng dệt kim nhưng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật cao hơn so với dệt kim thông thường số lượng lớn. Do đó, các đơn vị đều tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường để sản xuất hàng FOB, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025, nếu như các tác động của chính sách thuế rõ ràng hơn, thì có thể sẽ phải chuẩn bị các phương án sản xuất CMT để giảm thiểu rủi ro về nguồn gốc xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ chưa có sự định hình rõ ràng, các chính sách về thuế đối ứng có thể thay đổi liên tục và phải tới tháng 4/2024 mới “ngã ngũ” giống như trường hợp của Canada và Mexico. Do đó, có 3 nhiệm vụ trọng tâm các đơn vị trong hệ thống cần tập trung triển khai, đó là: (1) Tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường trong 6 tháng đầu năm để tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu khi các chính sách bất ngờ của Mỹ chưa xảy ra. Từ đó, hiện thực hóa kết quả SXKD năm 2025 nhanh nhất khi thị trường còn dồi dào đơn hàng, tập trung vào việc đàm phán các đơn hàng có thời gian giao hàng nhanh, không xử lý đơn hàng theo nguyên tắc thông thường; (2) Có các biện pháp đàm phán đối với các đơn hàng FOB, làm rõ nguyên tắc trong các hợp đồng đàm phán đối với trường hợp giao hàng sau tháng 6/2025 về nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu, cũng như cam kết đồng hành của các nhà mua hàng đối với nhà sản xuất; (3) Năm 2025 được dự đoán là năm có tốc độ phá giá đồng Việt Nam cao nhất để thực hiện các chính sách tài chính của Chính phủ cũng như để nới trần nợ công tạo đà cho tăng trưởng trên 8% của nền kinh tế. Điều này sẽ có lợi đối với các đơn vị xuất khẩu, nhưng với các đơn vị có tỷ trọng nhập siêu nguồn nguyên phụ liệu hay đầu tư chiều sâu cho máy móc thiết bị… thì cần nghiên cứu kỹ khi có sự chênh lệch tỷ giá hối đoái, có khả năng tỷ giá USD/ VNĐ sẽ tiếp tục lên, thậm chí ở ngưỡng 26.000 VNĐ/1 USD…

PV


Các tin khác