Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 11
Sáng 29/11 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tới dự Hội thảo có TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành, Trưởng/Phó các Ban chức năng của Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên tại 61 điểm cầu.
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề tháng 11
Tại Hội thảo, TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã trao đổi những thông tin dự báo kinh tế- tiền tệ, tình hình lạm phát trên toàn cầu, chính sách tài khóa của các nền kinh tế lớn trong năm 2023. Theo đó, ông Phước dự báo, tăng trưởng của thế giới sẽ chậm lại trong năm 2023 do dư âm từ năm 2022, lạm phát đạt đỉnh trong năm 2022 và có xu hướng “hạ nhiệt” trong năm 2023 nhưng vẫn chưa thể quay trở lại thời điểm chưa xảy ra lạm phát. Đồng thời, với sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay của các quốc gia trong G20 năm 2023 sẽ có sự giảm dần từ quý 2 khi lạm phát bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, từ 8 – 9% xuống còn 5 – 6%.
TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra nhận định về kinh tế thế giới và trong nước năm 2023
Đưa ra 4 kịch bản của nền kinh tế thế giới trong năm 2023, TS. Trương Văn Phước nhận định:
Kịch bản thứ nhất “An toàn và lành mạnh”: Thế giới hết xung đột giữa Nga – Ucraina, lạm phát giảm, chấm dứt các chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia trên toàn cầu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ điều chỉnh tăng tới lãi suất tối đa 4,5% trong quý 4/2022 và không tăng trong năm 2023. Trung Quốc bãi bỏ chính sách zero covid, thị trường chứng khoán – ngoại hối quay trở lại bình thường. Điều này sẽ giúp thị trường phục hồi, tỷ giá đồng Euro/USD sẽ quay trở lại khoảng 1,18 USD = 1 Euro vào quý 3/2023.
Kịch bản thứ hai “lạc quan”: Các rủi ro chính yếu như xung đột Nga – Ucraina, lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng năng lượng… được giảm bớt. Dự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên 4,5% trong tháng 12/2022 và lên 5% trong tháng 1/2023 và kết thúc các chính sách tăng lãi suất. Các chính sách nới lỏng về tài khóa và chính sách zero covid của Trung Quốc sẽ được thực hiện, điều này sẽ một phần giúp cho nền kinh tế có khả năng phục hồi, tỷ giá đồng Euro/USD sẽ quay trở lại mức 1,1 USD = 1 Euro vào cuối năm 2023.
Kịch bản thứ ba: Fed sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lên tối đa 5% và điều chỉnh xuống 0,5% từ nửa cuối năm 2023 trong khi các yếu tố như đã nêu trên sẽ giảm nhanh hơn lãi suất của Fed, điều này khiến cho tỷ giá giữa đồng Euro/USD chỉ còn khoảng 0,95 – 1 USD = 1 Euro.
Kích bản thứ tư, kịch bản xấu nhất: Tất cả các yếu tố đều không có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng USD “mạnh” nhất trong nhiều năm qua ở mức 0,8 USD = 1 Euro. Đồng Nhân dân tệ sẽ không tiếp tục mất giá do tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cải thiện trong năm 2023.
Bên cạnh cập nhật thông tin về những dự báo nền kinh tế và tình hình lạm phát trên toàn cầu, TS. Trương Văn Phước cũng đưa ra một số nhận định đối với nền kinh tế trong nước năm 2023. Theo TS Phước, với lãi suất đang ở mức “rất cao” so với lạm phát, cũng như so với các nước trên thế giới sẽ khiến cho việc nới room tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trở nên khó khăn hơn so với năm 2022. Nếu như các quốc gia khác lãi suất ngân hàng chỉ ở mức khoảng 5% thì Việt Nam lãi suất cho vay đang ở ngưỡng khoảng 14 – 15%, các ngân hàng đều siết chặt room tín dụng, điều này cần đến sự điều tiết từ chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD của DN trong năm 2023.
Ông Vương Đức Anh – Chánh văn phòng HĐQT Vinatex thông tin về thị trường dệt may trong nước và thế giới
Ông Vương Đức Anh – Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị đã thông tin về thị trường dệt may trong nước và thế giới. Theo đó, lần đầu tiên trong năm 2022, xuất khẩu dệt may giảm 3,3% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch Covid-19, đạt 3,18 tỷ USD trong T9/2022. Trong đó: XK sợi đạt 307 triệu USD, giảm 34% so cùng kỳ năm ngoái; XK hàng may mặc đạt 2,87 tỷ USD, chỉ còn tăng 1,7% so cùng kỳ 2021 (trong khi T9/2022 đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ); Lũy kế 10 tháng 2022, kim ngạch XK đạt 37,9 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại rõ rệt. Các thị trường chính của thị trường xuất khẩu đều có xu hướng giảm trong T10/2022 như: Mỹ giảm 14%, Hàn Quốc giảm 9%, Trung Quốc giảm 34%… so với năm 2021 do tình hình lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu diễn ra trên toàn cầu, nhất là các thị trường XK chủ lực của ngành Dệt May.
Với các quốc gia cạnh tranh, tình hình cũng không có nhiều khả quan khi tình hình xuất khẩu trong T10/2022 mặt hàng dệt may của Trung Quốc giảm 13,6% so với cùng kỳ; Ấn Độ giảm 35% so với cùng kỳ 2021; Pakistan giảm 16,8% và Campuchia giảm 24% so với tháng 10/2021. Bên cạnh thông tin về tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh, ông Vương Đức Anh còn thông tin về doanh thu và lợi nhuận trong mùa lễ hội và Black Friday tại thị trường Mỹ. Do lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao, khoảng 7,7% trong tháng 10/2022, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng tại quốc gia này mới chỉ phục hồi được 50% so với năm 2021, dự kiến doanh thu bán lẻ trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2021 chỉ tăng 6-8% (so với mức 13,5% năm 2021).
Theo các nhà bán lẻ của Mỹ, với mặt hàng dệt may, do thời tiết ấm áp bất thường vào mùa thu đã khiến sức mua các mặt hàng đồ len, áo khoác mùa Đông giảm. Sau tuần lễ giảm giá Black Friday, nhiều nhà bán lẻ lo ngại người tiêu dùng sẽ ngừng chi tiêu hoặc chỉ mua khi có nhu cầu thật sự cần thiết và sẽ chỉ “xuống tiền” khi có các đợt giảm giá mạnh.
Bà Đặng Thanh Huyền – Phó Chánh Văn phòng HĐQT trình bày báo cáo phát triển bền vững CSRD
Tại Hội thảo, bà Đặng Thanh Huyền – Phó Chánh Văn phòng HĐQT cũng đã trình bày báo cáo phát triển bền vững CSRD – Quy định mới của EU nhằm mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững trên toàn Châu Âu vừa được công bố, sẽ được áp dụng từ 01/01/2024 cho các hoạt động trong năm tài chính 2023. CSRD là một trong những báo cáo quan trọng trong hệ thống báo cáo quản trị của DN, theo quy định mới các báo cáo này sẽ phải tuân theo quy định về việc công khai tài chính bền vững (SFDR) và Nguyên tắc phân loại của EU cũng như phải được kiểm toán độc lập xác nhận về chất lượng của báo cáo. Với các tiêu chí về đối tượng áp dụng, các hãng thời trang lớn của EU như H&M, Zara, Decathlon, Mango… đều bắt buộc phải có các báo cáo về CSRD, trong đó có các đánh giá tác động của hoạt động SXKD đối với xã hội và môi trường; quy trình/tài liệu liên quan đến quá trình lựa chọn chất liệu/nguyên phụ liệu DN với các bên liên quan; Trách nhiệm xã hội và chế độ đãi ngộ nhân viên; Bảo vệ môi trường; Tôn trọng nhân quyền…
Với quy định mới này, sẽ có khoảng 49.000 công ty trên toàn Châu Âu phải tuân thủ, trong đó 15.000 DN tại Đức. Nếu như không tuân thủ báo cáo CSRD, các DN sẽ phải chịu các mức phạt theo quy định của từng quốc gia, ví dụ: Đức: mức cao nhất là 10 triệu Euro hoặc 5% tổng doanh thu năm không thực hiện báo cáo; Pháp: mức phạt sẽ được quyết định bởi thẩm phán nếu bên liên quan kiện lên tòa án…
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị các đơn vị trong toàn hệ thống Vinatex tập trung cân đối và duy trì dòng tiền để chăm lo Tết cho NLĐ
Kết luận Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, với những dự báo được đưa ra trong Hội thảo chuyên đề tháng 10, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến xấu, nhất là tình hình lãi suất tăng cao trong nước đã khiến cho các đơn vị trong hệ thống Vinatex phải có phương án dự phòng vốn trong những tháng cuối năm. Cùng với đó là phương án dự phòng về hàng tồn kho, nhất là ngành Sợi khi các đơn vị đang phải sản xuất với giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao. Với tình hình tỷ giá trong nước diễn biến xấu, nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng thắt chặt room tín dụng đã ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền trong hoạt động SXKD. Năm 2023, trong 4 kịch bản được dự báo, thì khả năng kịch bản 1 và 2 nhiều khả năng “khó” xảy ra. Nếu tình xuống xấu nhất xảy ra, khả năng “đình lạm” có thể diễn ra trong năm 2023.
Ngoài ra, năm 2023 được dự báo sẽ có 2 quốc gia đồng tiền bị mất giá nhiều nhất là đồng Taka của Bangladesh và đồng Rupee Pakistan. Đây là 2 “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp của ngành Dệt May Việt Nam, với Pakistan là ngành Sợi và Vải, còn Bangladesh là hàng may mặc cơ bản. Nếu như VND mất giá khoảng 3% trong năm 2023, thì các giá các đơn hàng của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh so với Bangladesh do giá cao hơn quốc gia này. Đối với mặt hàng sợi cơ bản mà Parkistan sản xuất cũng sẽ có nhiều dự báo xấu khi đồng Rupee Parkistan tiếp tục mất giá, điều này cần có những dự báo cho kế hoạch SXKD trong năm 2023 của các DN sản xuất sợi cũng như các các DN hàng may mặc có thế mạnh về các mặt hàng dệt kim.
Với các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp điều tiết vĩ mô “mạnh tay” hơn nhằm giảm lãi suất, cải thiện và xây dựng lại “lòng tin” vào thị trường tài chính – tiền tệ.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, cùng với các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, Vinatex sẽ có những thông tin thị trường cập nhật nhanh tới các đơn vị để đưa ra kế hoạch SXKD trong dài hạn, giảm thiểu thiệt hại, ổn định thanh khoản trong hệ thống, đồng thời đảm bảo các trách nhiệm với ngân hàng và người lao động. Đây là 2 mục tiêu cần đặt ở thứ tự “ưu tiên” khi chỉ còn gần 2 tháng là Tết Nguyên đán, Chủ tịch HĐQT Vinatex yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống cần tập trung cân đối và duy trì dòng tiền để chăm lo Tết cho người lao động, đồng thời có các phương án dự báo để duy trì hoạt động SXKD năm 2023. Với những dự báo kinh tế- thị trường còn nhiều phức tạp, lãnh đạo các đơn vị tại 61 điểm cầu cần có những biện pháp linh hoạt trong điều hành, tận dụng cơ hội khi nhiều khả năng thị trường có thể phục hồi từ quý 2/2023.
Quang Nam