Vinatex tổ chức Hội thảo “Chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung”


Ngày 2/7 tại Thừa thiên Huế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo “Chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung” với mục đích tập hợp, ghi nhận những kiến thức, kỹ năng của các đơn vị ngành Sợi khu vực miền Trung, từ đó góp phần hình thành nên tài sản kiến thức chung, tiếng nói chung của cộng đồng những người làm kỹ thuật ngành Sợi.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Phạm Văn Tân – PTGĐ Thường trực Vinatex; ông Trần Hữu Phong – Trưởng ban tổ chức Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung; ông Nguyễn Văn Phong – TGĐ Công ty CP Dệt May Huế – đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, ông Trần Đình Hiệp – TGĐ Công ty CP Sợi Phú Bài, bà Nguyễn Thị Tố Trang – TGĐ Công ty CP Vinatex Phú Hưng, ông  Nguyễn Trí Sơn – TGĐ Vinatex Hồng Lĩnh; ông Nguyễn Ngọc Bình – PTGĐ Tổng Công ty CP Dệt May Hoà Thọ cùng lãnh đạo và cán bộ chủ chốt ngành Sợi của 4 đơn vị khu vực miền Trung.

Phát biểu chỉ đạo và định hướng cho Hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex thể hiện sự trân trọng đối với sự nỗ lực, nhiệt tình, cần cù và trách nhiệm toàn thể NLĐ nói chung và cán bộ kỹ thuật của các đơn vị khu vực miền Trung. Ông Lê Tiến Trường cho biết, ngành Sợi của Vinatex cải thiện là nhờ sự đóng góp của các đơn vị miền Trung, đặc biệt là Phú Bài trong giai đoạn 2005-2010. Từ đó, Tập đoàn có sự điều chỉnh và phát triển trở lại trong hoạt động ngành Sợi ở Hòa Thọ và Hanosimex. Sau đó, Tập đoàn đã quyết định đầu tư 3 nhà máy Sợi: Phú Hưng, Phú Cường và Nam Định.

“Quá trình đổi mới và phát triển ngành Sợi của Vinatex gắn liền với những thành quả, sáng kiến, kinh nghiệm của các đơn vị miền Trung. 15 năm qua chúng ta đã tận dụng thành tựu này nhưng thời điểm hiện tại, những kinh nghiệm này không còn phát huy được nhiều đối với hiệu quả SXKD khi cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn. Vì thế đối với ngành Sợi sau 3 năm khó khăn, chúng ta đang bước vào giai đoạn đổi mới quyết liệt như thời kỳ 2010, nhân rộng từ Phú Bài ra để đổi mới ngành sợi trong toàn bộ Vinatex. Trong lần đổi mới này, dư địa của giai đoạn trước đã không còn mà yêu cầu trí tuệ cao hơn rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý, khoa học về CNTT vào sản xuất… Trong chuỗi hoạt động tìm kiếm con đường đổi mới, chúng ta có các hoạt động về kỹ thuật như tiết kiệm điện, tối ưu hóa hệ thống điều không, phần mềm quản trị… “- Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Vinatex nhận định, đây là lần đầu tiên trong 30 năm Tập đoàn tổ chức Hội thảo có tính chuyên đề sâu với các cán bộ kỹ thuật cấp trung để tìm con đường đi về mặt kỹ thuật. Ngoài câu chuyện chi phí bỏ ra cho vật tư phụ tùng thì điều quan trọng hơn mà Tập đoàn quan tâm là chất lượng, năng suất, độ ổn định, hiệu suất của các loại máy móc kĩ thuật.

“Từ trước đến nay, công tác mua phụ tùng chỉ là thói quen mua sắm từ các lớp trước truyền lại, chúng ta không có hệ thống nào đánh giá một cách chuyên sâu và cụ thể với từng loại. Do đó, mục đích của Hội thảo là tìm kiếm tiếng nói chung của một giải pháp kinh tế kỹ thuật cho các vật tư phụ tùng nhập khẩu. Các giải pháp kinh tế kĩ thuật giúp tối ưu hóa vật tư phụ tùng, giá cả, thời gian sử dụng, chất lượng sản phẩm tạo ra từ vật tư phụ tùng đó”- Ông Lê Tiến Trường nhận định.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe chuyên đề đánh giá kim chải và trao đổi các vấn đề liên quan đến vật tư phụ tùng ngành Sợi. Ông Trần Hữu Phong- Trưởng ban tổ chức Hội thảo chuyên đề vật tư phụ tùng ngành Sợi khu vực miền Trung nhận xét: Đây là dịp để các đơn vị đánh giá một cách đầy đủ, khoa học, có căn cứ dữ liệu để biết chắc rằng vật tư phụ tùng nào là hợp lý nhất. Việc tham khảo nhiều kinh nghiệm về cách thức sử dụng và các tình huống xảy ra trong quá trình sử dụng máy móc để từ đó phân tích nguyên nhân, cách xử lý, phòng ngừa. Có thể nói rằng yếu tố con người cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng của vật tư phụ tùng. Không chỉ vậy, qua Hội thảo các đơn vị cũng sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về vật tư, phụ tùng sử dụng để có quyết định sử dụng, lựa chọn vật tư, phụ tùng hợp lý hơn và tạo ra một thói quen trong việc đánh giá vật tư phụ tùng sử dụng. Từ việc theo dõi quá trình sử dụng, lưu trữ các dữ liệu hình ảnh để có cơ sở khi đánh giá chất lượng, hiệu quả việc sử dụng khi hết chu kỳ sử dụng, làm căn cứ để mua vật tư phụ tùng sắp đến. Hơn thế, các đơn vị cũng có cơ sở để gom lại một số vật tư phụ tùng dùng chung để giảm lượng dự trữ, dự phòng vật tư, có điều kiện đàm phán với đối tác cung cấp với giá cả tốt nhất và tìm hiểu thêm một số vật tư phụ tùng mới cho kết quả sử dụng hợp lý với chất lượng sợi tốt hơn.

PV


Các tin khác