Vinatex thông tin hoạt động SXKD và công tác chăm lo đời sống người lao động
Sáng 08/1 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Gặp mặt báo chí nhằm thông tin kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2023, kế hoạch năm 2024 tới các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Chủ trì buổi gặp mặt có ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả đã đạt được trong năm 2023 và kế hoạch năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ, ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng vừa trải qua năm 2023 với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm; nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.
Với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia. Hiện thu nhập ngành Dệt May Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành. Cùng với đó, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm trong khi NDT giảm giá 5%, Taka Bangladesh giảm 5,9%, Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%. Tất cả các yếu tố trên đã tạo ra những bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%. Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 – 14 ngày, trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với hàng FOB… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.
Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ về kết quả đã đạt được trong năm 2023 và kế hoạch năm 2024
“Với tinh thần KIÊN CƯỜNG – DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng… Các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường. Để duy trì đơn hàng cho hoạt động SXKD, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao đã tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về SXKD. Năm 2023, Vinatex có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỷ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, đạt 101,9% so với kế hoạch. Đặc biệt, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 62.000 người lao động cấp 1 thông qua việc giảm lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động với thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, nhưng số giờ làm giảm xuống 15% (cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước nhận được năm 2023 (khoảng 8,5 triệu đồng/người)” – Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết.
Cùng với đó, các cam kết về xanh hóa đã được Vinatex tích cực triển khai. Trong đó, tập trung triển khai sử dụng năng lượng xanh, điện áp mái tại các nhà máy với hơn 25 triệu KWH đã được sản xuất và sử dụng năm 2023. Đồng thời, các DN ngành May đã nhanh chóng chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường… Các tiêu chuẩn về ESG (Environmental – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) đã được Vinatex tích cực triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tập trung thực hiện các cam kết và sáng kiến về ESG, xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và người lao động, cùng với đó là tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn.
Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Với cơ sở của bài học năm 2023 và các dự báo 2024, Vinatex đặt ra 5 kiên định trong thông điệp 2024 gồm:
- Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới.
- Kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược: Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang Xanh.
- Kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG).
- Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.
- Kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.
“Bên cạnh 5 kiên định là tiếp tục phát huy những năng lực mới được xây dựng, phát triển trong năm 2023, tiếp tục ứng phó một cách chủ động với diễn biến phức tạp của thị trường. Theo đó, năm 2024 vẫn sẽ là năm nhiều thách thức tiềm ẩn với các doanh nghiệp, KIÊN CƯỜNG – DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT tiếp tục là từ khoá cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình mới” – Lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh.
Nhận định thêm về thị trường năm 2024, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex cho biết, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công các tàu trở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển đi qua Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới bởi đây là tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ. 30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền. 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và công ty Hapag-Lloyd của Đức đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên. “Điều này sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý 1/2024 dự báo vẫn chưa tốt hơn so với quý 4/2023, khả năng từ quý 2/2024 thị trường sẽ ấm dần lên” – ông Vương Đức Anh nhận định.
Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT kiêm người phát ngôn Vinatex nhận định thêm về thị trường năm 2024
Chia sẻ về các hoạt động công đoàn năm 2023 và kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho NLĐ, bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, mặc dù 2023 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may nhưng các cấp của Công đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực, linh hoạt thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt trong chăm lo cho NLĐ và nhiều hoạt động thiết thực khác hướng về cơ sở. Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao, là đơn vị xuất sắc trong Khối thi đua các Công đoàn ngành, Công đoàn Tập đoàn – Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
“Trong năm 2023, Công đoàn Dệt May đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp, Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đại hội đề ra 03 khâu đột phá và 5 Chương trình công tác lớn. Phối hợp với Tập đoàn tổ chức Hội thi Thợ giỏi ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI. Công tác chăm lo cho NLĐ tiếp tục quan tâm với các hoạt động như tổ chức chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” tại 6 điểm trên cả nước; Tháng Công nhân 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp; Nhiều hoạt động chăm lo, đào tạo, văn thể mỹ, thi đua khen thưởng, tri ân, tặng quà cho NLĐ… được tổ chức với tổng số tiền thực hiện năm 2023 gần 110 tỷ đồng” – bà Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp mặt
Dịp Tết Giáp Thìn 2024, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex nỗ lực đảm bảo mức lương thưởng tết ước đạt gần 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương cao hơn so với mặt bằng chung (theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp dệt may ngoài ngành duy trì mức thưởng Tết từ 7- 10 triệu đồng/người). Cùng với đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Vinatex tổ chức chương trình “Tết sum vầy- Xuân chia sẻ” tại ba miền Bắc – Trung – Nam với các hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ. Đồng thời, các cấp trong hệ thống dự kiến chi gần 33 tỷ đồng để tặng quà cho 100% NLĐ, xem xét trợ cấp cho NLĐ khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ có quà lì xì đầu năm cho NLĐ từ 50 ngàn đến 500 ngàn đồng/người. Bên cạnh các hoạt động chăm lo nội bộ, Công đoàn ngành và một số công đoàn cơ sở còn tham gia “Chợ Tết Công đoàn” do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô từ ngày 20-22/01/2024 với các sản phẩm may mặc được ưu đãi giảm giá từ 30-80%.
Phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi đến lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn
Cũng tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã trao đổi các câu hỏi của phóng viên về phát triển thị trường ngách, sản xuất xanh, dự báo sản xuất kinh doanh năm 2024, kế hoạch chăm lo đời sống, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động…
Báo chí truyền thông đưa tin về hoạt động SXKD và công tác chăm lo đời sống người lao động:
https://hanoimoi.vn/nguoc-dong-kho-khan-vinatex-dat-3-giu-655285.html
https://tuoitre.vn/lanh-dao-vinatex-khong-nghi-kich-ban-xau-nhat-da-dien-ra-20240108114831092.htm
https://congthuong.vn/bat-chap-kho-khan-nam-2023-vinatex-dat-doanh-thu-hop-nhat-1044-296641.html
https://nhandan.vn/vuot-kho-vinatex-dat-doanh-thu-hon-172-nghin-ty-dong-post791117.html
https://vnexpress.net/ceo-vinatex-2023-la-nam-kho-khan-nhat-trong-lich-su-det-may-4698333.html
https://kinhtedothi.vn/vinatex-va-doanh-nghiep-huong-toi-tang-truong-10.html
https://tienphong.vn/vuot-bao-thanh-cong-doanh-nghiep-det-may-thuong-tet-bao-nhieu-post1602637.tpo
http://www.doanhnghieptrunguong.vn/don-vi-truc-thuoc/linh-vuc-san-xuat-cong-nghiep/202401/tap-doan-det-may-viet-nam-nam-2023-doanh-thu-hop-nhat-uoc-dat-17225-ty-dong-dat-1044-so-voi-ke-hoach-5809433/