Vinatex tập trung nâng cao năng suất lao động đổi mới sáng tạo và năng suất lao động quản lý


Chiều 20/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo giới thiệu các giải pháp phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, quản trị số cho doanh nghiệp dệt may. Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex tham dự và chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Cơ quan điều hành và các Ban chức năng của Tập đoàn. Cùng dự có lãnh đạo một số đơn vị thành viên tại khu vực miền Bắc…

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường giới thiệu ERP đã triển khai thành công tại 1 số đơn vị

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Trường cho biết, trong những năm gần đây, Vinatex đã triển khai nhiều hoạt động về chuyển đổi số như thiết kế phần mềm quản trị sợi, phần mềm tài chính kế toán… cùng với các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, quy trình và tư duy quản lý cho đội ngũ CBNV. Hiện nay, dư địa về năng suất lao động/đầu người đối với NLĐ không còn nhiều, nhất là khi các doanh nghiệp (DN) trong Vinatex đều là những DN top đầu về năng suất lao động tại Việt Nam. Nếu như tiếp tục phát triển theo định hướng này, thì Việt Nam sẽ có nguy cơ “đi xuống” khi mà chi phí lao động, tiền lương của Việt Nam đang cao cấp 2-3 lần so với Campuchia, Banladesh… Thực tế này đòi hỏi các DN phải xây dựng giải pháp triển khai triệt để nguồn lực DN trên nền tảng số.

Chuỗi cung ứng dệt may bao gồm 7 khâu: (1) thăm dò thị trường, thị hiếu khách hàng– (2) thiết kế ý tưởng – (3) sản xuất phát triển hàng mẫu – (4) Sourcing nguyên liệu – (5) Tổ chức sản xuất – (6) Logistics – (7) Bán hàng tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, với các DN hầu hết hiện nay chủ yếu nằm ở khâu thứ 5, gia công đơn thuần, có một số ít các DN làm FOB nhưng chủ yếu là FOB chỉ định. Nhưng nếu tiếp tục chỉ phát triển công đoạn 4 và 5, thì dư địa để đạt được mức tiền lương 400 -500 USD/1 lao động là tương đối khó. Với các DN thành công, có sự tăng trưởng tốt hiện nay hầu hết là các DN làm FOB thực sự, chủ động tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, vươn lên ở khâu thứ 3 – sản xuất phát triển hàng mẫu để chào hàng, bán hàng. Vấn đề là khi tham gia các nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng từ tổ chức sản xuất đơn thuần, thì trở ngại lớn nhất của các DN là công tác quản trị khi số lượng mẫu lớn, quy mô đơn hàng có thể rất nhỏ, thời gian giao hàng nhanh…

Trong quá trình nghiên cứu suốt 2 năm vừa qua, cùng với quá trình đánh giá người đại diện vốn tại các DN trong Vinatex, nhiều DN trong Vinatex đã triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP). Điều này giúp năng lực quản lý, năng suất lao động quản lý diễn ra nhanh và chính xác mà không cần sử dụng đến người lao động trực tiếp, hệ số giữa lao động gián tiếp và lao động trực tiếp không bị tăng lên. Do đó, khi chi phí dành cho lao động trực tiếp giảm đi, DN có thể dồn nguồn lực này cho NLĐ trực tiếp tại khu vực sản xuất, NLĐ có thu nhập tốt, DN không bị áp lực bởi câu chuyện về năng suất lao động/đầu người.

“Trong quá trình khảo sát hiện nay, nhiều đơn vị đã có những cách tiếp cận về ERP toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế, có những DN triển khai phần mềm tự viết và mua thêm các phần mềm chuyên dụng mua ở trong nước để kết cấu lại thành hệ thống ERP của riêng DN. Nhưng cũng có các DN nhỏ dùng các hệ thống ERP nội địa tại Việt Nam. Do đó, Tập đoàn sẽ tổ chức các Hội thảo giới thiệu mô hình ERP, kinh nghiệm triển khai tại các đơn vị. Hội thảo lần này giới thiệu mô hình do WFX đã triển khai thành công tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Dệt May Thành Công, chuẩn bị đưa vào hoạt động tại May Bắc Giang… Mô hình này đang mang lại các tiện ích và giải pháp toàn diện cho DN dệt may để nâng cao năng lực quản lý và tiến dần tới các khu vực mới có dư địa phát triển cho DN dệt may, thoát ra khỏi vùng sản xuất truyền thống thông thường” – Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Chủ tịch Lê Tiến Trường kết luận hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện của WFX đã giới thiệu một số thông tin về kinh nghiệm hợp tác và triển khai cung cấp phần mềm quản trị số đối với doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam và trên thế giới. Theo đó, WFX hiện tập trung vào giải pháp ERP (giải pháp lõi), đồng thời phát triển các giải pháp khác như: PLM (cho các DN sản xuất hàng FOB), Production Planning, QA, B2B Virtual Showroom (tạo BST để giới thiệu cho khách hàng nhằm phát triển mẫu), MES (nhà máy thông minh)… Bên cạnh đó, WFX cũng được phát triển tích hợp đa dạng tiền tệ, đa quốc gia, đa ngôn ngữ trong quản trị.

PV


Các tin khác