Vinatex phát huy thế mạnh thực hiện thành công chiến lược trở thành một điểm đến cung ứng trọn gói của ngành dệt may thời trang
Ngày 30/12/2021, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021; triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2022 tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Toàn cảnh Hội nghị
Tới dự hội nghị có đồng chí Hoàng Thanh Liêm – UV BCH, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Nguyễn Chí Thành- Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; đại diện Ban Nội chính Trung ương.
Về phía Vinatex có đồng chí Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Cao Hữu Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy – Tổng Giám đốc Vinatex; đồng chí Lê Nho Thướng, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; các ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy Vinatex, thành viên HĐQT, CQĐH, BKS, trưởng, phó các ban chức năng thuộc Tập đoàn; Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên BTV các Đảng bộ; Bí thư Chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn; Chủ tịch, Tổng giám đốc các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp.
Văn hóa Vinatex phát huy trên mọi lĩnh vực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Vinatex đã trải qua một năm rất vất vả trong lịch sử phát triển với diễn biến dịch bệnh phức tạp đã làm cho các doanh nghiệp tại 19 tỉnh phía Nam phải đóng cửa hoàn toàn 3 tháng, các đơn vị còn lại cũng phải thường xuyên làm việc theo hình thức giãn cách. Cùng với đó là các chi phí phòng chống dịch rất lớn trên toàn hệ thống lên gần 2.000 tỷ đồng. Áp lực giao hàng và giữ được khách hàng là hết sức khó khăn trong 1 năm qua.
Đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu khai mạc hội nghị
Vượt qua mọi khó khăn, với sức sáng tạo không giới hạn, tinh thần đoàn kết cao và sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị, Vinatex đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Trong đó, nổi bật nhất là giữ được việc làm và thu nhập ổn định cho gần 155 nghìn lao động ở các doanh nghiệp thành viên kể cả lúc phải nghỉ giãn cách. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất đạt gấp 2 lần năm 2020, vượt 70% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao, vượt năm 2019 giai đoạn trước đại dịch 80%. Toàn hệ thống được duy trì ổn định, liên tục, thanh khoản tốt, hệ thống tài chính ổn định, an toàn. Quan trọng nhất là mối liên kết giữa các đơn vị, giữa doanh nghiệp và người lao động được duy trì và củng cố, văn hóa Vinatex được phát huy trên mọi lĩnh vực.
“Hội nghị là thời gian để chúng ta tổng kết bài học kinh nghiệm, những cơ hội đã và chưa nắm bắt được trong năm 2021, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong thực hiện mục tiêu kép. Cùng nhau rút ra bài học để Tập đoàn tiếp tục phát triển cao hơn, chất lượng tăng trưởng tốt hơn và không chủ quan trước các diễn biến liên tục thay đổi, trái chiều chưa từng có tiền lệ của thị trường thế giới sau Covid – 19. Hội nghị cũng nhận diện tình hình mới, đề ra phương hướng tổng quát cho giải pháp năm 2022 để thích ứng với điều kiện mới. Phương hướng chung luôn là chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tự tin và cầu thị với cách tiếp cận dự báo của Tập đoàn, giải pháp chi tiết tại cơ sở. Hội nghị có nhiệm vụ thống nhất nhận thức về cơ hội, thách thức cho SXKD năm 2022. Tiếp tục phát huy thế mạnh toàn Tập đoàn để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trở thành một điểm đến cung ứng trọn gói của ngành dệt may thời trang mà trước mắt là ngành hàng dệt kim đến năm 2025”- đồng chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Năm 2021, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng mới lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, lưu thông gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy cấp trên, Ban chấp hành Đảng ủy Vinatex đã sớm ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 2021; Nghị quyết chuyên đề về “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021-2025” để quán triệt, định hướng mục tiêu số hóa công tác quản trị, vận hành của các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong giai đoạn tiếp theo của nhiệm kỳ 2020-2025. Khi dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, Đảng ủy đã ban hành 03 văn bản và chỉ đạo Cơ quan điều hành ban hành 09 văn bản về công tác phòng chống dịch, phương án sản xuất kinh doanh khi thực hiện giãn cách xã hội, và hỗ trợ người lao động. Bên cạnh các cuộc họp định kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy còn triển khai nhiều cuộc họp với Cơ quan điều hành Tập đoàn và Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp có quy mô lớn kịp thời có những giải pháp và hướng đi phù hợp.
Ông Lê Nho Thướng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam điều hành hội nghị tại Hà Nội
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng bộ đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo cấp trên và nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn, của từng đơn vị. Công tác phát triển đảng viên đã vượt mức kế hoạch phát triển đảng năm 2021 mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Công tác kiểm tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát được tăng cường và mở rộng, góp phần cảnh báo, ngăn ngừa được các vi phạm. Tổ chức bộ máy UBKT được kiện toàn, trình độ cán bộ kiểm tra các cấp được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Các mặt công tác xây dựng Đảng được quan tâm toàn diện. Hoạt động của hầu hết các tổ chức cở sở đảng đi vào ổn định, nề nếp.
Năm 2022, Đảng ủy Vinatex tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư, Trung ương, Đảng ủy Khối, các hướng dẫn thực hiện tại các đơn vị trực thuộc. Tăng cường tuyên truyền để người lao động ổn định tư tưởng, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 chưa được kiểm soát. Xây dựng kế hoạch và triển khai đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025 trong toàn Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn. Chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn các Ban chức năng của Tập đoàn cho phù hợp với định hướng chiến lược SXKD giai đoạn 2021-2025 và làm việc với các Bộ, ngành về phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp. Nghiên cứu và tổng hợp các vấn đề pháp lý, những điểm mới trong công tác tổ chức cán bộ do Trung ương và Đảng ủy Khối ban hành để triển khai và hướng dẫn các cơ sở đảng, đơn vị thực hiện. Tổ chức triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cấp ủy và cán bộ lãnh đạo chủ chốt Tập đoàn nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt và quy hoạch cấp ủy doanh nghiệp nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai Đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022-2025 trong toàn Đảng bộ Tập đoàn. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở và Bí thư các Chi bộ trực thuộc. Phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kết nạp đảng và bồi dưỡng đảng viên mới năm 2022. Tăng cường KTGS, tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
4 trụ cột xây dựng Vinatex phát triển bền vững
Tại hội nghị, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex đã báo cáo về kết quả SXKD năm 2021 và triển khai kế hoạch SXKD năm 2022 Tập đoàn. Theo đó, năm 2021 nhờ dự báo được diễn biến của thị trường; kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh nhanh, hiệu quả; kiểm soát tốt những tồn tại của các doanh nghiệp còn yếu như Hanosimex, Đông Xuân, Đông Phương, Dệt May Nam Định mà Tập đoàn đã đạt được kết quả kết quả SXKD ấn tượng với: Doanh thu hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.260 tỷ đồng, bằng 212,3% so với cùng kỳ, đạt 180% kế hoạch, cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%; Hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn. Trong đó, Công ty Mẹ – Tập đoàn đã trực tiếp tạo ra lợi nhuận 132 tỷ đồng sau khi bù chi phí hoạt động.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex đã báo cáo về kết quả SXKD năm 2021 và triển khai kế hoạch SXKD năm 2022
Năm 2022, Vinatex lên kế hoạch SXKD với doanh thu 17.750 tỷ đồng, lợi nhuận 900 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, Vinatex đã giao nhiệm vụ cụ thể theo từng Ban kinh doanh, cho người đại diện thực hiện theo trách nhiệm của cổ đông Vinatex, cho các nhóm chi nhánh, nhóm 100% vốn Tập đoàn và nhóm đơn vị chi phối. Bên cạnh đó, để xây dựng một nền tảng bền vững, Vinatex sẽ tổ chức triển khai bốn trụ cột về thị trường, quản trị sản xuất, công tác nhân sự và công tác tài chính.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận làm rõ hơn kết quả công tác xây dựng Đảng và SXKD năm 2021 của Vinatex. Cụ thể, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – UV BTV Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Tập đoàn tham luận về: “Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ các cấp trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động”; ông Bùi Văn Tiến – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến trình bày về: “Giải pháp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, gây gián đoạn đối với hoạt động SXKD, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế”; ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân trao đổi về: “Giải pháp khách hàng đối với đơn vị sản xuất dệt nhuộm, bài học kinh nghiệm Công ty Dệt Kim Đông Xuân”.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC đã chia sẻ và chúc mừng những kết quả đạt được của Vinatex trong việc thực hiện mục tiêu kép năm 2021. Kết quả đạt được của năm 2021 thể hiện rất rõ vai trò của đội ngũ lãnh đạo Vinatex trong việc chỉ đạo, điều hành, định hướng và dự đoán được trước tình hình. Ngoài ra, một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của Vinatex chính là sự chuyển dịch trong lãnh đạo, điều hành. Công tác tái cơ cấu của Vinatex đã đạt được những thành tựu cơ bản, tuy nhiên, trong thời gian tới công tác này cần tiếp tục được phát huy. Theo quyết định thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp của SCIC thì Vinatex cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông thay đổi như thế nào thì cũng không để ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả và định hướng phát triển của Viantex trong thời gian tới. Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện chiến lược phát triển 5 năm tới vì vậy HĐQT, CQĐH của Vinatex cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo chung, phù hợp với chiến lược đó.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu tại hội nghị
Với những thành tích đã đạt được trong năm 2021, Đảng ủy Vinatex và nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên đã được Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương và danh hiệu chiến sỹ thi đua. Tổng Giám đốc Vinatex cũng đã quyết định khen thưởng cho các đơn vị đạt kết quả cao để đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn.
Các tập thể, doanh nghiệp và cá nhân được khen thưởng
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Vinatex đã tặng Kỷ niệm chương tri ân những nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến về trí tuệ, công sức trong nhiều năm qua của bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Vinatex.
Lãnh đạo Vinatex tặng Kỷ niệm chương và hoa tri ân bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Vinatex