Vinatex làm việc với Tập đoàn Walmart


Chiều 12/9, đoàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Walmart (nhà bán lẻ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ) do ông Avaneesh Gupta – Phó Chủ tịch Cấp cao, Mua bán Tổng hợp & Thu mua hàng may mặc dẫn đầu đã đến thăm, làm việc tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Tiếp đoàn về phía Vinatex có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc và lãnh đạo các ban chức năng Vinatex.

Toàn cảnh buổi làm việc

Hai bên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin về thị trường dệt may thế giới và Việt Nam, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực sản phẩm dệt may mang tính chuyên biệt tại Vinatex; những công nghệ và dự án đầu tư đã và đang triển khai; những bước đi trong phát triển bền vững, xanh hóa dệt may…

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường chia sẻ tại buổi làm việc

Giới thiệu với đoàn công tác của Tập đoàn Walmart, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex có dây chuyển sản xuất theo chiều dọc giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu kéo sợi, đồng thời cho phép truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong sản phẩm vải và may mặc của Vinatex. Bên cạnh đó, Vinatex tuân thủ chặt chẽ Bộ luật Lao động và các thông lệ, tiêu chuẩn, công ước quốc tế về lao động, đảm bảo 100% lao động trong  hệ thống Tập đoàn có giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH. Việc tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm xã hội luôn được Vinatex ưu tiên, nhiều doanh nghiệp trực thuộc đạt được các chứng chỉ độc lập của bên thứ 3 về trách nhiệm xã hội như chứng chỉ SA8000, ISO 26000.

Liên quan đến công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa qua Vinatex đã thử nghiệm và đưa ra thị trường loại vải đặc biệt mới có khả năng chống cháy, chống đâm đạt tiêu chuẩn và một số thử nghiệm tại Mỹ với công suất 2 triệu mét/năm. Vinatex đã xác định mục tiêu chiến lược “Trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang Xanh cho khách hàng doanh nghiệp. Từng bước vươn lên thang bậc cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu”. Đến năm 2025, Vinatex dự kiến sản xuất khoảng 35.000 tấn vải dệt kim trong đó 50% sử dụng để làm hàng FOB và 50% xuất khẩu vào chuỗi cung ứng.

Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn đã tập trung vào việc đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động, từ đó thu nhập của người lao động được cải thiện qua các năm trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động. Trong ngành sợi, nhiều doanh nghiệp của Vinatex đang áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đối với ngành may, Tập đoàn ưu tiên các công nghệ tự động hóa với dây chuyền sản xuất chuyên biệt. Hoạt động đầu tư được thực hiện theo hướng tự động hóa, sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu chất thải, tối ưu hóa quy trình tái chế.

“Vinatex đang tập trung cho phát triển bền vững, sản xuất xanh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với mục tiêu trung hòa phát thải các-bon đến năm 2050” – ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ông Avaneesh Gupta – Phó Chủ tịch Cấp cao, Mua bán Tổng hợp & Thu mua hàng may mặc Walmart mong muốn Vinatex quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của bông để làm sợi

Ông Avaneesh Gupta – Phó Chủ tịch Cấp cao, Mua bán Tổng hợp & Thu mua hàng may mặc Walmart cho biết, Walmart hiện có hệ thống hơn 10.500 cửa hàng tại 19 quốc gia. “Chúng tôi thật sự ấn tượng về quy mô rộng khắp trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Vinatex. Để tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi cung ứng minh bạch toàn cầu nói chung cũng như Walmart nói riêng, các bạn cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của bông để làm sợi. Cùng với đó là phải liên tục cải tiến công nghệ để có năng suất, chất lượng cạnh tranh nhất trên thị trường. Điều vô cùng quan trọng đối với các kế hoạch kinh doanh của Walmart là tính minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo cho tương lai phát triển bền vững”- Ông Avaneesh Gupta chia sẻ.

Trả lời các câu hỏi của Phó chủ tịch Walmart về những thuận lợi và thách thức đối với Vinatex trong 3-5 năm tới, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Trong vòng 3 năm tới, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Bên cạnh đó, những khó khăn về tỷ giá hối đoái khi VND tương đối ổn định so với USD trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh đều mất giá từ 10%-20% so với USD sẽ ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng. Điểm yếu lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đó là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Tập đoàn được đối tác đánh giá cao ở chất lượng và độ hoàn thiện của sản phẩm, tính linh hoạt trong đáp ứng yêu cầu đơn hàng cả về mặt chất lượng, chủng loại, mẫu mã lẫn số lượng. Lực lượng lao động trong Tập đoàn có kỹ năng tốt, thực hiện được nhiều sản phẩm thời trang phức tạp”.

Lãnh đạo Vinatex và Tập đoàn Walmart chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc buổi làm việc hai bên thống nhất sẽ tiếp tục duy trì liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp kỹ thuật, mua hàng có thể cùng nhau trao đổi, tìm kiếm hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

PV


Các tin khác