VINATEX họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19


Sáng 24/7/2021, ông Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp. Cuộc họp diễn ra tại 25 điểm cầu với sự tham gia của Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, trưởng các Ban chức năng của Vinatex và lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên.

Mở đầu cuộc họp, ông Lê Tiến Trường đã có phát biểu và nhận định về tình hình diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn có giao thương nhiều và dự báo phải tới tháng 9/2021 thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại như trước thời điểm của đợt bùng phát dịch hồi cuối tháng 4 năm nay. Trong đó, ngành May với các nhà máy quy mô lớn nhiều lao động đang chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi phát sinh dịch bệnh Covid -19 đến nay.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Vũ Hùng – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vinatex đã điểm lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị phía Nam, nơi cũng đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Trong đó, ông chia sẻ những lo ngại về chính sách truy vết khoanh vùng có những điểm khác nhau giữa các địa phương. Công tác chuẩn bị ứng phó của doanh nghiệp hầu như trong trạng thái bị động do các quyết định của chính quyền địa phương ban hành đều trong hoàn cảnh gấp rút cấp bách trong thời gian rất ngắn.

Do vậy, các doanh nghiệp cần phải có phương pháp đề chủ động nắm bắt thông tin, thực hiện phương án linh hoạt như chia nhỏ nguồn lực, tích cực tổ chức họp theo hình thức trực tuyến nhằm giảm thiểu những tác động từ công tác truy vết khoanh vùng… Đặc biệt là nguy cơ khách hàng lớn của ngành May chuyển đơn hàng sang nước khác để sản xuất dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có đơn hàng, lao động không có việc làm sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.

Các thành viên tham dự cuộc họp.

Cũng trong cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trị – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Phó Tổng giám đốc Vinatex; ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Hưng Yên; ông Lương Văn Thư – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP May Đáp Cầu; ông Phạm Văn Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 và ông Hồ Hai – Tổng Giám đốc Công ty CP Vinatex Đà Nẵng đã có những chia sẻ kinh nghiệm và bài học hữu ích trong điều hành sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong thời gian dịch bệnh vừa qua như kinh nghiệm tổ chức sản xuất khi doanh nghiệp có ca F0 trong nhà máy dẫn đến tình trạng giãn đoạn sản xuất một phần hoặc bị phong tỏa toàn bộ nhà máy…

Với quyết tâm tìm mọi giải pháp giữ việc làm cho người lao động và mục tiêu duy trì được kết quả sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn, ông Lê Tiến Trường đã có kết luận chỉ đạo và đưa ra một số giải pháp cấp bách. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung cần phải thực hiện:

Về hoạt động sản xuất kinh doanh:

Ngành Sợi: Đây là lĩnh vực trọng yếu cần phải tập trung nguồn lực duy trì tối đa sản lượng với đơn hàng đã ký kết và nguyên phụ liệu đã nhập về để có kết quả tốt nhất hỗ trợ cho ngành May. Theo đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì tốt việc sản xuất 3 tại chỗ, đặc biệt tổ chức cho người lao động ở các tỉnh khác ở lại nhà máy tránh di chuyển giữa các địa phương và áp dụng linh hoạt các kịch bản, phương án tổ chức sản xuất và khi cần áp dụng 100% nguồn lực để sản xuất 3 tại chỗ. Các đơn vị chưa có các kịch bản thì cần phải xây dựng ngay các kịch bản ứng phó cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Ngành May: Trong lúc khó khăn không thể đảm bảo đáp ứng được toàn bộ nên sắp xếp thứ tự ưu tiên phục vụ khách hàng lớn quan trọng.

Về công tác tư tưởng và chính sách hỗ trợ cho người lao động:

Lãnh đạo doanh nghiệp cần làm công tác tư tưởng chuẩn bị tâm lý tốt cho người lao động hiểu và chia sẻ để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Doanh nghiệp không chỉ là đầu mối liên hệ giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, mà còn phải có chính sách riêng hỗ trợ cho người lao động là những đối tượng phải nghỉ việc, phần nào giúp họ vượt qua khó khăn.

Hệ thống công đoàn: tổ chức nhóm hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho hoạt động 3 tại chỗ, nhóm này cần phải được cách ly tốt và đảm bảo cũng cấp đủ và an toàn cho người lao động.

Về công tác tổ chức điều hành doanh nghiệp:

Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Để giảm thiểu sự ảnh hưởng lan truyền trong công tác truy vết khoanh vùng, các doanh nghiệp cần lập danh sách và nắm bắt địa chỉ nơi lưu trú của người lao động để (i) phân nhóm lao động theo khu vực lưu trú, (ii) vận động những người đang lưu trú tại các khu vực đông dân phức tạp vào nhà máy thực hiện sản xuất 3 tại chỗ.

Đối với các doanh nghiệp của cơ sở sản xuất tại Hà Nội như Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân, Tổng công ty May 10 và Tổng công ty Đức Giang phải có những hành động kịp thời đảm bảo tuân thủ quy định của thành phố để duy trì được sản xuất bình thường.

Bố trí quy hoạch khu tiếp đón khách tách rời khỏi khu vực điều hành, khu vực sản xuất.

Tạo group để trao đổi chia sẻ học hỏi kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong điều hành sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Đặng Huyền


Các tin khác