Vinatex giữ vững hoạt động SXKD trong quý 4
Chiều 11/10/2022, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị trực tuyến BCH mở rộng sơ kết công tác Đảng và SXKD 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình, định hướng kế hoạch năm 2023.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Tiến Trường-Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Cao Hữu Hiếu-Phó Bí Thư đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; đồng chí Lê Nho Thướng-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ủy viên BCH Đảng bộ Vinatex, lãnh đạo trong cơ quan điều hành; lãnh đạo các doanh nghiệp và toàn thể CBCNV 2 Văn phòng của Vinatex.
Thay mặt BCH Đảng bộ Vinatex, đồng chí Trần Thị Thu Thảo – UV Ban Thường vụ đã trình bày Báo cáo sơ kết công tác Đảng 9 tháng năm 2022. Theo đó, Đảng ủy Vinatex đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tốt công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị SXKD. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai sâu rộng, bám sát các nội dung, nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát đã chủ động và đi vào trọng tâm, trọng điểm. Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Đảng ủy Vinatex sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện NQTW 5, thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Đảng. Tăng cường công tác tuyên truyền Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục chỉ đạo cấp ủy cơ sở rà soát quy hoạch cấp ủy; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030. Thực hiện các thủ tục về bàn giao, tiếp nhận tổ chức Đảng sau khi Đảng ủy Khối và Ban Tổ chức TW phê duyệt Đề án. Chỉ đạo cấp ủy cơ sở tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2022-2025. Tuyên truyền những kết quả đạt được trong phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo cáo kết quả SXKD 9 tháng năm 2022, ông Cao Hữu Hiếu-Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, 9 tháng năm 2022 kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, giá vận tải có xu hướng giảm và tăng trưởng tín dụng tốt. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn khi Trung Quốc, Nhật Bản vẫn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua đối với hàng dệt may. Trong bối cảnh đó, kết quả SXKD 9 tháng của Vinatex có lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.150 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2022, Vinatex đạt doanh thu 18.409,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1.393,2 tỷ đồng, tăng 46,5% so với kế hoạch.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu báo cáo kết quả SXKD 9 tháng năm 2022
Quý 4 năm 2022, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó giá bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ là yếu tố hỗ trợ giá giảm. Nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp tháng 10 mới chỉ có đơn hàng đạt khoảng 50%-70% năng lực, tháng 11,12 chưa có đơn hàng. Thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. Ngành May sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng Đông, chuẩn bị hàng Xuân. Hầu hết các đơn vị may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá… Trong thời gian tới ngành Sợi cần triển khai các giải pháp để duy trì kết quả SXKD, ngành May tích cực tìm kiếm đơn hàng đảm bảo sản xuất ổn định, bám sát kế hoạch sản xuất để linh hoạt trong chuẩn bị nguyên phụ liệu.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn, các ban chức năng và lãnh đạo các doanh nghiệp đã có những tham luận về dự báo thị trường dệt may 2022-2024; Dự báo bông, xơ, sợi 2023; Các yếu tố đầu vào giao kế hoạch năm 2023 và cập nhật về tình hình đơn hàng, các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2022.
Lãnh đạo Tập đoàn, các ban chức năng và lãnh đạo các doanh nghiệp đã có những tham luận tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường-Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, 9 tháng đầu năm Đảng bộ Tập đoàn đã hoàn thành tốt, đúng tiến độ các chương trình công tác xây dựng Đảng. SXKD vẫn tiếp tục đạt hiệu quả tuy nhiên lợi nhuận quý 3 đã giảm 50% so với bình quân của quý 1,2. Thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã chủ động kiểm soát tình hình, giảm thiểu tác động tiêu cực, công tác điều phối của Công ty mẹ đã phát huy hiệu quả. Trong quý 4, Đảng bộ Tập đoàn cần tập trung chỉ đạo các chi bộ hoàn thành đại hội trước ngày 30/11/2022, hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng Đảng năm 2022 và chuẩn bị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức Công đoàn chuẩn bị sớm các chương trình chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Giữ vững hoạt động SXKD quý 4 và các thành quả đã đạt được trong 3 quý đầu năm và tập trung đảm bảo việc làm cho người lao động. Xúc tiến sớm các chương trình, kế hoạch kinh doanh, khách hàng trọng điểm của năm 2023. Dự kiến và có giải pháp phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường và các biến động khó dự báo của thị trường tài chính, lãi suất. “Cùng với đó chúng ta cần kiên trì định hướng sản xuất theo chuỗi nâng cao tỷ lệ sản phẩm xanh. Kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động. Kiên trì bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp, bồi dưỡng sức chống chọi của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài”- Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Tiến Trường-Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex kết luận Hội nghị
Đưa ra dự báo năm 2023, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức thấp, cận kề với trạng thái khủng hoảng, lạm phát tiếp tục cao và tiếp tục chính sách lãi suất cao, USD mạnh thắt chặt tiền tệ, khả năng tổng cầu dệt may không tăng thậm chí giảm về mức giữa 2020-2021. Phục hồi nếu có chỉ từ quý 3,4 năm 2023 tương ứng với mức giảm của lạm phát. VNĐ mạnh tiếp tục là trở ngại trong so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó lãi suất VNĐ cao, lương tối thiểu cao hơn các quốc gia cạnh tranh là trở ngại trong thu hút các đơn hàng giá rẻ. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Vinatex đã đưa ra 3 kịch bản dự báo về tình hình xuất khẩu năm 2023, theo đó kịch bản tốt sẽ là 6 tháng đầu năm 2023 bình quân xuất khẩu như quý 4/2022, 6 tháng cuối năm đạt bình quân như 8 tháng đầu năm 2022; kịch bản trung bình (cơ sở) 9 tháng bình quân xuất khẩu như quý 4/2022, còn quý 4/2023 đơn hàng trở lại như 8 tháng đầu năm 2022; kịch bản xấu cả năm 2023 đơn hàng chỉ bình quân xuất khẩu như 4 tháng cuối năm 2022.
Xuân Quý