Vai trò các ngành thâm dụng lao động trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030: Vận hành 3 trụ cột Kinh tế – An sinh – Môi trường


Đặt vấn đề

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tháng 1/2021 đã xác định các mục tiêu chủ yếu cho phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, định hướng đến năm 2045 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước CHXHCN Việt Nam, trong đó nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm là:

– Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt GDP đầu người 4.700-5.000 USD.

– Đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao với GDP đầu người đạt 7.500 USD.

Trong định hướng phát triển kinh tế 2021-2025 tập trung chủ yếu vào: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” và nhấn mạnh một số nội dung mới của mô hình:

– Mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần dựa trên tiến bộ KHCN, sáng tạo và đổi mới.

– Phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

– Xác định kinh tế số đến 2025 chiếm khoảng 20% nền kinh tế, đến 2030 chiếm 30%.

– Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến với kinh tế tư nhân, phấn đấu đến 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Đóng góp của khối tư nhân chiếm 60-65% tổng GDP cả nước.

– Lựa chọn phát triển một số ngành trọng điểm, dựa trên công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

– Quy hoạch không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Với đặc điểm Việt Nam là nước có dân số đông, dự báo đến 2030 có 105 triệu dân, dân số trong độ tuổi lao động lớn nhưng tốc độ già hoá dân số khá nhanh (dự báo đến 2025 trên 20% dân số sẽ trên 65 tuổi), tỷ trọng dân số trong khu vực nông nghiệp có thu nhập thấp hơn bình quân GDP đầu người chung của cả nước còn lớn, cơ sở hạ tầng còn đang ở mức thấp trong hệ thống đánh giá chung của thế giới.

Thực trạng về lao động, việc làm và đóng góp của mỗi khu vực ngành kinh tế trong GDP hiện nay (số liệu hết tháng 6-2021 của GSO)

Nếu lùi lại một khoảng thời gian từ 2018 đến 2020 thì sự phân bổ GDP có sự khác biệt: GDP trong công nghiệp và xây dựng chiếm 34,15%, dịch vụ và thương mại chiếm 41,46%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,5% và thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm chiếm 9,89%.

Với đóng góp trong GDP như vậy nhưng việc phân bổ lao động tại các khu vực kinh tế còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết vì hiện nay có khoảng 50 triệu lao động trên 98 triệu dân được phân bổ trong khu vực nông lâm thuỷ sản có 13,9 triệu người; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,4 triệu người và khu vực dịch vụ có 19,6 triệu người.

 Theo báo cáo Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB) (cập nhật 7/4/2021), Chỉ số vốn nhân lực của Việt nam là 0,69. Điều đó có nghĩa là một em bé Việt Nam được sinh ra tại thời điểm hiện nay khi lớn lên gia nhập thị trường lao động sẽ đạt mức năng suất bằng 69% so với cũng đứa trẻ đó được học tập và chăm sóc đầy đủ sống ở các nước công nghiệp có thu nhập cao. Đây cũng là một giới hạn của Việt nam trên con đường hướng tới nước phát triển, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam là cao so với các nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại là thấp so với các nước thu nhập trung bình cao và khá xa so với các nước phát triển, mục tiêu mà chúng ta mong muốn vào năm 2045.

Theo báo cáo của WB thì tỷ lệ phụ thuộc ở Việt Nam là khoảng 45% vào năm 2020, tức là dân số ngoài độ tuổi lao động (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) bằng 45% số lượng trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên trên thực tế về báo cáo việc làm thì tỷ lệ phụ thuộc này có thể lên tới 82%.

 Báo cáo trên của WB cũng cho thấy thách thức lớn đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo khi mà Việt nam còn xếp hạng 89/137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng.

 Việt Nam ở xuất phát điểm thấp vào năm 2020 có quy mô nền kinh tế sau đánh giá lại khoảng 340 tỷ USD (trước đánh giá lại là 271 tỷ USD), với mục tiêu năm 2030 đạt 7.500USD/người và quốc gia có 105 triệu dân thì quy mô kinh tế cần đạt trên 780 tỷ USD. Áp lực tốc độ phát triển là rất lớn, con đường duy nhất là mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội lao động để đóng góp vào tổng GDP cả nước. Như vậy, người lao động có thu nhập được điều tiết bởi luật lao động, lương tối thiểu, hạn chế tạo lập bất bình đẳng thu nhập giữa khu vực có việc làm và thiếu việc làm. Việc tạo tối đa việc làm cũng là cơ hội để mọi người dân được tham gia các chính sách an sinh xã hội do luật lao động quy định và được hưởng phúc lợi xã hội ngày được nâng cao do khả năng tích lũy của nhà nước tăng lên.

Theo báo cáo Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2014-2049 do Tổng cục thống kê Việt Nam và quỹ dân số của Liên hiệp quốc (UNFPA) xuất bản năm 2016 (NXB Thông tấn) thì dân số đến 2025 là khoảng 100 triệu nguời. Với hệ số phụ thuộc là 0,475, năm 2025 sẽ có khoảng 67,8 triệu dân trong độ tuổi lao động, năm 2030, số dân trong độ tuổi lao động còn cao hơn, xấp xỉ 70 triệu dân.

Với giả thiết xây dựng mô hình kinh tế toàn dụng lao động, trên cơ sở lực lượng lao động có việc làm trung bình gần đây khoảng 53 triệu thì trong 5 năm tới cần tạo thêm việc làm cho khoảng 13 triệu lao động, trung bình khoảng 2,6 triệu lao động/năm.

Vai trò của các ngành thâm dụng lao động trong cơ cấu nền kinh tế

Nhìn vào số liệu GDP trên đầu người của các khu vực trong 6 tháng đầu năm 2021 có thể thấy khu vực dịch vụ đang tạo ra giá trị đầu người cao hơn mức cần phấn đấu của trung bình toàn thị trường lao động năm 2025, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ cần 1 năm tăng trưởng khoảng 3% là đạt mức trung bình toàn thị trường lao động. Tuy nhiên khu vực nông, lâm, thuỷ sản hiện có mức thu nhập trung bình chỉ tương đương 40% mức cần có năm 2025. Như vậy, bên cạnh cải thiện năng suất, khu vực này còn có nhu cầu rút bớt lao động ra khỏi nó khoảng 20-25% so với hiện nay, tương đương khoảng 3 – 3,2 triệu lao động. Rõ ràng với cách tiếp cận này khu vực dịch vụ và công nghiệp xây dựng sẽ có nhiệm vụ cần tạo ra khoảng 16 triệu việc làm trong 5 năm tới nếu muốn đạt mức bình quân chung khoảng 7.000USD/người lao động/năm vào năm 2025.

Chính vì vậy, quan điểm tiếp cận trong tái cơ cấu nền kinh tế nên là: “Tái cơ cấu mô hình kinh tế trên cơ sở nền tảng của Cách mạng công nghệ 4.0, toàn dụng lao động quốc gia, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó toàn dụng lao động quốc gia là mục tiêu trung tâm để gợi mở phương án tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đảm bảo ổn định xã hội, dân giàu nước mạnh”. Để xây dựng mô hình phát triển kinh tế, mô hình mới sẽ góp phần phân bổ nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp để trả lời câu hỏi:

– Những ngành nào sẽ cần được quan tâm định hướng cho đầu tư phát triển? Những ngành đó tạo ra bao nhiêu việc làm? Vấn đề cơ cấu lực lượng lao động vào các ngành tạo ra giá trị cao như thế nào?

– Chính sách tác động vào khu vực dịch vụ tạo tăng trưởng.

– Định hướng và không gian phát triển các ngành công nghiệp.

– Chính sách phát triển công nghiệp.

 Và một câu hỏi riêng cho ngành thâm dụng lao động như Dệt May đó là Dệt May có còn là ngành nằm trong cơ cấu kinh tế Việt nam đến 2030, tầm nhìn 2045 không? Nếu còn thì đảm nhiệm vai trò vị trí như thế nào?

Với lĩnh vực dệt may, quan niệm cho đây là một ngành giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng thu nhập cũng thấp là chưa chính xác. Nó mới chỉ xuất phát từ cách làm của chúng ta, chứ không phải là bức tranh chung của dệt may thế giới.

Trên thực tế, hiện nay ngành dệt may vẫn tồn tại ở các nước phát triển thu nhập gấp 10-15 lần Việt Nam như Pháp, Ý, Đức… cho các phân khúc cao cấp, hàng hiệu. Nhưng tương đồng với Việt Nam là các quốc gia sản xuất quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ thì dệt may vẫn được xác định là ngành kinh tế trọng điểm. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc ban hành tháng 4-2021 tiếp tục có mục tiêu trọng tâm cho ngành dệt may dù GDP đầu người Trung quốc đã vượt mức 10,000USD/người. Trung Quốc vẫn xác định ngành dệt may thế giới có quy mô tới 1800 tỷ USD trong đó có 800 tỷ USD thông qua xuất nhập khẩu từ các nước sản xuất vào các nước tiêu thụ. Xu hướng dịch chuyển làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn diễn ra làm quy mô cầu của ngành này với các nước sản xuất có tốc độ tăng CAGR ~6-7% là mức tốt trong các ngành sản xuất. Trung Quốc đặt mục tiêu đến 2030 cung ứng tới 40% nhu cầu ngành dệt may thế giới với KNXK khoảng 300 tỷ USD, tuy nhiên có dịch chuyển giảm tỷ trọng hàng may mặc từ 39% xuống khoảng 33%, tăng hàng dệt công nghiệp từ 30%-35% tổng lượng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc. Đặt ra nhiều mục tiêu xanh hoá ngành dệt may như tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế sẽ chiếm 15-30% tổng lượng sử dụng, trong khi năng lượng sử dụng giảm 18%. Đặt mục tiêu số doanh nghiệp quy mô trên 1,5 tỷ USD doanh thu 1 năm lên 50 công ty. Ngành dệt may vẫn có nhiệm vụ tạo việc làm và thu nhập tương đương GDP đầu người tức là trên 12.000 USD/năm hiện nay và lên xấp xỉ 18.000 USD/năm vào năm 2030 cho khoảng 15 triệu lao động. Như vậy có thể kết luận, với GDP đầu người đến 2030 phấn đấu đạt 7500 USD, đến 2045 khoảng trên 12.000USD thì ngay cả đến 2045 dệt may cũng chưa phải là đã hết lợi thế cạnh tranh trong sản xuất từ Việt Nam. Chưa cần bị loại bỏ ra khỏi cơ cấu kinh tế, nhưng cần đổi mới triệt để cách làm đảm bảo 3 trụ cột kinh tế – an sinh – môi trường.

Với thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta khó hình thành những sản phẩm đột phá về công nghệ so với thế giới nhưng chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, không thể coi nhẹ ngành công nghiệp dệt may mà phải coi đây là ngành quan trọng trong vòng vài chục năm tới vì sử dụng được số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) nhưng lại có thu nhập cao hơn 2-3 lần lao động nông nghiệp. Vấn đề là phải tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu cao của các hiệp định thương mại tự do mới là đi từ sợi để từng bước tham gia được cả vào 4 công đoạn: thiết kế – sản xuất nguyên liệu – gia công – phân phối của ngành công nghiệp dệt – may trong vòng 20-30 năm tới, giúp giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề. Do vậy, phải gắn phát triển công nghiệp dệt – may với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, đô thị hóa nông thôn Việt Nam.

Hiện tại dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động trên cả nước, tạo ra KNXK 40 tỷ USD, thặng dư thương mại (kim ngạch XK trừ đi KN nhập khẩu nguyên phụ liệu cho dệt may) đạt gần 20 tỷ USD là ngành có thặng dư cao nhất trong các ngành xuất khẩu do có tỷ lệ nội địa hoá khả quan nhất. Đồng thời đang chi trả thu nhập cho NLĐ khoảng 3800 USD/người/năm. Với mục tiêu khả thi có thể đạt KNXK khoảng 70 tỷ USD đến năm 2030, ngành dệt may hoàn toàn có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp (tăng 1,5 triệu so với hiện nay) và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành. Cùng với tỷ lệ hưu trí tự nhiên 5% /năm, mỗi năm ngành có thể tạo việc làm cho 250.000-300.000 việc làm mới.

Để đạt được mục tiêu này trước hết cần thay đổi tư duy về ngành dệt may của đất nước lớn thứ 2 về xuất khẩu dệt may trên thế giới. Do đó không thể sản xuất phân tán, vụn vặt, quy mô nhỏ, không có ngành sản xuất nguyên liệu và ngành nghiên cứu phát triển về vật liệu, thiết kế. Kinh nghiệm từ quy hoạch dệt may của 2 quốc gia lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ thì nhà nước đều có đầu tư các khu tập trung lớn quy mô hàng ngàn hec ta cho sản xuất nguyên liệu và khoảng 20% nguyên liệu được làm đến khâu may tại KCN. Xác thực vai trò của 1 điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp cho người mua hàng hoá dệt may toàn cầu. Tại Trung quốc, có những địa phương cấp huyện được quy hoạch chiến lược chuyên sản xuất vải như tại Thiệu Hưng – Chiết Giang với quy mô KNXK của huyện lên trên 25 tỷ USD/năm, có lợi thế cạnh tranh lớn về quy mô, giao hàng nhanh, giao được trọn gói các loại mặt hàng và kích cỡ đơn hàng từ nhỏ đến lớn. Chính nhờ các trung tâm này mà hiện nay xuất khẩu dệt may của Trung Quốc trên 300 tỷ USD thì hàng may mặc chỉ còn khoảng 140 tỷ USD, còn lại là nguyên liệu công nghiệp, kể cả ngành sản xuất thiết bị dệt may cũng được tích hợp chung vào chiến lược phát triển dệt may.

Với cách tiếp cận đó, ít nhất Việt Nam cần 8- 10 khu công nghiệp quy mô trên 1000 ha cho dệt may với 1 ở trung du Bắc bộ, 2 đồng bằng nam sông Hồng, 1 Bắc trung bộ, 2 ở Trung bộ và Nam trung bộ, 2 ở Nam bộ. Các khu CN cần có điều kiện tiếp cận giao thông thuận tiện với cảng biển, có quy hoạch để xây dựng KTX cho công nhân. Mỗi khu công nghiệp sẽ có module đầu tư từ 1 triệu – 1,5 triệu cọc sợi, khả năng sản xuất 150 triệu mét vải dệt thoi, 60.000 tấn dệt kim, và khoảng 250 triệu sản phẩm may. Toàn khu đạt KNXK từ 2,3-2,5 tỷ USD, thu hút 25-30.000 lao động. Các khu tập trung chủ yếu sản xuất nguyên liệu nên sử dụng ít lao động, kim ngạch xuất khẩu trên đầu người cao gấp 3-4 lần hiện nay (hiện nay 40-50.000 lao động mới tạo ra 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nếu chỉ dựa vào khâu may)

Dệt may cùng các ngành thâm dụng lao động  đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế xã hội theo mô hình tam giác phát triển: kinh tế – môi trường sống – an sinh phúc lợi xã hội. Trong đó chú trọng việc quy hoạch hạ tầng cho lao động sống ổn định cả về văn hoá – tinh thần – giáo dục.

Trong quá trình phát triển kinh tế, tất yếu là chúng ta phải có tác động vào hệ cân bằng sinh thái – môi trường sống của con người. Vấn đề là sau đó chúng ta ứng xử thế nào. Với dệt may, hiện nay vấn đề các địa phương lo ngại là nước thải khi sản xuất vải, tuy nhiên không thể tiếp cận theo hướng có rủi ro thì không cho làm, mà nên quản trị rủi ro theo pháp luật. Có quy định, có đánh giá cấp phép hoạt động và sẵn sàng đóng cửa nếu vi phạm về mô trường. Đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp tuân thủ và doanh nghiệp vi phạm

Lời kết

          Phân tích khách quan về nhu cầu của thị trường thế giới, hành vi của chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các điều kiện về dân cư – thu nhập của Việt Nam cho thấy, đến năm 2045, ngành dệt may vẫn còn có dư địa phát triển và lợi thế cạnh tranh. Vấn đề là trong quy hoạch vĩ mô chúng ta có xác định duy trì và phát triển ngành dệt may hay không? Nếu dự kiến có ngành này trong cơ cấu kinh tế Việt Nam đến 2045 thì cần có chính sách cụ thể, nhất là quy hoạch phát triển theo hướng duy trì và củng cố vị trí là quốc gia có quy mô xuất khẩu dệt may nằm trong top 3 của thế giới. Đáp ứng được các yêu cầu của cả 3 trụ cột Kinh tế – An sinh – Môi trường.

Bài: Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

  • Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;
  • Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021 – Tổng cục thống kê, tháng 7-2021;
  • Báo cáo Tổng quan Việt Nam – World Bank, tháng 4-2021;

Báo cáo về Dân số Việt Nam 2014-2049 – Tổng cục thống kê & quỹ dân số của Liên hiệp quốc – NXB Thông tấn, 2016.


Các tin khác