Phong cách aesthetic – Tuyên ngôn thời trang của Gen Z


Aesthetic không chỉ là gu thời trang mà còn là cách sống, làm việc cũng như tiếp nhận nghệ thuật.

Nếu hoạt động trên mạng xã hội thường quyên, có lẽ bạn đã vài lần nhìn thấy hashtag aesthetic được gắn với những bộ hình xinh đẹp hoặc một xu hướng ăn mặc cụ thể. Vậy aesthetic là gì? Làm sao để tìm được phong cách aesthetic phù hợp với bản thân? Hãy cùng ELLE khám phá nhé.

AESTHETIC LÀ GÌ?

Khái niệm aesthetic được nhà triết học Đức Alexander Baumgarten lần đầu sử dụng vào thế kỷ XVIII để miêu tả về gu thẩm mỹ và cách tiếp nhận nghệ thuật của mỗi người. Aesthetic “bùng nổ” thành một phong trào hiện đại vào những năm 2010 nhờ vào dòng nhạc Vaporwave và sự phát triển của mạng xã hội hình ảnh như Pinterest, Tumblr…

(Ảnh: @minabarrio)

Aesthetic bao gồm nhiều phong cách khác nhau, được thể hiện qua cách lựa chọn quần áo, nội thất, cách làm việc… Sở hữu aesthetic của riêng mình là một cách xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả, do đó khái niệm aesthetic được thế hệ Z – những bạn trẻ yêu thích sự tự do và cái đẹp, sử dụng rất thường xuyên.

CÓ NHỮNG KIỂU AESTHETIC NÀO?

VINTAGE

Có thể dễ dàng nhận ra kiểu vintage aesthetic qua áo polo, quần jeans lưng cao, áo khoác denim và áo thun graphic. Thuộc tuýp người hoài cổ, những người theo đuổi phong cách này sẽ tiên phong trong những xu hướng “quay về tuổi thơ” như kẹp tóc đủ màu, quần yếm denim…

Sự phổ biến của vintage aesthetic là một trong những nguyên nhân khiến xu hướng thập niên 80 hot trở lại (Ảnh: @best.dressed)

Sở thích này của cô nàng vintage còn thể hiện qua thói quen chụp ảnh polaroid lấy liền hay mua sắm tại cửa hàng đồ cũ. Với quan niệm “cũ người mới ta”, một điểm quan trọng của vintage aesthetic chính là xây dựng tủ đồ thời trang bền vững.

(Ảnh: @maracalli)

MINIMALISM – TỐI GIẢN

Một trong những aesthetic phổ biến nhất hiện nay chính là phong cách tối giản. Ngoài những món đồ vượt thời gian như áo thun, quần tây và áo blazer, minimal aesthetic còn được nhận diện bởi gam màu trung tính như trắng, đen, xanh navy hoặc màu be trong trang phục thường ngày.

(Ảnh: @emwng)

Những người thuộc nhóm này không chỉ sở hữu tủ quần áo tối giản mà cách họ trang trí nội thất, sắp xếp không gian làm việc… cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách minimalism. Nét đẹp tinh tế, lối sống đơn giản và nguyên tắc zero-waste là những giá trị được hộ trân trọng nhất.

(Ảnh: @karienanne)

ARTSY

Trang phục yêu thích của những cô gái artsy thường là áo thun màu vàng kết hợp cùng quần jeans sáng màu. Không thể thiếu đôi vớ in hình bức tranh từ nghệ sĩ yêu thích như Van Gogh hay Monet và balo “cáo” Kanken.

(Ảnh: @artsypeach)

Sở thích của những cô nàng artsy cho phép cô thể hiện được óc sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật. Sáng tác nhạc, vẽ tranh, trồng cây hay đọc sách đều là những thói quen gắn liền với artsy aesthetic. Nếu như bạn theo đuổi phong cách artsy, có lẽ bạn là người biết trân trọng vẻ đẹp của thế giới, đồng thời luôn cố gắng tỏa ra năng lượng tích cực giúp “chữa lành” những người xung quanh.

(Ảnh: @emmachamberlain)

Ảnh: Lisa (BLACKPINK)

GRUNGE

Được đặt tên theo dòng nhạc xuất hiện từ những năm 1980, grunge aesthetic xoay quanh âm nhạc và chịu ảnh hưởng từ những nghệ sĩ nhạc grunge. Bạn có thể nhận ra phong cách grunge qua chiếc áo thun in tên một ban nhạc, tủ đồ một màu đen và chiếc tất lưới “chất lừ”.

(Ảnh: @liberty.mai)

Một số nhóm nhạc “biểu tượng” cho grunge aesthetic là Nirvana, The Neighborhood, Arctic Monkeys… Những người theo đuổi phong cách grunge thường quan tâm đến các vấn đề về xã hội, văn hóa và môi trường, đồng thời không chạy theo những xu hướng nhất thời để tập trung hơn vào cá tính của bản thân.

(Ảnh: @luanna)

SOFT GIRL

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Nhật Bản, trang phục đặc trưng của soft girl aesthetic là chiếc chân váy phong cách nữ sinh, hoạt tiết kẻ sọc và áo kiểu thủy thủ. Đúng như tên gọi của mình, bảng màu chủ đạo của aesthetic này là pastel nhẹ nhàng, nữ tính.

(Ảnh: @cestmaria)

Những cô gái theo soft girl aesthetic thường được yêu thích bởi tính cách đáng yêu, dễ gần, mang đầy năng lượng tích cực, gợi nhớ đến hình tượng nhân vật chính thân thiện trong những bộ phim anime Nhật Bản. Với thái độ sống chan hòa, họ là những người thường xuyên ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ và phong trào bình đẳng giới.

(Ảnh: @xuzzi)

Ngoài những phong cách cơ bản trên, vô số aesthetic khác vẫn đang được cộng đồng mạng sáng tạo thêm mỗi ngày. Tuy khái niệm aesthetic được sử dụng rất phổ biến nhưng thế hệ Z không tự giới hạn bản thân trong những định nghĩa này mà linh hoạt điều chỉnh sao cho phù hợp với tính cách và ngân sách của mình nhất. Đó là lý do ngày càng nhiều aesthetic được hình thành và ranh giới giữa các phong cách ngày càng trở nên mờ nhạt.

Hoàng Hân (tổng hợp)


Các tin khác