Truyền thông “kênh” kết nối để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”


Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khi triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động không chỉ giúp các đơn vị trong Vinatex gắn kết, chia sẻ khó khăn, đồng hành xây dựng Tập đoàn ngày một vững mạnh, mà còn hình thành niềm tự hào dân tộc, tự hào hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam trong tâm thức người tiêu dùng.

Truyền thông lan tỏa hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai nhằm vận động mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương. Thông qua tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho doanh nghiệp và nộp thuế cho Nhà nước. Tiền thuế của doanh nghiệp được Nhà nước sử dụng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước…

Bằng nhiều hình thức và phương pháp linh hoạt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Vinatex trong nhiều năm nay luôn tạo điểm nhấn trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

“Kênh” truyền thông đa dạng, phong phú của Vinatex không chỉ thực hiện qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, triển lãm, ngày hội lao động sáng tạo, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội… mà còn sử dụng các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam. Theo đó, công tác truyền thông ở Vinatex và các đơn vị thành viên không chỉ dừng lại ở vận động hay hô hào khẩu hiệu mà đi vào thực chất hoạt động SXKD của đơn vị và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo của Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng các nhóm sản phẩm và kênh phân phối chính như sau:

Thứ nhất, kênh sản phẩm may mặc bán ra thị trường thông qua các siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn và doanh nghiệp. Với hai trung tâm thời trang của Tập đoàn có quy mô hơn 5.000m2 sàn và trên 2.000 cửa hàng/đại lý của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, cung cấp đầy đủ các chủng loại mặt hàng từ thời trang công sở, đồng phục học sinh, khăn, chăn gối, thời trang nam nữ. Các doanh nghiệp điển hình trong cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa là TCT Cổ phần may Việt Tiến, TCT May 10-CTCP, TCT Cổ phần May Nhà Bè, TCT Đức Giang – CTCP, TCT Cổ phần Dệt May Hòa Thọ… với doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Thứ hai, nhóm cung cấp sản phẩm đồng phục công sở cao cấp theo yêu cầu của doanh nghiệp, đã đạt thỏa thuận trong toàn hệ thống và cung ứng trong 7 năm cho Vietnam Airlines và 03 năm cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với doanh thu tổng cộng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều đồng phục cho các doanh nghiệp thành viên ngành điện, dầu khí,… Riêng TCT Đức Giang đã cung ứng khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Thứ ba, sản xuất nguyên liệu, sợi, vải bán cho doanh nghiệp trong nước dệt vải và may mặc với doanh thu bình quân đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, đã thành nếp, khi thực hiện mua sắm trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để phục vụ sản xuất, kinh doanh, Vinatex sẽ chọn hàng Việt Nam. Việc rà soát vật tư, phụ liệu, phụ tùng thiết bị và hàng hóa dịch vụ hiện đang sử dụng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Mỗi bộ phận, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất; chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại. Rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế chi tiêu, mua sắm nội bộ…. nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh để ưu tiên dùng hàng nội địa và đặc biệt là dịch vụ, sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Vì hàng hóa là nguồn vật tư, phụ liệu, máy móc thiết bị nên Vinatex thường xuyên xem xét yêu cầu các tiêu chuẩn; đánh giá định kỳ các nhà cung ứng vật tư, phụ liệu để tìm cơ hội sử dụng hàng sản xuất trong nước với tỷ lệ cao để đưa vào sử dụng trong việc sản xuất.

Nhiều năm nay, các đơn vị trong Vinatex không chỉ sử dụng dịch vụ, hàng hóa nội địa, mà còn sử dụng các sản phẩm hàng hóa của nhau. Chia sẻ về hiệu quả của Cuộc vận động, ông Nguyễn Đăng Lợi-Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân thông tin, công ty luôn có những hợp đồng mua bán, sử dụng sản phẩm của TCT CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex), TCT CP Dệt May Nam Định, TCT May 10-CTCP, TCT Đức Giang – CTCP… Sự hợp tác này góp phần vào hiệu quả SXKD của đơn vị.

Ấm tình hàng Việt trong lòng người tiêu dùng

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam, trước tình hình khan hiếm khẩu trang, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc bình ổn giá, các doanh nghiệp dệt may chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất, chế tạo vải kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế và tổ chức nhiều kênh phân phối với giá bình ổn, cung cấp cho nhân dân cả nước chống dịch.

Cùng với việc trao tặng hơn 2,6 triệu khẩu trang kháng khuẩn cho lực lượng bộ đội biên phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Kon Tum, Đắc Lắc, Quảng Ninh, Cao Bằng, các bệnh viện lớn và các cơ sở cách ly…, Vinatex chỉ đạo các doanh nghiệp có trụ sở đóng ở địa phương nào cung ứng sản phẩm khẩu trang chống dịch ngay tại địa phương đó. Các đơn vị sản xuất khẩu trang phát miễn phí cho đoàn viên và người lao động tại đơn vị, hỗ trợ cho người dân địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, trao tặng một số trường học, bệnh viện, các trung tâm cách ly… điển hình như TCT May 10-CTCP, CT CP Dệt May Huế, TCT CP Dệt May Hòa Thọ, TCT CP May Việt Tiến,…

Song song với các mục tiêu phát triển ngành, phát triển thị trường xuất khẩu dệt may, Vinatex luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác mở rộng thị trường nội địa, thị trường thời trang, mạng lưới cửa hàng tại các đơn vị thành viên. Tôn chỉ và mục tiêu ưu tiên phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt, đưa hàng may mặc Việt Nam với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đến trực tiếp người tiêu dùng.

Cũng như vậy, đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, các sản phẩm phục vụ sinh hoạt, làm việc hàng ngày, các loại văn phòng phẩm, dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, y tế, phục vụ bữa ăn giữa ca của CBNV-NLĐ tại đơn vị, Công đoàn các doanh nghiệp luôn ưu tiên chọn mua và sử dụng các sản phẩm của công ty và doanh nghiệp trong nước có uy tín. Các đơn vị sản xuất kinh doanh không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại nhằm sản xuất sản phẩm hàng hóa Việt có chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tiếp tục đẩy mạnh kênh tuyên truyền

Hiện nay, một bộ phận lớn người tiêu dùng có nhận thức về lợi ích của việc dùng hàng nội địa. Thông qua Cuộc vận động, hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn. Cuộc vận động cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021  của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới đã khẳng định Cuộc vận động là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị số 03-CT/TW cũng nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá Việt Nam…

Bài: Thanh Thúy


Các tin khác