Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: Tìm hướng dịch chuyển, cân đối ngành đào tạo gắn với qui mô và nhu cầu thị trường lao động
Sáng 15/7, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chủ trì buổi làm việc của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn với BTV Đảng uỷ, Ban giám hiệu Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021; công tác tuyển sinh mới, mở ngành mới, tốt nghiệp hệ ĐH khóa 2…
Báo cáo tại buổi làm việc, TS Hoàng Xuân Hiệp- UVBTV Đảng uỷ Tập đoàn, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thông tin: Do dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhà trường bị phong tòa 40 ngày (từ ngày 9/5-22/6), đến ngày 26/6, khối CNLĐ ở Trung tâm sản xuất dịch vụ (SXDV) mới đi làm đầy đủ.
Về đào tạo, hiện nay khối các trường đào tạo kỹ thuật rất khó khăn, do áp lực đào tạo thực hành trong điều kiện hầu hết sinh viên học online để phòng, chống dịch. Sau khi dịch được kiểm soát, trường cố gắng đảm bảo tiến độ năm học không bị kéo dài nhiều so với kế hoạch. Hiện nay, trong tổng số gần 4600 sinh viên đại học, đã có 3700 sinh viên quay lại học trực tiếp. Nhà trường sẽ triển khai dạy bù thực hành trong vòng 5 tuần. Với số sinh viên còn lại, trường xây dựng tiến độ phù hợp để sinh viên hoàn thành nội dung thực hành, thí nghiệm và thực tập tốt nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Nhà trường dự kiến tổ chức Ngày hội việc làm vào ngày 6/5, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát nên chưa tổ chức được. Đã có 28 DN đăng ký tham dự Ngày hội. Trong đó có 5 DN thuộc Tập đoàn Vinatex. Dự kiến, đầu tháng 8, trường sẽ tổ chức Ngày hội theo hình thức online. Hiện đã có hơn 2000 vị trí tuyển dụng trình độ ĐH, CĐ được các DN đăng ký (trong đó cán bộ quản lý là 318 vị trí, cán bộ kỹ thuật 1720 vị trí).
Về công tác tuyển sinh năm 2021, đến 10/7, trường đã nhận được 3854 hồ sơ tuyển sinh ĐH-CĐ cả theo kênh nộp học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Số hồ sơ tăng 29% so với năm 2020, ước tuyển sinh được khoảng 1300-1400 SV chính qui. Ngoài ra, trường kết hợp với DN đào tạo hệ đại học theo hình thức vừa làm vừa học tại DN cho khoảng 100 chỉ tiêu.
TS Hoàng Xuân Hiệp cho biết: Để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, nhà trường chú trọng phát huy vai trò của công tác truyền thông theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó tập trung truyền thông online qua gần 100 video giới thiệu các học phần, ngành học, phương thức giảng dạy, thiết bị, phòng học thông minh, cơ hội việc làm… của nhà trường.
Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức tư vấn trực tiếp qua zoom cho tất cả thí sinh đã nộp hồ sơ vào giữa tháng 7, 8; tạo cơ hội cho sinh viên, PHHS tiếp cận cụ thể thông tin của nhà trường, góp phần nâng tỷ lệ SV theo học tại trường.
Trường đang nghiên cứu mở ngành thương mại điện tử và logictis. Hiện đã tuyển 3 giảng viên xây dựng chương trình đào tạo cho những ngành mới này. Tháng 8, trường sẽ triển khai đánh giá bên ngoài theo chuẩn quốc gia để tiến tới mở ngành học thuận lợi hơn sau khi đã là đại học tự chủ.
Đối với hoạt động cùa Trung tâm SXDV: 6 tháng đầu năm, ước thực hiện 23 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2 năm trước do địa bàn bị phong tỏa trong thời điểm dịch bùng phát khiến gần 100 lao động không thể đi làm trong 1,5 tháng và gần 200 SV không thể đi thực tập.
6 tháng cuối năm ước thực hiện 32,2 tỷ đồng, cả năm sẽ đạt trên 54 tỷ tương đương năm 2020. Kế hoạch sản xuất đã kín đến hết tháng 12/2020, Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh năng suất đạt mức doanh thu tốt nhất.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực, vượt khó của tập thể CBGV-NV nhà trường trong thực hiện đảm bảo công tác đào tạo, sản xuất trước tác động của dịch bệnh. Nhà trường đã duy trì công tác dạy học trực tuyến, xây dựng phương án thực hành cho sinh viên, đẩy mạnh hoạt động sản xuất dịch vụ gắn với phòng, chống dịch…
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nhấn mạnh: Đến thời điểm này, gần 900 sinh viên khóa 2 chuẩn bị tốt nghiệp, chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch do dịch Covid-19 bùng phát. Trước mắt, nhà trường cần quan tâm chuẩn bị việc làm cho lứa sinh viên tốt nghiệp khóa 2. Với sinh viên tốt nghiệp các ngành Quản lý công nghiệp, Sợi dệt, Cơ khí, nhà trường phối hợp với Ban Quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn rà soát nhu cầu việc làm để tuyển dụng ngay cho các đơn vị, dự án mới của Tập đoàn.
Trong thời gian tới, nhà trường tập trung nghiên cứu dịch chuyển, định hướng, cân đối các ngành đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của ngành và thị trường lao động. Khai thác qui mô đào tạo, năng suất hoạt động của nhà trường. Nghiên cứu mở ngành học mới để thu hút thêm sinh viên đảm bảo hoạt động tự chủ toàn diện của nhà trường.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần phấn đấu tăng trưởng tuyển sinh đúng với qui mô được đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất cho 2000 sinh viên hệ ĐH/khóa, đảm bảo tổng SV đào tạo ĐH đạt 8000 sinh viên trong nhà trường.
Bên cạnh Trung tâm SXDV, nhà trường nghiên cứu hướng tổ chức, khai thác được trung tâm tư vấn đào tạo quản lý doanh nghiệp, thiết kế sản phẩm, tư vấn tài chính, kế toán cho các đơn vị có nhu cầu…
Thống nhất quan điểm đi trước một bước vừa đào tạo, vừa tuyển dụng giảng viên có trình độ Tiến sĩ của nhà trường, hướng tới nhóm ngành được thành lập mới. Khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên học nâng cao trình độ, đảm bảo đến năm 2022 mỗi ngành đào tạo có 2 Tiến sĩ.
Song song với các hoạt động chuyên môn, nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng, triển khai hiệu quả Chương trình hành động học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quan tâm bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới…
Giang Nguyễn