Tổng quan về mùa vụ bông 2021/2022


Tương quan cung cầu, thương mại bông

Trong báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh lại lượng sản xuất và tiêu thụ của mùa vụ năm 2020/2021 so với trước đây. Khối lượng sản xuất điều chỉnh giảm từ 24,7 triệu tấn xuống còn 24,5 triệu tấn, trong khi đó khối lượng tiêu thụ tăng từ 25,7 triệu tấn lên 26 triệu tấn. Sự điều chỉnh này đã làm tồn kho vụ 2020/21 giảm còn 19,9 triệu tấn. Trong vụ 2021/2022, mặc dù sản lượng được dự kiến tăng mạnh 1,5 triệu tấn lên 26 triệu tấn nhưng tiêu thụ cũng tăng 1 triệu tấn, lên 27 triệu tấn nên tồn kho cuối kỳ vẫn giảm 5% so với vụ trước, còn 18,9 triệu tấn.

Tồn kho cuối kỳ vụ 2021/2022 của Trung Quốc được dự kiến giảm 11% so với mùa vụ trước do sản lượng giảm 0,6 triệu tấn nhưng tiêu thụ lại tăng 0,2 triệu tấn. Như vậy, có thể trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu bông hoặc nhập khẩu sợi từ các nước khác hoặc có thể cả hai để bù đắp phần nguyên liệu thiếu hụt cho chuỗi sản xuất dệt may.

Tồn kho bông Mỹ vụ 2020/21 giảm mạnh còn 0,7 triệu tấn do xuất khẩu bông của Mỹ tăng cao kỷ lục 3,6 triệu tấn trong khi sản lượng lại giảm mạnh do thời tiết bất lợi. Dự kiến trong mùa vụ 2021/2022, tồn kho bông Mỹ vẫn ở mức thấp khoảng 0,8 triệu tấn.

Thương mại bông toàn cầu vụ 2021/2022 dự kiến giảm 0,4 triệu xuống còn 10,2 triệu tấn. Xuất khẩu bông của Mỹ và Brazil dự kiến giảm, xuất khẩu bông của Úc tăng mạnh còn Ấn Độ và Benin giữ nguyên so với vụ trước. Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, của Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhẹ, Việt Nam giữ nguyên và Pakistan tăng nhẹ so với vụ trước.

Mùa vụ bông Mỹ 2021/2022

Bông Mỹ hiện đang vào vụ thu hoạch. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thống kê tình hình thu hoạch bông trên 15 bang có tỷ lệ trồng bông bằng 99% của năm 2020. Thống kê được cập nhật đến ngày 3/10/2021 theo 3 tiêu chí như bảng dưới đây:

  • Tỷ lệ bolls mở tính đến ngày 3/10/2021 trung bình ở 15 bang là 70%, thấp hơn cùng thời điểm vụ trước là 81% và trung bình các vụ từ 2016-2020 là 75%
  • Tỷ lệ thu hoạch tính đến ngày 3/10/2021 trung bình ở 15 bang là 13%, thấp hơn cùng thời điểm vụ trước là 16% và trung bình các vụ từ 2016-2020 là 19%
  • Chất lượng bông thu hoạch vụ 2021/22 tính đến thời điểm này được xem là một trong những mùa vụ tốt nhất trong lịch sử. Chất lượng bông từ trung bình, tốt và xuất sắc chiếm đến 94% bông thu hoạch, bông rất xấu chỉ chiếm có 1%. Đặc biệt, tỷ lệ bông tốt chiếm 52%, cao hơn hẳn mức 32% của mùa vụ trước.

Các thông tin về thu hoạch bông Mỹ năm nay cho thấy mặc dù mùa vụ đến muộn hơn mọi năm nhưng chất lượng bông lại vô cùng tốt. Một đặc điểm của thu hoạch bông ở Mỹ là diện tích gieo trồng và thu hoạch thường khác nhau. Nếu người trồng bông nhận thấy chất lượng ruộng bông không đạt tiêu chuẩn, họ sẽ không thu hoạch để tránh mất thêm chi phí. Vì vậy, nếu các diện tích thu hoạch còn lại của bông Mỹ vẫn duy trì được tỷ lệ chất lượng như hiện nay thì sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu cả về số lượng và chất lượng.

Tổng quan giá

Trên thị trường quốc tế, giá bông năm 2021 thường xuyên duy trì ở mức cao trên 2 USD/kg. Từ đầu năm đến nay, giá bông đã tăng 33%. Đặc biệt, trong 10 ngày cuối tháng 9, giá bông tăng vọt lên 20% theo đường dốc thẳng đứng. Việc tăng giá này được cho là do yếu tố đầu cơ trên thị trường tài chính.

Trung Quốc vừa thực hiện xong đợt bán đấu giá bông dự trữ từ tháng 7 đến hết tháng 9 với lượng bông bán ra 600.000 tấn. Mục tiêu của hệ thống dự trữ bông của Trung Quốc là muốn giữ lượng tồn kho ở mức độ ổn định. Vì vậy, sau đợt bán đầu giá dự trữ bông vừa qua, khi vào vụ bông trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải tăng cường mua bông dự trữ bổ sung cho kho dữ trữ Nhà nước.

Trong vụ 2020/2021, Trung Quốc nhập khẩu lượng bông cao kỷ lục trong lịch sử 2,8 triệu tấn đến chủ yếu từ 3 nguồn là Mỹ (1,3 triệu tấn), Brazil (0,8 triệu tấn) và Ấn Độ (0,5 triệu tấn) và giảm mạnh lượng nhập khẩu từ Úc (0,08 triệu tấn). Lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây, Trung Quốc vượt Việt Nam trở thành nước nhập khẩu bông Mỹ nhiều nhất. Việc tăng cường nhập khẩu bông Mỹ của Trung Quốc xuất phát từ Thỏa thuận giai đoạn Một mà hai nước ký kết vào tháng 1/2020 và có hiệu lực cho đến hết tháng 12/2021. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết phải mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm. Hiện tại vẫn chưa có gì chắc chắn về một thỏa thuận tiếp theo có thể được ký kết vào cuối năm nay khi Mỹ vẫn còn lập lờ, cho rằng cần phải đánh giá lại kết quả của Thỏa thuận giai đoạn Một trước khi tính tới Thỏa thuận tiếp theo. Tuy nhiên, cả hai nền kinh tế này thời gian qua đều chịu tổn thương bởi dịch bệnh Covid – 19, đều đang cần sự ổn định để phục hồi kinh tế. Vì vậy, có khả năng một Thỏa thuận tiếp theo sẽ được ký kết vào cuối năm nay hoặc không Trung Quốc sẽ phải tăng cường thực hiện cam kết Giai đoạn một và do vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn bông Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bông Úc. Vì vậy, khả năng cao trong vụ tới nước này tiếp tục nhập khẩu lượng lớn bông Mỹ, là tác nhân trực tiếp đẩy giá bông lên cao.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9 này đã điều chỉnh tăng sản lượng bông Mỹ lên 0,2 tấn so với tháng trước, dự kiến ở mức 4 triệu tấn trong vụ 2021/2022. Cùng với đó, tình hình trồng trọt, canh tác, thu hoạch và chất lượng bông Mỹ mùa vụ này được đánh giá là tốt và xuất sắc. Sản lượng bông Mỹ có thể còn tăng thêm so với dự báo. Điều này có thể sẽ góp phần giữ ổn định giá bông nếu cầu nguyên liệu bông tăng cao trong thời gian tới.

Với diễn biến giá bông hiện nay, cùng với tương quan cung cầu, mùa vụ, thương mại bông giữa các quốc gia, dự kiến giá bông sẽ duy trì trong khoảng 2,2 -2,5 USD/kg cho đến tháng 4/2022, trước khi bước sang một vụ bông mới. Sẽ có những thời điểm giá giảm sâu do Trung Quốc tạm dừng sản xuất để đối phó với tình trạng cắt giảm năng lượng, khiến nhu cầu bị chững lại. Ngược lại, cũng sẽ có những thời điểm giá tăng cao đột biến, có thể xuất phát từ yếu tố đầu cơ trên thị trường tài chính.

Tình hình nhập khẩu bông của Việt Nam

Khối lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 2,14 tỷ USD, đơn giá bình quân 1830 USD/tấn; tăng 13,5% về lượng, 33% về trị giá và 16,5% về đơn giá so với cùng kỳ. Sản lượng nhập khẩu của các công ty FDI như Texhong, Brotex, Kyungbang, Tainan, Huafu thường xuyên duy trì trên mức 50% tổng sản lượng nhập khẩu bông của Việt Nam. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu xuất khẩu bông vào Việt Nam (0,5 triệu tấn), tiếp theo là Brazil (0,3 triệu tấn), Ấn Độ, Úc, Sunray, Bros, Paul Reinhart, Louis Dreyfus, Olam, Viterra là những nhà cung cấp lớn, chiếm trên 50% sản lượng bông nhập khẩu của Việt Nam. Ước cả năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn bông, tăng khoảng 9% so với năm 2020.

 

 


Các tin khác