Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân
Năm 2007, tôi tham gia Quốc hội Khóa XII, là đại biểu của Trung ương ứng cử tại tỉnh Cà Mau, cực Nam của Tổ quốc, cũng là nhiệm kỳ Anh Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, tôi tiếp tục công tác ở Quốc hội các Khóa XIII, XIV khi Anh đã là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội nên tôi cũng có đôi lần được gặp Anh.
Người gắn bó với sự chuyển mình của Quốc hội
Khóa XII của Quốc hội khi Anh Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch là khóa chuyển mình về tổ chức với sự ra đời của 4 ủy ban mới. Việc ra đời của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã giúp cho Quốc hội có thực quyền hơn trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực tài chính công, tài sản công, thu – chi ngân sách nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV ngày 29.11.2023. Ảnh: Phạm Thắng
Khóa XII của Quốc hội cũng là khóa thay đổi mạnh mẽ về tư duy và phương pháp làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó đã phát biểu một câu rất hay mà các đại biểu đều rất nhớ, đó là: Công khai, minh bạch là thanh bảo kiếm của Quốc hội. Sau này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách có nhấn mạnh: Kiểm toán Nhà nước là thanh bảo kiếm thứ hai của Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ Khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với tập thể Thường trực Ủy ban một số lần để cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề lớn, quan trọng cần quan tâm, lưu ý. Khi làm việc với Ủy ban, Anh luôn đặt vấn đề sát với thực tế của tình hình, thể hiện sự sắc sảo, bản lĩnh trong chỉ đạo, lãnh đạo, ứng phó linh hoạt, tinh tế với những tình huống cụ thể. Những phẩm chất này thể hiện rất rõ cả khi Anh điều hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội hay phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Anh Nguyễn Phú Trọng vốn là người rất cẩn trọng, chu toàn. Khi Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là chính sách mới và lần đầu áp dụng ở nước ta, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hỏi đi, hỏi lại Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhiều lần về những chính sách quy định trong dự luật mà Anh còn băn khoăn. Khi Quốc hội sắp thông qua dự án Luật vào tháng 11.2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gọi Chủ nhiệm Ủy ban lên để nghe trình bày trực tiếp về tính khả thi, tính cụ thể và sự đồng thuận trong Quốc hội đối với dự án Luật.
Một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi trong cuộc sống và thẳng thắn, giữ vững nguyên tắc trong công việc
Trong những ngày tháng công tác ở Quốc hội và qua tiếp xúc với Anh, tôi nhận thấy Anh là người cực kỳ giản dị, gần gũi, nhẹ nhàng trong cuộc sống, tôn trọng ý kiến tập thể, nhưng rất thẳng thắn, cương quyết, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương trong công việc. Anh rất chịu khó lắng nghe các ý kiến đa chiều, ít khi phát biểu trước trong các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà để các thành viên dân chủ phát biểu, nhằm phát huy trí tuệ của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một vài lần tôi được phân công tham gia cùng Chủ nhiệm Ủy ban tới báo cáo công việc với Chủ tịch, hay tới chúc Tết Chủ tịch tại trụ sở Quốc hội ngày đó ở 37, Hùng Vương, Hà Nội trong khi Nhà Quốc hội còn đang xây dựng. Điều dễ thấy là phòng làm việc của Anh lúc nào cũng giản dị, ngăn nắp, không bài trí, trang trí cầu kỳ và trên tường luôn là bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rồi tới Khóa XIV, khi làm trợ lý giúp việc cho Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tôi có đôi lần được đi cùng anh Phùng Quốc Hiển tới gặp Anh, lúc thì thăm hỏi khi Anh chữa bệnh ở khoa A11 Bệnh viện Quân y 108, khi thì chúc Tết Anh bên phố Nguyễn Cảnh Chân. Lần nào, Anh cũng ân cần hỏi thăm về gia đình, công việc.
Một trong những kỷ niệm ấm áp mà tôi nhớ mãi và tới nay còn giữ được tấm ảnh chụp chung với Anh trong lần Anh đến thăm một số đại biểu Quốc hội tại Nhà công vụ số 2 phố Hoàng Cầu nhân dịp Tết Mậu Tý 2008. Tôi nhận được thông báo chỉ ít phút trước khi Anh tới nên cũng không kịp chuẩn bị gì ngoài ấm trà sen, chút mứt Tết. Anh tới cùng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, anh Nguyễn Huy Đông – Thư ký của Chủ tịch và đồng chí bảo vệ tiếp cận. Chúng tôi ngồi uống trà, Anh hỏi thăm gia đình, công việc, câu chuyện hết sức bình dị cứ như người anh tới thăm em vậy. Anh rất vui khi thấy các đại biểu Quốc hội từ các địa phương về Thủ đô công tác có nhà ở tử tế vì “an cư lập nghiệp” mà. Anh coi đây là điều kiện bảo đảm để người đại biểu dân cử toàn tâm, toàn ý phục vụ cử tri, Nhân dân, hoàn thành tốt trọng trách cao cả của mình.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do cử tri và Nhân dân bầu ra, là thiết chế dân chủ lâu đời từ khi hình thành Nhà nước, nên các quy trình, thủ tục trong tiến hành công việc đều hết sức chặt chẽ, quy củ đến mức khắt khe mặc dù Quốc hội luôn luôn đổi mới để tự hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, nếu tuân thủ tốt các quy định đó, thì công việc sẽ hết sức trôi chảy, chất lượng công việc được bảo đảm. Cả ba khóa Quốc hội tôi vinh dự được phục vụ cơ bản tuân theo những nguyên tắc đó, nên vừa bảo đảm chất lượng công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội, vừa tạo môi trường làm việc, phối hợp công tác suôn sẻ giữa các cơ quan của Quốc hội với nhau cũng như giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ và khối tư pháp.
Anh Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành lời hứa của mình khi phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XII ngày 23.7.2007, là “sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”. Anh ra đi là sự mất mát lớn của Quốc hội, của đất nước và Dân tộc Việt Nam. Quan trọng là chúng ta phải tiếp tục phát huy được những trí tuệ của Anh trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Anh sẽ mãi mãi là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân trong lòng đại biểu Quốc hội và đồng bào, chiến sĩ cả nước.
TRẦN VĂN – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Khóa XIII