Thông điệp 2021 của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam


Chúng ta vừa trải qua một năm sản xuất kinh doanh đặc biệt nhất trong lịch sử phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với tất cả những diễn biến thị trường và xã hội mà chúng ta chưa từng trải qua. Mọi kinh nghiệm và giải pháp trong quá khứ không còn phát huy tác dụng để giải quyết được vấn đề như trước. Chính trong bối cảnh mới diễn ra bất ngờ, cán bộ và người lao động Vinatex đã hết sức sáng tạo, nhanh nhạy, quyết liệt, đồng lòng trong triển khai mà nhờ đó chúng ta đã vượt qua mùa Covid 2020 với 2 thành công lớn, đó là bảo toàn được đội ngũ người lao động và an toàn tài chính trong doanh nghiệp cùng vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Bài học rút ra được từ năm 2020 là đáng trân trọng và cần được tiếp tục duy trì, phát huy gồm:

 Một là, ra quyết định nhanh, chấp nhận rủi ro có cân nhắc. Tốc độ triển khai rất nhanh, nhờ đó mới tận dụng được cơ hội ngắn hạn của các mặt hàng không truyền thống.

 Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền nội bộ tới người lao động nên nhận được sự ủng hộ cao trong việc san sẻ việc làm, tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng dịch nên toàn hệ thống không có một xưởng sản xuất nào phải đóng cửa, cách ly. Đồng thời, tuyên truyền vận động với khách hàng thông qua các hiệp hội ngành nghề quốc tế cũng đã đạt kết quả tích cực trong đảm bảo thanh toán, trách nhiệm với đơn hàng và vật tư đã chuẩn bị cho các đơn hàng đã ký kết, giảm áp lực khá lớn cho dòng tiền của doanh nghiệp.

 Ba là, liên tục chủ động dự báo và đưa ra các kịch bản giải pháp, hạn chế bị động. Sáng tạo và quyết tâm cao trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật khi phải tổ chức làm các mặt hàng mới, không phù hợp công nghệ đã giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, có doanh thu và hiệu quả với các đơn hàng lạ. Thực hiện chia sẻ đơn hàng, kỹ thuật giữa các đơn vị thành viên, tận dụng chuỗi cung ứng nội bộ với tỷ lệ cao trong thời gian chuỗi cung cấp gián đoạn.

Tóm lại, TỰ CƯỜNG – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT chính là chìa khoá giúp Tập đoàn vượt khó thành công trong năm 2020.

Theo dự báo của nhiều tổ chức trong đó có Vinatex và McKinsey, 2021 – 2023 là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, với nhiều sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng 2019. Trong khi đó, các đặc điểm của cạnh tranh và thị trường trở nên khác biệt hoàn toàn với các đặc trưng lớn:

  • Lợi thế cạnh tranh các doanh nghiệp truyền thống và lớn như trong Tập đoàn có nguy cơ bị xoá nhòa sau thời gian dừng vì dịch bệnh, các đối thủ sẽ bắt đầu ở cùng một vạch xuất phát mới;
  • Khách hàng truyền thống bị thay thế, phá sản, thu hẹp quy mô, thị trường xuất hiện các nhãn hàng mới. Việc chỉ dựa trên khách hàng truyền thống sẽ không đảm bảo duy trì được thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Tấn công, phát triển khách hàng mới sẽ là chìa khoá quyết định thành công và chúng ta không có lợi thế rõ rệt so với các doanh nghiệp khác;
  • Cơ cấu tiêu thụ sản phẩm thay đổi làm ảnh hưởng đến tính cân bằng của năng lực sản xuất hiện có. Sẽ xuất hiện các khu vực thừa cung và cả những khu vực cần đầu tư mới hoặc chuyển đổi để đáp ứng thị trường;
  • Phương thức hợp tác trực tiếp, giảm trung gian, đòi hỏi nâng cao cả năng lực nhân viên lẫn hệ thống hạ tầng quản lý, công nghệ thông tin ở cùng trình độ với các người mua hàng. Chuyển đổi số và áp dụng IoT là điều kiện cần ở các doanh nghiệp;
  • Phương thức kinh doanh online tăng mạnh với hỗ trợ của công nghệ thử size từ xa và các ứng dụng trên điện thoại thông minh;
  • Dòng vốn lưu động có sự sắp xếp lại với các yêu cầu mới, mà khả năng cao là làm tăng nhu cầu vốn với tỷ lệ sản xuất OEM tăng nhanh;
  • Yêu cầu về môi trường, lao động tạo thêm áp lực chi phí cho DN trong thời gian đầu triển khai;
  • Các quốc gia tranh thủ quá trình sắp xếp lại chuỗi cung ứng để tranh giành những thị phần mới một cách quyết liệt;
  • Đơn giá hàng hoá giảm mạnh.

Như vậy có thể xác định, giai đoạn 2021- 2023 sẽ là giai đoạn quyết định cho sự phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn cho doanh nghiệp, hoặc tụt hậu và bị bỏ rơi dần khỏi cuộc chơi. Trong đó, năm 2021 sẽ là năm xuất phát, mang tính then chốt, quyết định cả hướng đi và tốc độ của doanh nghiệp.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2020, Việt Nam lại đứng trước tình thế bất định riêng với việc Mỹ điều tra về Thao túng tiền tệ theo điều khoản 301 Luật Thương Mại, bao gồm cả nguy cơ có những thay đổi về thuế quan với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Như vậy, bên cạnh xu thế phục hồi chưa rõ rệt của thị trường và việc đi vào thực thi các hiệp định RCEP, EVFTA mang tính tích cực cho sản xuất kinh doanh 2021, thì ngành Dệt May Việt Nam sẽ có thể đứng trước thách thức mới về lợi thế cạnh tranh vào Mỹ – thị trường lớn nhất của chúng ta. Điểm khác biệt duy nhất so với 2020 đó là, chúng ta cơ bản nhận diện được tình hình của 2021 chứ không hoàn toàn bất ngờ.

Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đề ra 5 giải pháp trọng tâm, đó là:

  • Nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình OEM;
  • Chuyển đổi số cho toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà trước hết là quá trình quản trị sản xuất – tồn kho – logistic;
  • Đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường và lao động;
  • Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều kiện mới;
  • Đảm bảo an toàn tài chính để phát triển dài hạn.

Các giải pháp này chỉ được triển khai có hiệu quả nếu doanh nghiệp tiếp tục phát huy được tài sản quý giá là nhân tố TỰ CƯỜNG – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT mà chúng ta đã thể hiện trong năm 2020.

Với niềm tin vững chắc vào sức mạnh của văn hoá Vinatex, sức sáng tạo, tinh thần tự cường của toàn thể người lao động và cán bộ quản lý, thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn tôi kêu gọi toàn thể người lao động Vinatex bước vào năm mới 2021 với tâm thế Tự cường – Sáng tạo – Quyết tâm cao – Đoàn kết, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đầy thách thức của năm 2021.

Xin kính gửi những lời CHÚC MỪNG NĂM MỚI tốt đẹp nhất đến toàn thể CBCNV Tập đoàn và gia đình.

Chủ tịch HĐQT

Lê Tiến Trường


Các tin khác