Thiết kế 3D: Biến ngành công nghiệp thời trang thành thực ảo song hành – PhyGital


Tiềm năng của thiết kế 3D bằng phần mềm CAD và hình ảnh thực tế ảo tăng cường (VR) để trực quan hóa các thiết kế hoàn chỉnh gần như đã được định hình rõ và thúc đẩy những tiến bộ trong ngành kỹ thuật dệt may.

Ảnh: BBC

Ngành công nghiệp thời trang đang trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật số thời đại mới. Cách đây không lâu, các bản thiết kế thời trang được thực hiện phải trải qua các công đoạn từ bản phác thảo chì sang các mẫu rập giấy và sang các mẫu may thử nhưng hiện nay, thế hệ công nghệ tiếp theo được gắn với các kỹ thuật thiết kế đang mở ra hướng đi mới khi các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang thống trị đang chuyển hướng sang những sáng tạo 3D sống động như thật.

Thiết kế 3D trong ngành kỹ thuật dệt may

Bước đột phá đầu tiên của thiết kế kỹ thuật cơ khí đến từ Ivan Sutherland, người đã dẫn đầu kỹ thuật sketchpad nổi tiếng (phần mềm vẽ hình học) vào năm 1963 với tên gọi ‘Robot Draftsman’. Ban đầu, các thiết kế 3D được đưa vào danh mục đầu tư của thương hiệu để làm nổi bật mục tiêu nghệ thuật và hiện đang được các nhà thiết kế và bán lẻ thời trang tận dụng để khẳng định giá trị. Công nghệ này là sự kết hợp của các ứng dụng phần mềm thực tế ảo với các mô hình khoa học trong hệ thống CAD. Môi trường kỹ thuật số có thể tùy chỉnh cho phép nhà thiết kế định hình chính xác bản vẽ nguyên mẫu ảo của các thiết kế của mình. Một mô hình sản phẩm dựa trên kết hợp các chuyển động học vật lý Newton được sử dụng để mô phỏng cấu trúc và hình dáng thực tế của trang phục.

Trong số các phần mềm sử dụng trên các trình duyệt hàng đầu hiện có để tạo mô hình CAD 3D, Autodesk, Human Solutions, EFI Optitex, Solidworks, AutoCAD và FreeCAD là những công cụ phổ biến nhất. Các phần mềm này rất tiện dụng với các tính năng như tạo thiết kế 3D, ước tính chi phí tự động, phác thảo 2D, quản lý tệp, tạo ảnh thực photorealistic, kết hợp ECAD / MCAD, thiết kế ngược … Các kỹ sư dệt may trên toàn cầu đang áp dụng những tiến bộ trong công nghệ thiết kế, vốn là một vị cứu tinh trong tình trạng hỗn loạn trên toàn thế giới hiện nay. Thiết kế 3D đang được các nước trong ngành thời trang đón nhận khi đại dịch COVID-19 tiếp tục cản trở các phương thức giới thiệu thời trang thông thường.

Công nghệ 3D CAD đã thực sự mang lại lợi ích cho kỹ sư và nhà phát triển sản phẩm vì công nghệ này đã đẩy nhanh tốc độ tạo ra các mô hình công cụ, tạo nguyên mẫu, tiếp thị, sản xuất cũng như cấp bằng sáng chế. Khả năng thiết kế trên vải thực trong khi sản phẩm thiết kế cuối cùng có thể được hiển thị nhờ kỹ thuật số cho phép nhà thiết kế dễ dàng điều chỉnh thông số và thiết kế họa tiết kỹ thuật.

Hình ảnh ảo sống động của thiết kế trang phục 3D

Các công cụ hình ảnh hóa 3D giúp tăng tốc độ thiết kế và giúp giảm xác suất in lỗi, đồng thời hiển thị khả năng tùy chỉnh linh hoạt cũng như tự do sáng tạo. Các công ty phần mềm đang phát triển và bán phần mềm CAD được trang bị tính năng in thiết kế cho các bản thiết kế 3D với khả năng in trực tiếp lên vải trước khi chúng được cắt và may.

Ảnh: FIT New York City

Để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng của thiết kế 3D và may ảo, các học viện thời trang hàng đầu đã đưa ra các khóa học và chứng chỉ với mục tiêu đào tạo những nhà thiết kế ảo xuất sắc. Nhận thấy nhu cầu này, viện công nghệ thời trang FIT New York đã thiết kế một chương trình với nền tảng phần mềm Browzwear 3D cho những ai muốn học thiết kế 3D. Khi sử dụng thiết kế 3D, điều quan trọng cần lưu ý là do đây là phần mềm mới được giới thiệu nên người học cần thực hành chăm chỉ hàng ngày để đạt kết quả cao nhất.

Ảnh: FIT

Giám đốc điều hành hãng thời trang cao cấp thương hiệu Coresight, bà Marie Driscoll đồng ý với tầm quan trọng của trải nghiệm cửa hàng trực tuyến và cho biết, “Mô hình lưới thật nhàm chán. Khách hàng không chỉ mua sắm chỉ vì họ cần. Họ mua sắm để khám phá, học hỏi và tìm hiểu về các sản phẩm mới”. Công nghệ thực tế ảo không chỉ tạo ra một môi trường giải trí sáng tạo cho khách hàng mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng. Thêm vào đó, bà Driscoll cũng nhấn mạnh các thương hiệu cao cấp, nhà bán lẻ thời trang và nhãn hiệu làm đẹp là những phân khúc kinh doanh phù hợp nhất cho công nghệ thiết kế và trình diễn 3D. Theo bà  “Hãng Luxury tiếp cận công nghệ trực tuyến chậm và nhiều thương hiệu không giới thiệu đầy đủ các dòng sản phẩm của mình, nhưng nếu họ có thể cung cấp trải nghiệm trực tuyến tuyệt vời bao gồm cả các công nghệ khác như phát trực tiếp và dịch vụ tư vấn với các cửa hàng đối tác thì họ sẽ trở thành người thay đổi cuộc chơi”.

Ảnh: Ulta Beauty

Trải nghiệm cửa hàng thực tế ảo, còn được gọi là không gian mua sắm 3D cho phép khách hàng đánh giá hàng hóa như đang ở trong một cửa hàng thực mà vẫn thoải mái như ở nhà. Khách hàng có thể phóng to và thu nhỏ để đánh giá sản phẩm từ các góc độ khác nhau và tiến hành mua hàng. Công nghệ ảo đang trao quyền cho các nhà bán lẻ thời trang kích hoạt các tính năng mới để tạo ra trải nghiệm khó quên khi mua sắm.

Với những tiến bộ mỗi ngày, việc hình dung và khả năng tiếp cận sản phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các thương hiệu thời trang như H&M, Zara, Ralph Lauren và Victoria’s Secret đã đóng cửa các cửa hàng bởi các chi phí ngoài kế hoạch kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Cuối cùng, những thương hiệu như vậy đang tìm cách cân đối với những chi phí phát sinh từ việc thiết lập cửa hàng trực tuyến. Obsess, một công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ VR thương mại điện tử đã triển khai một dự án hợp tác với Dior để ra mắt cửa hàng ảo của mình ở Champs-Élysées, Paris. Trung tâm mua sắm Thượng Hải Luxury Art ở Trung Quốc cũng đã ra mắt cửa hàng ảo đầu tiên ở Trung Quốc, mang đến cho khách hàng một trải nghiệm ảo đến trung tâm và cho phép mua hàng từ 46 cửa hàng khác nhau. Các nhà thiết kế cửa hàng ảo của Dior cho biết ban đầu mục tiêu của Dior là chia sẻ trải nghiệm tại cửa hàng ở Paris tới nhiều khách hàng hơn nếu họ không có cơ hội trực tiếp đến Paris.

Ảnh: Christian Dior

Neha Singh, Giám đốc điều hành của Obsess cho biết: “Đối với một thương hiệu, tôi không muốn nó giống như một trò chơi điện tử công nghệ thấp. Chất lượng là rất quan trọng, họ cần điều đó để duy trì thương hiệu và tính thẩm mỹ của mình”. Doanh nhân này đồng ý rằng thế hệ ngày nay và giới trẻ đã quen thuộc với khái niệm cửa hàng thực tế ảo VR thông qua các trò chơi và sự hiểu biết về kỹ thuật số trong cuộc sống hàng. Hơn nữa, cửa hàng trưng bày thiết kế 3D đã hiện diện ở Trung Quốc đại lục. Ví dụ, thương hiệu xa xỉ Valentino gần đây đã khai trương cửa hàng ảo của họ trên trang web T-mall của Alibaba cho phép người mua sắm tham quan trực tuyến cửa hàng pop-up của thương hiệu đặt tại Bắc Kinh và thậm chí mua sắm các sản phẩm được đặt trên kệ qua trang web Tmail Alibaba.

Ảnh: Digital Teahouse

Mặc dù công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích, ngành công nghiệp may mặc vẫn miễn cưỡng dựa vào các thiết kế được tạo ra bằng kỹ thuật số thay vì các phương pháp thông thường. Trong khi thiết kế 3D mang lại nhiều lợi ích, không dễ dàng thay đổi phương thức quản lý hiện tại đối với các nhà bán lẻ có nhiều mã sản phẩm (SKU) và đa dạng sản phẩm.

Ví dụ, Miroglio Fashion là một nhà bán lẻ hàng may mặc dành cho phụ nữ của Ý, có 11 thương hiệu quốc tế riêng biệt và do đó có các mã SKU khác nhau. Việc chuyển sang thiết kế 3D đã gây ra khó khăn cho công ty với rất nhiều thay đổi so với phương pháp quản lý hiện tại. Nhưng với tình hình mới những điểm tích cực của công nghệ mới chắc chắn sẽ giúp vượt qua những trở ngại này.

Hiện tại, sau khi thành công với thiết kế 3D, công ty đã đạt được mức chi phí làm lại hàng may mặc giảm 90% so với những năm trước. Phó chủ tịch CLO – công ty phần mềm 3D của Mỹ cho biết: “Mặc dù chắc chắn có thể có một số bất tiện khi chuyển đổi sang kỹ thuật số nhưng cuối cùng các công ty và thương hiệu chuyển đổi sang kỹ thuật số sẽ nhanh chóng nhận thấy lợi ích của việc làm này.” Hơn nữa, đã có những báo cáo lo ngại về việc mất việc làm của các nhà thiết kế, sáng tác mẫu và công nhân ở các cấp độ phát triển sản phẩm có liên quan nếu thiết kế 3D lên ngôi”.

Về vấn đề này, cựu Giám đốc thiết kế của Gant – thương hiệu thời trang phong cách sống dành cho nam cho biết, “Việc này yêu cầu các nhà thiết kế và nhà phát triển sản phẩm, hoặc thậm chí một sinh viên mới tốt nghiệp không chỉ học giao diện phần mềm mới mà còn phải trở thành thợ cắt mẫu, thợ may, thợ thiết kế mẫu vải, kỹ sư kỹ thuật số, nhiếp ảnh gia thương mại điện tử và nghệ sĩ chỉnh sửa. Công nghệ mới đang tạo ra những vai trò mới cho các kỹ thuật viên và đạo diễn hình ảnh.”

Vì vậy, thiết kế 3D đang được nhìn nhận một cách tích cực để mở ra những cánh cửa mới cho ngành công nghiệp thời trang, cho phép người lao động có nhiều thời gian hơn để sáng tạo trong vai trò công việc hiện tại của họ. Tự động hóa các vai trò này sẽ không thay thế mà trợ giúp họ sử dụng năng lượng vốn có của mình để làm tốt hơn.

Người dịch: Phạm Kim Anh

https://apparelresources.com/technology-news/retail-tech/3d-design-turning-fashion-industry-phygital/


Các tin khác