Thị trường dệt may tháng 4 và triển vọng kinh tế năm 2024


Năm 2024, theo báo cáo tháng 4/2024 của IMF, kinh tế thế giới được dự báo tốt hơn so với tháng 1/2024, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo phục hồi ở mức 3,2%, tăng 0,1% so với dự báo tháng 1/2024 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân trước đại dịch Covid -19 ở mức 3,8%. Tình hình kinh tế trong nước cũng thuận lợi hơn năm 2023 với KNXK hàng hóa chung của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 123,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng phục hồi theo xu hướng thị trường khi KNXK  đạt 12,5 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn, bao gồm cả những căng thẳng từ cuộc chiến ở Ukraina-Nga và xung đột tại dải Gaza, cùng với lạm phát cơ bản dai dẳng, thị trường lao động vẫn thắt chặt, có thể làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất tại các thị trường kinh tế lớn.

Dự báo tăng trưởng thương mại và GDP toàn cầu

Theo báo cáo IMF ngày 16/4, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,2% năm 2024 và năm 2025 (cao hơn 0,1% so với báo cáo tháng 1/2024). Dự báo kinh tế toàn cầu vào tháng 4/2024 mặc dù được đánh giá ở mức chậm tuy nhiên đã vững vàng và ổn định hơn so với đầu năm.  Dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và năm 2025 sẽ cao hơn năm 2019 ở mức trước đại dịch tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân trước đại dịch Covid -19 ở mức 3,8%. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, trong đó các nền kinh tế phát triển sẽ quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

 

Theo báo cáo tháng 4/2024 của IMF, nền kinh tế lớn như Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP  ở mức 2,7% trong năm 2024 (trong khi tháng 1/2024 dự báo chỉ ở mức 2,1%). Ở khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển, dự báo tăng trưởng GDP không đổi so với dự báo tháng 1/2024, ở mức 5,2% trong năm 2024 nhưng dự báo tăng trưởng lại tăng 0,1% trong năm 2025 so với dự báo trước tại khu vực này.

Mặt khác, ở khu vực châu Âu do dự báo tăng trưởng trong tháng 4/2024 chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024, giảm 0,1% so với dự báo trước đó (trong khi tháng 1/2024 dự báo tăng trưởng ở mức 0,9%). Các yếu tố như cuộc xung đột Nga-Ukraina vẫn tiếp diễn khiến cho IMF hạ mức dự báo tăng trưởng ở lục địa già.

 

Tại Mỹ

Ngày 1/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất trong 23 năm ở mức 5,25% -5,5% trong cuộc họp thứ sáu liên tiếp, FED đã duy trì ở mức này kể từ tháng 7/2023. Sau cuộc họp gần đây nhất, Fed dự kiến sẽ cắt giảm 3/4 điểm vào cuối năm nay. Tuy nhiên điều này đang trở nên ít chắc chắn hơn khi lạm phát tại Mỹ vào tháng 3/2024 vẫn ở mức 3,5% (mức cao nhất kề từ tháng 9 năm ngoái). Theo IMF, lạm phát dai dẳng sẽ là nguyên nhân chính khiến cho FED giữ nguyên lãi suất trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo báo cáo tháng 4/2024 của IMF, tăng trưởng GDP Mỹ được dự đoán sẽ cao hơn vào năm 2024 ở mức 2,7% (cao hơn 0,6% so với dự báo tháng 1/2024 của IMF). Lạm phát tháng 3/2024 tại Mỹ ở mức 3,5%, cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 3,8% trung bình hàng năm của Mỹ.

Việc làm mới phi nông nghiệp Mỹ tháng 4/2024 tăng 175 nghìn việc làm. Đây là mức tăng việc làm thấp nhất kể từ tháng 10/2023 (ở mức 165 nghìn), trong khi tháng 3/2024 ở mức 315 nghìn việc làm. Con số việc làm này phản ánh sự chậm lại đáng kể so với tốc độ tăng nhanh chóng được ghi nhận trong quý đầu tiên trong năm 2024 và kém xa mức tăng trung bình hàng tháng là 242.000 việc làm của Mỹ trong 12 tháng trước đó.

Khu vực châu Âu

Ngày 11/4, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp, trong đó lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chính và lãi suất đối với cơ sở cho vay cận biên và cơ sở tiền gửi sẽ không thay đổi ở mức lần lượt là 4,50%, 4,75% và 4,00%.

GDP quý 1/2024 tại châu Âu ở mức tăng 0,3%, đây là quý tăng trưởng cao nhất kể từ quý 3/2022 và quý đầu tiên sau 2 quý liên tiếp không tăng trưởng. Lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 4/2024 ở mức 2,4%. Các nhà hoạch định chính sách của ECB Philip Lane, Gediminas Simkus và Boris Vujcic cho biết riêng dữ liệu tăng trưởng và lạm phát mới nhất đã củng cố niềm tin về lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương vào giữa năm 2024. Theo CNBC, giá cả trên thị trường tiền tệ hiện cho thấy xác suất ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 là gần 70%.

Tại Anh

Ngày 9/5, BOE tiếp tục giữ lãi suất ở mức 5,25% lần thứ 6 liên tiếp để tiếp tục hạ lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Vào ngày 2/5, OECD công bố dự báo mới về nền kinh tế thế giới trong đó OECD dự báo GDP của Anh sẽ tăng 0,4% vào năm 2024 và 1,0% vào năm 2025 (thấp hơn so với dự báo trước đó, ở mức 0,5). Vào tháng 3/2024, tỷ lệ lạm phát của Anh đã giảm xuống 3,2% (từ mức 3,4% của tháng trước) nhưng vẫn cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường là 3,1%. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 9/2021, chủ yếu là do lạm phát thực phẩm chậm lại. Thị trường tài chính đã dự đoán sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với lần đầu tiên dự kiến ​​diễn ra vào tháng 8.

 

Tại Trung Quốc

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý 1/2024 tăng 5,3% so với cùng kỳ, vượt dự báo thị trường là 5,0% và tiếp nối mức tăng trưởng 5,2% Trong quý 4/2023. Dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 5%. Mặc dù sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tuy nhiên để giữ được đà phát triển, theo IMF Trung Quốc cần phải có phản ứng toàn diện đối với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn để có thể duy trì tăng trưởng và đồng thời giảm thiệt hại cho các đối tác thương mại.

Tại Nhật Bản

Ngày 26/4, BOJ đã giữ lãi suất quanh mức 0. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Nhật Bản giảm xuống 2,7% vào tháng 3/2024 từ mức cao nhất trong năm 2024, ở mức 2,8% vào tháng 2, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Dự báo lạm phát tiêu dùng lõi sẽ đạt 2,8% vào tháng 4, trước khi giảm xuống 1,9% trong năm tài chính 2025 và 2026. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát vượt quá dự báo. Tăng trưởng ở Nhật Bản sẽ phục hồi ổn định, với nhu cầu trong nước được củng cố bởi mức tăng lương thực tế mạnh hơn, tiếp tục chính sách tiền tệ hỗ trợ và cắt giảm thuế tạm thời. GDP dự kiến ​​sẽ tăng 0,5% vào năm 2024 và 1,1% vào năm 2025.

DOANH SỐ BÁN LẺ, CHI TIÊU CHO HÀNG MAY MẶC TẠI MỸ

Vào tháng 3/2024, doanh số bán lẻ ở Mỹ đã tăng 0,7% so với cùng kỳ, sau mức tăng 0,9% được điều chỉnh tăng trong tháng 2/2024 và cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 0,3%,trong đó doanh số bán hàng tại các nhà bán lẻ không phải cửa hàng (2,7%), trạm xăng (2,1%). Mặt khác, doanh số bán hàng giảm đối với hàng thể thao, tiện ích, nhạc cụ và cửa hàng sách (-1,8%), quần áo (-1,6%).

Mặc dù chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng ở mức 160 tỷ USD, quần áo lại là mặt hàng duy nhất bị suy giảm trong tháng 3/2024, ở mức 200 triệu USD (trong khi tháng 2/2024 giảm ở mức 2,7 tỷ USD), sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng hàng quần áo trong tháng 3 đã chậm hơn so với tháng trước.

KNXK Dệt may Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh

KNXK Dệt may Việt Nam

Tháng 4/2024, KNXK dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tháng 4/2024, KNXK dệt may Việt Nam tiếp nối đà tăng, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kể từ tháng 12/2023.

 

Trong tháng 4/2024: KNXK dệt may Việt Nam đi Mỹ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, đi Nhật Bản đạt 319 triệu USD tăng 9,6% so với cùng kỳ, đi Hàn Quốc đạt 262 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên xuất khẩu đi thị trường EU và Trung Quốc giảm trong tháng 4. KNXK đi EU đạt 339 triệu USD, giảm 2,64% so cùng kỳ, đi Trung Quốc đạt 253 triệu USD, giảm 3,6% so cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng năm 2024: Tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đạt 4,58 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ, đi EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1,5% so với cùng kỳ, đi Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ, đi Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD tăng 3,7% so với cùng kỳ, đi Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD tăng 13,1% so với cùng kỳ

TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÁC QUỐC GIA XUẤT KHẨU DỆT MAY LỚN

Trung Quốc

 

Tháng 3/2024: KNXK hàng dệt may Trung Quốc đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ, trong đó:

  • Hàng dệt sợi đạt 10,3 tỷ, giảm 19,5% so với cùng kỳ
  • Hàng may mặc đạt 10,4 tỷ giảm 22,6% so với cùng kỳ

Tháng 3/2024 là tháng KNXK dệt may Trung Quốc giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2023.

Lũy kế quý 1/2024: KNXK hàng dệt may Trung Quốc đạt 65,9 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ, trong đó:

  • Hàng dệt sợi đạt 32 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ
  • Hàng may mặc đạt 33,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ

Bangladesh

 

Tháng 4/2024: Tháng 4 là tháng đầu tiên trong năm 2024 KNXK dệt may Bangladesh suy giảm. Tổng KNXK dệt may Bangladesh đạt 3,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ. KNXK hàng may mặc đạt 3,29 tỷ USD giảm 1% so với cùng kỳ, trong đó:

  • Hàng dệt kim đạt 1,86 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ
  • Hàng dệt thoi đạt 1,42 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ

Lũy kế 4 tháng năm 2024, tổng KNXK dệt may Bangladesh đạt 18,1 tỷ USD tăng 9,2% so với cùng kỳ. KNXK hàng may mặc đạt 17,1 tỷ USD tăng 9,8% so với cùng kỳ, trong đó:

  • Hàng dệt kim đạt 9,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ
  • Hàng dệt thoi đạt 7,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ

Triển vọng kinh tế năm 2024

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mức 3,2% trong năm 2024 và 2025. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, trong đó các nền kinh tế phát triển sẽ quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

IMF cho biết khả năng phục hồi kinh tế bất ngờ, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất đáng kể nhằm khôi phục sự ổn định về giá, cũng phản ánh khả năng các hộ gia đình ở các nền kinh tế tiên tiến lớn có thể rút ra khoản tiết kiệm đáng kể tích lũy trong thời kỳ đại dịch. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương được đánh giá là tăng trưởng khiêm tốn ở mức 4,5% (tăng 0,3% điểm phần trăm so với dự báo tháng 10 năm ngoái) và vẫn là khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu. Trong các quốc gia khối châu Á, IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 5,8% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025.

Tại Việt Nam, nền kinh tế có tín hiệu phục hồi theo xu hướng thế giới với KNXK chung của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 123,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ trong đó KNXK dệt may Việt Nam 4 tháng đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Mặc dù nền kinh tế tăng trường tốt tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các yếu tố như xung đột địa – chính trị vẫn dai dẳng, ngoài ra còn xuất hiện thêm các khu vực xung đột mới làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Lạm phát ở nền kinh tế Mỹ vẫn neo ở mức cao, theo đó việc giảm lãi suất chính sách chậm hơn dự kiến, một số nhãn hàng thời trang Mỹ gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến việc thanh toán chậm. Các yếu tố thách thức vẫn hiện hữu đòi hỏi doanh nghiệp phải  luôn thận trọng, sẵn sàng ứng phó trong mọi điều kiện khó khăn của thị trường.

Bài: Nguyễn Trọng Nghĩa


Các tin khác