“Thắt lưng buộc bụng” vượt khó khăn


Sự suy giảm của nền kinh tế đang khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng rơi vào trạng thái “phòng thủ” và cắt giảm chi tiêu không cấp thiết. Tiết kiệm là “toa thuốc” hữu hiệu đối với doanh nghiệp trong bồi cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Chắt chiu từ nhà đến công sở

Chị Hoàng Thu Vân- nhân viên thiết kế tại một hãng thời trang uy tín cho biết: Trước tình hình sụt giảm doanh thu và lợi nhuận do không tiêu thụ được sản phẩm thời trang kéo dài từ nhiều tháng nay, Công ty tôi đã đề ra nhiều chương trình tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu… Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này bởi cùng với các giải pháp linh hoạt ứng phó với khó khăn của thị trường thì “thắt lưng buộc bụng” ở giai đoạn này là vô cùng cần thiết để chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn công ty vẫn có thể tồn tại và phục hồi hoạt động sau khủng hoảng.

Chị Vân cho biết thêm, không chỉ đồng hành với công ty trong tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết mà với các khoản sinh hoạt phí trong gia đình, chị cũng tính toán một cách phù hợp nhất để cuộc sống và công việc không bị xáo trộn.

Cũng như vậy, anh Phan Văn Việt, nhân viên công nghệ thông tin chia sẻ, công ty tôi xiết chặt chi phí tài chính, những khoản chi tiêu hành chính, hội họp, đi công tác, các hoạt động phong trào… để tập trung nguồn lực cho ứng phó với tình hình xấu đi của nền kinh tế. Thậm chí, việc sa thải lao động, cắt giảm lương, thưởng cũng là điều khó tránh khỏi trong thời điểm khó khăn kéo dài hiện nay. Trước mắt, ngoài nỗ lực nâng cao hơn nữa năng suất công việc, cố gắng tìm kiếm thêm khách hàng thì người lao động chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với những chính sách cắt giảm chi tiêu của công ty, chỉ mong thời kỳ khó khăn sớm qua đi để công ty trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định như mấy năm trước đây…

Theo khảo sát thói quen tiêu dùng 2023 của Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, công bố mới đây thì có tới 62% người tiêu dùng Việt Nam sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Sự cắt giảm chi tiêu này ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. Cụ thể, 54% người tiêu dùng Việt dự kiến chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ, sau đó là du lịch (42%) và thiết bị điện tử (38%). Riêng mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, chỉ có 18% người tiêu dùng Việt dự định cắt giảm chi tiêu, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu 24%…

Doanh nghiệp tự cứu mình

Đối mặt với khó khăn kéo dài từ cuối năm 2022, trong hướng đi năm 2023, nhiều nhà quản trị đã phải điều chỉnh chiến lược, kế hoạch cho doanh nghiệp mình, chuyển từ chế độ “tấn công” sang “phòng thủ” và hoạt động trong điều kiện “năng lượng thấp”… Các biện pháp sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng các dự án, công trình mới hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại là những hành động quyết liệt để cẩn trọng theo dõi diễn biến của thị trường đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Theo nhiều nhà lãnh đạo, để các doanh nghiệp tự cứu mình và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cùng với giải pháp tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn thu thì cắt giảm chi tiêu, đồng thời nâng cấp về công nghệ và con người là những ưu tiên hàng đầu.

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ban hành kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của toàn Tập đoàn với tổng giá trị 2.242 tỷ đồng. Theo đó, Tổng Giám đốc PVN đề nghị các Ban, Văn phòng Tập đoàn, thủ trưởng, người đại diện của Tập đoàn tại các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đảm bảo hoàn thành toàn diện chương trình thực hiện tiết kiệm, mức tiết giảm chi phí theo kế hoạch. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu đưa các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm chi phí vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện phần vốn Tập đoàn tại các đơn vị. Hằng tháng, các đơn vị phải có báo cáo về việc tiết giảm chi phí gửi về Tập đoàn bên cạnh báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đề nghị các ban, bộ phận văn phòng, các đơn vị linh hoạt, khoanh vùng tiết giảm chi phí. Tạm dừng những chi phí chưa cấp thiết, chỉ ưu tiên chi phí phát triển thị trường, chi phí đầu tư bỏ ra và thu hồi được hiệu quả trong năm 2023.

Tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu không chỉ đảm bảo cho bộ máy duy trì hoạt động mà còn thể hiện tinh thần chia sẻ với tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp và coi đây là kiến tạo cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Mỗi cá nhân cùng tạo dựng ý thức xây dựng tập thể dù trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn cũng sẵn sàng chung sức để hướng đến sự phát triển bền vững.

Bài học chia sẻ, đồng lòng vượt khó trong 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 là cơ sở để mỗi doanh nghiệp và người lao động đồng hành vượt qua thời kỳ khủng hoảng nền kinh tế hiện nay trên toàn cầu.

Bài: PV


Các tin khác